Chính quyền do Mỹ hậu thuẫn của Iraq đã không thể chọn ra được một nguời lãnh đạo trong tuần chấp chính đầu tiên, và đành tạm thời để vị trí này cho một ban lãnh đạo do 3 thành viên luân phiên nắm giữ, với năng lực quản lý yếu kém. Hôm thứ sáu, ông Paul Bremer - người được chỉ định làm chức quản lý hội đồng điều hành - đã bất ngờ rời Baghdad trở về Washington. Trong khi đó, hôm qua (19/7), lại có thêm một lính Mỹ thiệt mạng do trúng đạn phục kích.
|
Hội đồng điều hành Iraq | |
|
1 ghế - 3 người ngồi
Theo các quan chức trong hội đồng điều hành, được thành lập Chủ nhật tuần trước để thay thế chính quyền dân sự do Paul Bremer lãnh đạo, ưu tiên của họ là bầu ra một vị chủ tịch. Song cho đến hôm thứ bảy, đã 6 ngày đầu tiên trongn nhiệm kỳ trôi qua, hội đồng này vẫn đang bị chia rẽ sâu sắc về quyết định trên. Hôm qua, các quan chức trong hội đồng này cho biết, vị trí lãnh đạo sẽ do ít nhất là 3 trong 25 thành viên đảm nhận.
Trong một diễn biến khác, hàng nghìn người Shiite đã tổ chức một cuộc diễu hành rầm rộ qua các điểm đóng quân của quân Mỹ và dinh thự của cựu chủ tịch Saddam Hussein tại Baghdad. Đoàn người mang theo cờ và biểu ngữ chống Mỹ. Họ cho rằng quân Mỹ đã bao vây nhà ở của một giáo sĩ Shiite tại thành phố thánh địa Najaf sau khi ông này đọc một bài thuyết giáo chống Mỹ trong buổi lễ cầu nguyện hôm thứ sáu, gọi hội đồng điều hành hiện nay là một tổ chức của những kẻ vô đạo và tuyên bố ông sẽ thành lập một tổ chức chính trị đối lập. Phía quân đội Mỹ lại cho biết, họ đang tiến hành kiểm chứng thông tin trên.
Ông Bremer đã trao cho người Shiite (đối tượng bị áp bức dưới chế độ do người Sunni thống trị của Saddam) chiếm tỷ lệ đa số trong hội đồng điều hành. Song hầu hết các thành viên người Shiite là những giáo sĩ thế tục hoặc các nhân vật ôn hoà.
Nhà quản lý người Mỹ đã bất ngờ rời Baghdad hôm thứ sáu lên đường trở về Washington. Dự kiến, ông sẽ dành 1 tuần tại Washington. Phụ tá của Bremer tại Baghdad cho hay, nhà cựu ngoại giao 61 tuổi và chuyên gia chống khủng bố này quay về Mỹ để tham khảo ý kiến tư vấn của cấp trên. Cũng theo ông này, Bremer dự định sẽ xuất hiện trong một chương trình phỏng vấn quan trọng trên truyền hình tối nay.
Trong tuần qua, ông Bremer gần như mất hút tại Baghdad kể từ sau hội đồng tiếp quản được thành lập, một nỗ lực rõ ràng nhằm chứng minh cho người Iraq và cả thế giới thấy rằng: Hội đồng tiếp quản không phải là con rối do Mỹ giật dây.
Văn phòng ông Bremer đã từ chối bình luận về tuần làm việc đầu tiên của hội đồng mới; song một phát ngôn viên của một thành viên trong hội đồng mới đã phát biểu trong một tuyên bố ngắn: "Chúng tôi đã đi tới một quan điểm chung rằng, chiếc ghế chủ tịch nên do nhiều người luân phiên nhau nắm giữ bởi mỗi tổ chức chính trị có đại diện trong hội đồng nên gánh vác một vai trò và trách nhiệm như nhau".
Một thành viên giấu tên trong hội đồng điều hành tiết lộ cho hãng thông tấn AP biết, chức chủ tịch (nhiều khả năng do 3 thành viên nắm giữ) sẽ bao gồm: 1 nhà chính trị người Shiite hàng đầu, 1 giáo sĩ Shiite có uy tín và cựu Ngoại trưởng Adnan Pachachi.
Ông Pachachi, 80 tuổi, một người Hồi giáo dòng Sunni, đã phục vụ trong chính quyền tiền Saddam (chính quyền này bị đảng Baath lật đổ trong cuộc cách mạng năm 1968). Người thứ hai là ông Mohammed Bahr al-Uloum, 78 tuổi, một giáo sĩ từ London trở về sau chiến tranh Vùng Vịnh 1991. Ông này hiện đang được xem như chủ tịch của hội đồng trong tuần chấp chính đầu tiên.
Người thứ ba là ông Abdel-Aziz al-Hakim, 50 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Tối cao Tổ chức Cách mạng Hồi giáo Iraq, đồng thời là một giáo sĩ Shiite. Ông phản đối sự hiện diện của Mỹ tại Iraq song lại có mối quan hệ chặt chẽ với người Kurd do Mỹ hậu thuẫn và Tổ chức Đại hội Quốc dân Iraq của ông Ahmad Chalabi.
Ông Chalabi, rời Iraq sống lưu vong từ bé, là người mà Chính phủ Mỹ định bổ nhiệm làm lãnh đạo Iraq đầu tiên thời hậu Saddam. Song nhiều người Iraq nghi ngờ rằng, ông này có quan hệ chặt chẽ với Washington.
Một quan chức ngoại giao phương Tây giấu tên, người có quan hệ chặt chẽ với hội đồng điều hành hiện nay, cho rằng, quyết định thiết thành chế độ chủ tịch luân phiên không phản ánh sự chia rẽ giữa các thành viên trong cơ quan điều hành. Ông này còn cho biết, các thành viên hội đồng hiện đang "hợp tác chặt chẽ với nhau" bất chấp những bất đồng về tôn giáo và sắc tộc. Cũng theo nhà ngoại giao trên, chế độ chủ tịch chung mang tính tượng trưng cao.
Song thực chất, quyết định này rõ ràng đã phản ánh sự chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên hội đồng điều hành trong việc giao phó quyền lực cho một người trong số họ. Như vậy, hội đồng này đang rơi vào tình trạng "1 ghế 3 người ngồi" mà vẫn chưa lấp đầy được khoảng trống quyền lực.
Số lính Mỹ thiệt mạng đã vuợt quá chiến tranh Vùng Vịnh 1991
|
Bấp chấp mọi nỗ lực của liên quân, lính Mỹ vẫn tiếp tục chết tại Iraq |
Bấp chấp mọi nỗ lực của liên quân, bạo lực vẫn tiếp diễn tại Iraq. Hôm qua, thêm một lính Mỹ nữa đã thiệt mạng do trúng đạn phục kích trong khi đi tuần dọc bờ sông ở phía tây Baghdad. Cái chết của binh sĩ này đã nâng tổng số lính Mỹ chết trong khi thi hành nhiệm vụ tại Iraq lên tới 149 kể từ ngày chiến tranh bùng nổ, 20/3. Con số này đã vượt qua tổng số lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 (nhiều hơn 2 người).
Trung tướng Ricardo Sanchez, chỉ huy liên quân tại Iraq, cho biết liên quân đang nghiên cứu kỹ càng từng vụ tấn công vừa qua. "Chúng tôi đã nghiên cứu mọi chi tiết của các vụ tấn công nhằm đánh bại kẻ thù. Rõ ràng, chúng tôi đang phải chiến đấu và mong rằng tình trạng này sẽ sớm chấm dứt" - Sanchez nói với các nhà báo.
Ông này cho biết quân Mỹ sẽ thành lập một lực lượng tự vệ dân sự bao gồm 6.500 người Iraq. Lực lượng này sẽ tham gia tuần tra cùng quân Mỹ. Cũng theo Sanchez, nhiều người Iraq sẽ được vũ trang và làm phiên dịch viên cho lính Mỹ nhằm rút ngắn hiểu nhầm do bất đồng ngôn ngữ giữa quân Mỹ và người dân Iraq.
(Lam Sơn - Theo AP, BBC) |