|
Cuộc đảo chính năm 2000 đã làm chia cắt Fiji. |
Toà án tối cao Fiji đã phán quyết Chính phủ dân tộc chủ nghĩa của Laisenia Qarase phải có sự tham gia của các thành viên đảng đối lập của người Ấn Độ. Trong một quyết định có tính bước ngoặt, các quan toà nhất trí rằng, ông Qarase đã vi phạm hiến pháp khi khai trừ các nghị sĩ thuộc Công đảng Fiji khỏi nội các sau cuộc bầu cử gần hai năm trước.
Toà tuyên bố, vi phạm này phải được khắc phục ngay lập tức. Như vậy, Thủ tướng phải thảo luận với lãnh đạo Công đảng Fiji và chọn người trong Công đảng để bổ nhiệm vào nội các.
Ông Qarase cho biết sẽ thi hành phán quyết của toà và sẽ hội đàm với người đứng đầu Công đảng Fiji, Mahendra Chaudhry. Quyết định của toà là một đòn mạnh đối với Laisenia Qarase. Chính quyền của ông bị tuyên bố là bất hợp pháp. Vị Thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc cho rằng những điều khoản bắt buộc chia sẻ quyền lực trong hiến pháp - được quy định nhằm phát triển một chính quyền đa đảng, đa sắc tộc - sẽ chỉ dẫn đến việc điều hành không hiệu quả.
Trong một phán quyết dài 60 trang, Toà án tối cao tại Thủ đô Suva của Fiji quyết định, việc ông Qarase khai trừ các đối thủ chính trị khỏi nội các là vi phạm hiến pháp. Sự kiện năm 2000 đã chia rẽ sâu sắc các dân tộc trên hòn đảo Thái Bình Dương này.
Luật pháp ghi rõ, các đảng đối lập lớn phải có đại diện tại cấp cao nhất của Chính phủ theo tỷ lệ phiếu bầu trong cuộc bầu cử. Ví dụ, Công đảng Fiji có quyền giành 40% số ghế. Hệ thống này được áp dụng với mục đích củng cố quan hệ hợp tác và hoà hợp giữa các dân tộc, nhưng đã bị Thủ tướng Qarase coi thường từ cuộc bầu cử năm 2001.
Gây thêm căng thẳng?
Thay vì mời Công đảng tham gia nội các, ông Qarase liên kết với Liên minh Bảo thủ. Đây là một đảng theo đường lối cứng rắn của người bản địa, có quan hệ mật thiết với George Speight. Nhà doanh nghiệp thất bại này đã cầm đầu vụ bạo động có vũ trang chống lại Thủ tướng đầu tiên người Ấn Độ thiểu số, Mahendra Chaudhry 3 năm trước.
Speight đang thi hành án tù vì tội phản bội, trong khi ông Chaudhry với tư cách người đứng đầu Công đảng, đang tận hưởng chiến thắng sau quyết định quan trọng của toà án. Một số nhà phân tích lo ngại phán quyết của Toà án tối cao có thể châm ngòi cho những căng thẳng sắc tộc tại một quốc gia không ổn định như Fiji.
(Phương Thuý - Theo BBC) |