|
Hội đồng điều hành Iraq |
Bước mở đầu cho sự xuất hiện trở lại của Iraq trên chính trường quốc tế kể từ khi chính quyền Saddam Hussein bị lật đổ được đánh dấu bằng chuyến ra mắt HĐBA Liên Hợp Quốc của 3 quan chức tới từ Hội đồng điều hành Iraq trong ngày 22/7 vừa qua.
Tổng thư ký LHQ Kofi Annan và đại diện đặc biệt của ông tại Iraq là Sergio Viera de Mello đã nhiệt liệt đón chào 3 quan chức trên, một nghi lễ cho thấy cộng đồng quốc tế thừa nhận sự tồn tại của một bộ máy lãnh đạo tại Iraq được Mỹ hậu thuẫn.
Adnan Pachachi, cựu Bộ trưởng Ngoại giao thời kỳ trước khi Saddam Hussein lên nắm quyền, 1 trong số 3 lãnh đạo Iraq có mặt tại LHQ cam kết, Iraq sẽ không bao giờ quay lại chế độ cực quyền. Và rằng: ''Mục tiêu số 1 là rút ngắn thời gian hoạt động của chính quyền chuyển tiếp, mở đường thành lập Hiến pháp mới và bầu tân chính phủ''.
Phát biểu trong buổi họp của HĐBA Liên Hợp Quốc - được tổ chức để lắng nghe báo cáo đánh giá về nỗ lực tái thiết tại Iraq do ông Mello soạn thảo - ông Annan tuyên bố việc thành lập hội đồng Iraq là bước đi đầu tiên quan trọng để lập lại chủ quyền của Iraq. Ngoài ra, vị Tổng thư ký LHQ còn kêu gọi ''lực lượng chiếm đóng quân sự nên sớm rút lui khi một chính phủ đại diện được quốc tế thừa nhận đã được thành lập''.
Hội đồng điều hành Iraq được thành lập và nhóm họp cách đây 10 ngày có một số quyền lực nhất định như: đề cử bộ trưởng, xem xét lại các điều luật, ký hợp đồng và phê chuẩn ngân sách quốc gia và bổ nhiệm thành viên ban soạn thảo hiến pháp mới nhằm tiến tới một cuộc bầu cử. Trong khi đó, quan chức Mỹ Paul Bremer, người điều hành chính quyền lâm thời Iraq hiện nay sẽ có những quyết định cuối cùng về mọi vấn đề.
Giới quan sát nhận định, trong trường hợp Đại hội đồng và Hội đồng Bảo An LHQ công nhận Hội đồng điều hành Iraq thì cơ quan này sẽ trở thành đại diện của Iraq tại LHQ và được đảm bảo quyền lợi bỏ phiếu trong mọi tổ chức của LHQ. Trên lý thuyết, Hội đồng điều hành Iraq được coi là cầu nối giữa lực lượng chiếm đóng Mỹ tại Iraq và bộ máy tự trị của người Iraq. Tuy nhiên, thành phần của hội đồng này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Nguyên do của bất đồng này là một trong các thành viên của hội đồng là Ahmed Chalabi, một nhà tài chính, người Iraq lưu vong được Mỹ lựa chọn để làm Tổng thống.
Chalabi là 1 trong 3 đại diện của phái đoàn Iraq tới tham dự cuộc họp của HĐBA Liên Hợp Quốc. Hai người còn lại là Adnan Parchachi, (đã đề cập ở trên) và Akila al Hashemi, một chuyên gia LHQ làm việc tại Bộ Ngoại giao Iraq trong thời gian Saddam còn nắm quyền.
(Hoài Linh - Theo International Herald Tribune, Reuters)
Tin liên quan:
.
|