|
Người dân Solomon đã từ lâu sống trong tình trạng bất ổn. |
Với việc chuẩn bị tiến hành can thiệp quân sự vào quần đảo láng giềng Solomon, Australia đang muốn đóng vai trò quan trọng như một cường quốc khu vực, đồng thời tìm cách khôi phục quan hệ bền vững với Mỹ - đồng minh truyền thống của nước này.
Cũng như người anh em George W. Bush, Thủ tướng Australia John Howard bắt đầu nhiệm kỳ của mình mà không quan tâm nhiều tới thế giới bên ngoài. Trong chuyến công du chính thức của ông tới châu Á sau khi lên nắm quyền hồi năm 1996, người ta đồn rằng ông đã nói với cố vấn của mình: "Thực ra, tôi không muốn quá bị vướng bận vào chính sách ngoại giao". Nhưng những sự kiện đột ngột xảy ra đối với ông Bush đã thôi thúc ông Howard phải có một vai trò tích cực trong các công việc quốc tế và thay đổi chính sách ngoại giao của Australia theo hướng quả quyết hơn. Minh chứng gần đây nhất cho thực tế này là Australia đang chuẩn bị đưa một đội quân gồm 2.000 lính bao gồm cả cảnh sát sang thống lĩnh quần đảo Solomon, nơi đang sắp sửa rơi vào tình trạng hỗn độn không luật pháp do nhiều năm xung đột giữa các tộc người thiểu số.
Hôm 10/7 vừa qua, Nghị viện Australia đã bỏ phiếu thông qua việc can thiệp quân sự vào Solomon bất chấp một cựu Thủ tướng của quần đảo này buộc tội Australia đang đi theo con đường "chủ nghĩa thực dân" với quyết tâm chiếm lấy quần đảo. Đây sẽ là cuộc huy động quân sự lớn nhất tại khu vực Nam Thái Bình Dương kể từ sau thế chiến hai.
Sau khi giành độc lập từ Anh năm 1901, trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới và chiến tranh Việt Nam, chính sách đối ngoại và quân sự của Australia thường phải tuần tự theo đuôi đầu tiên là Anh, rồi sau đó là Mỹ. Tuy nhiên, kể từ những năm 1970, các chính phủ của Australia đã nối tiếp nhau chuyển trọng tâm sang những nước láng giềng đang vươn dậy tại khu vực Đông Nam Á với hy vọng củng cố các quan hệ kinh tế, chính trị với những nước này, đồng thời giảm bớt vai trò của các mối quan hệ thuộc địa truyền thống. Australia đã phớt lờ việc Indonesia sáp nhập Đông Timo và những lời buộc tội Indonesia vi phạm nhận quyền tại hòn đảo này vì các nhà cầm quyền Australia thuộc mọi đảng phái đều muốn hâm nóng quan hệ với người láng giềng "đáng kể" phía Bắc.
Mặc dù bước vào nhiệm kỳ với rất ít ý tưởng về phương hướng hoạch định chính sách đối ngoại, ông Howard, một nhân vật có tiếng bảo thủ đã tạo ra những thay đổi gây ngạc nhiên cho các đối thủ của ông và cho cả những nước láng giềng vốn được những người tiền nhiệm ông nhân nhượng. Khi Đông Timor tiến tới giành độc lập năm 1999, trong bối cảnh bạo động nổ ra khắp nơi trên hòn đảo này, ông Howard đã quyết định đưa một đội quân gìn giữ hòa bình sang mà không trực tiếp dính líu. Vào thời điểm đó, hành động này được coi là một sự mạo hiểm quân sự lớn nhất mà Australia từng thực hiện. Và để trả đũa lại thái độ của Chính phủ Australia, Chính phủ Indonesia đã giận dữ xé bỏ hiệp ước an ninh đã ký với người tiền nhiệm của ông Howard là Thủ tướng Paul Keating.
Thái độ sẵn sàng chọc tức những người láng giềng châu Á của ông Howard càng bộc lộ rõ hơn sau vụ đánh bom khủng bố tại hòn đảo du lịch Bali của Indonesia hồi năm ngoái trong đó nhiều khách du lịch của Australia đã thiệt mạng. Ông Howard lúc đó đã đưa ra lời cảnh báo rằng Australia có thể sẽ ra tay trước nhằm triệt tiêu cơ sở khủng bố tại các nước khác. Thái độ này đã khiến những người láng giềng Indonesia, Malaysia và Philippines phẫn nộ. Ngay cả Đảng Lao động đối lập cũng tấn công ông Howard về sự "hiếu chiến" này và buộc tội ông đang cố tỏ ra "mạnh mẽ".
Việc đưa quân can thiệp tại quần đảo Solomon cũng phản ánh mối lo ngại của ông Howard về nguy cơ khủng bố đang tới gần. Kể từ khi giành được độc lập cách đây 25 năm, quần đảo này đã rơi vào tình trạng vô chính phủ. Xung đột giữa những nhóm người bản địa về đất đai đã dẫn tới một cuộc đảo chính vào năm 2000. Bất chấp lệnh ngừng bắn do Australia "môi giới", các băng nhóm tội phạm vẫn hoành hành vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà cầm quyền nơi đây. Điều này khiến Australia lo ngại sẽ xuất hiện một "nhà nước suy tàn" sát bên sườn phía đông của mình, tạo ra mảnh đất tốt cho bọn khủng bố hoạt động. Australia và Solomon, cũng tương tự như New Zealand và Papua New Guinea - hai quốc gia láng giềng đang có nguy cơ xảy ra can thiệp quân sự - đều là những thuộc địa cũ của Anh và tới bây giờ vẫn coi Nữ hoàng Anh Elizabeth là quốc vương của họ.
Trước sự "cứng rắn" của ông Howard, Thủ tướng quốc đảo Solomon Allan Kemakeza đã dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục các thành viên trong Nghị viện chấp thuận sự can thiệp của Australia, với lý do họ sẽ phải ký vào "giấy chứng tử" nếu phản đối. Ông Kemakeza cũng cho rằng lực lượng 2.000 quân của Australia sẽ đóng vai trò như một "kim chỉ nam" dẫn đường cho quốc đảo này. Hôm 14/7 vừa qua, ông Kemakeza tuyên bố Solomon không có gì phải lo ngại về việc quân đội nước ngoài được triển khai tại đây. "Chúng tôi hoan nghênh hàng trăm lính láng giềng tới giúp chúng tôi. Họ sẽ không tới đây để cướp mất đất nước này". Trước những lời "thuyết phục rất có lý" trên, Nghị viện Solomon đã bắt đầu thảo luận về một dự luật chi tiết nhằm trao quyền hợp pháp cho lực lượng quân sự Australia can thiệp vào quần đảo này.
Quyết định chấp thuận sự can thiệp của Australia đồng nghĩa với việc ông Howard sẽ không phải đối mặt vớí những thách thức do sự "cứng rắn" của ông mang lại. Nếu như nghị viện quốc đảo này phản đối việc can thiệp của quân đội Australia, và tình hình hỗn loạn ở Solomon càng trở nên tồi tệ hơn, liệu Australia có gửi quân sang đây không? Ngoại trưởng Australia Alexander Downer đã thừa nhận trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện rằng Chính phủ Australia không biết sẽ phải hành động ra sao trong những tình huống như vậy.
Song song với việc từ bỏ chính sách mềm mỏng trong quan hệ với các nước láng giềng châu Á, ông Howard cũng đảo ngược chính sách "cách ly Australia khỏi chính sách đối ngoại Mỹ" mà những người tiền nhiệm ông đã theo đuổi. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, Ngoại trưởng Australia lúc đó là Bob Hawke đã cương quyết nhấn mạnh rằng ông sẽ không gửi quân sang vùng Vịnh để hỗ trợ Mỹ mà sẽ ủng hộ Liên Hợp Quốc. Ngược lại, ông Howard lại tỏ ra rất nhiệt tình khi gửi quân Australia sang hỗ trợ lính Mỹ trong cuộc tấn công Iraq hồi tháng 3 vừa qua mà không cần sự chấp thuận rõ ràng của Liên Hợp Quốc. Hiện ông Bush đang thuyết phục Australia tiếp tục tỏ thái độ cương quyết trong chính sách đối ngoại bằng việc phái lực lượng hải quân chặn các tàu của Bắc Triều Tiên bị tình nghi chở vũ khí trái phép. Hôm 9/7 vừa qua, Ngoại trưởng Downer đã phát biểu tại một cuộc hội thảo an ninh khu vực rằng Chính phủ Australia đồng ý với quan điểm của Tổng thống Bush cho rằng những hành động ngăn chặn như trên là phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo Paul Kelly, một nhà phân tích của tờ The Australian, lý do tại sao ông Howard lại có sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại là thế giới đã có những biến động kể từ năm 1996 theo hướng làm cho ông Howard cảm thấy những thiên hướng chính trị của ông đã không còn phù hợp với thời cuộc nữa. Một loạt sự kiện đã hình thành nên sự thay đổi này, từ những cuộc xung đột đang gần kề đến vụ tấn công khủng bố 9/11 tại Mỹ và những vấn đề kinh tế mà các nước châu Á đang phải đối mặt.
Được biết, Australia đã cam kết gửi ít nhất 15.000 cảnh sát, binh sĩ và quản lý dân sự cùng một tàu chỉ huy hải quân tới Solomon. New Zealand cũng đã cam kết gửi 140 cảnh sát và binh lính cùng 4 chiếc trực thăng, nhân viên hỗ trợ và một đội cứu hộ y tế tới đây. Tonga, Fiji, Samoa và Papua New Guinea cũng đã chấp thuận đóng góp quân.
Nhiệm vụ trước tiên của lực lượng gìn giữ hoà bình tại quần đảo này sẽ là giải giáp các phần tử có vũ trang tại Thủ đô Honiara. Sau đó, những lực lượng này sẽ toả ra để bảo vệ an ninh tại các tỉnh.
(Huyền Trang - Theo The Economist, BBC) |