|
Tổng thống Palestine Yesser Arafat. |
Cả Ngoại trưởng Israel và Palestine đều đang kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đóng một vai trò chủ chốt trong quá trình tìm kiếm nền hoà bình cho khu vực Trung Đông.
Ngoại trưởng Israel Silvan Shalom - vốn thận trọng về sự "thiên vị" của EU với người Palestine - hy vọng EU sẽ đóng vai trò "chính" trong việc giải quyết xung đột Israel - Palestine. Còn Ngoại trưởng Palestine Nabil Shaath thì cho rằng EU "đảm bảo" cho người Palestine trong tiến trình tìm kiếm hoà bình và cho biết người Palestine hoàn toàn tin tưởng vào châu Âu.
Phát biểu sau cuộc gặp với các ngoại trưởng EU, ông Shalom cho biết: "Điều này rất quan trọng đối với chúng tôi. Đã đến lúc người châu Âu phải thay đổi cách nhìn, ngay cả trong Liên Hợp Quốc. Tôi không thể chấp nhận công thức Israel có thể tồn tại mà không cần châu Âu và châu Âu có thể tồn tại mà không cần Israel. Israel và châu Âu đã cùng chung sống, cùng chia sẻ những giá trị của nền dân chủ, luật pháp và cùng tôn trọng nhân quyền".
Được hỏi về việc châu Âu từ chối đề nghị của Israel tẩy chay nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat, ông Shalom cho biết: "Giữa bạn bè với nhau, chúng ta có thể nhất trí hay bất đồng". Nhưng ông cũng cho biết thêm: "Tôi nghĩ rằng giờ đây càng thêm nhiều nước nữa cho rằng Arafat đã trở thành vật cản cho hoà bình".
Theo ông Shalom, cần phải tăng cường quyền lực của Thủ tướng Palestine Mahmud Abbas bởi vì ông này có vẻ trung hoà hơn và Chính phủ của ông có cách tiếp cận vấn đề mới. "Tôi cho rằng giờ đây nhiều nước châu Âu đều có chung cảm nhận và có chung suy nghĩ như chúng tôi".
Các ngoại trưởng EU sau đó đã nhắc lại sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo của chính quyền Palestine và cho rằng cần phải giữ liên lạc với các nhà đối thoại Palestine bao gồm Arafat và Abbas. "Hội đồng châu Âu cho rằng Chính quyền Palestine và chính phủ nước này xứng đáng nhận được sự ủng hộ của mọi người".
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp với các bộ trưởng châu Âu, Ngoại trưởng Palestine Nabil Shaath cho biết ông "rất vui mừng nếu Israel thực sự ủng hộ vai trò của châu Âu trong việc triển khai lộ trình hoà bình này". Về vấn đề tẩy chay Arafat, ông Shaath cho biết ông "hoàn toàn được đảm bảo rằng có một sự nhất trí giữa các nước châu Âu bao gồm Italia hiện đang nắm giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, các thành viên mới cũng như các thành viên hiện tại của tổ chức này ủng hộ vị tổng thống được bầu chọn của Palestine và cũng ủng hộ Thủ tướng Abbas".
Lộ trình hoà bình Trung Đông là một tiến trình nhằm đạt được một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột Israel - Palestine mà mục đích cao nhất là thành lập một nhà nước Palestine vào năm 2005.
EU được coi là một trong 4 thành viên của "bộ tứ" tìm kiếm hoà bình cho Trung Đông (ba thành viên còn lại là Liên Hợp Quốc, Mỹ và Nga).
(Huyền Trang - Theo AFP) |