|
Thủ tướng Anh Tony Blair. |
Thủ tướng Anh Tony Blair đã bắt đầu chuyến công du tới Washington nhằm hội đàm với Tổng thống Mỹ Bush về vấn đề Iraq, tiến trình hòa bình Trung Đông, và việc Mỹ trao trả tù nhân người Anh hiện đang bị giam giữ tại Guantanamo.
Trong chuyến đi này, ông Blair sẽ có một bài phát biểu mang tính "lịch sử" trước Nghị viện Mỹ, trong đó ông nhấn mạnh rằng Mỹ và châu Âu cần phải sát cánh bên nhau trong mọi tình huống.
Ngoài ra, ông Blair cũng yêu cầu Mỹ trả hai kẻ tình nghi khủng bố người Anh đang bị giam giữ tại Vịnh Guantanamo. Cha đẻ của Moazzam Begg, một trong hai người bị giam giữ, đã nói với phóng viên BBC rằng, ông Blair cần phải thuyết phục Tổng thống Bush để họ về Anh chịu xét xử.
Cuộc tranh luận về Uranium
Mỹ và Anh là những người tỏ ra "quyết tâm" nhất trong việc kết tội Sadam cố gắng mua uranium từ Nigeria. Tuy nhiên, Nhà Trắng nói rằng ông Bush đáng lẽ không nên đề cập đến vấn đề này trong thông điệp liên bang. Những cuộc tiếp xúc riêng giữa hai vị lãnh đạo này cũng sẽ thảo luận về những vụ tấn công liên tiếp nhằm vào liên quân đang diễn ra.
Liên quan đến vụ hai tù nhân Anh, hơn 200 nghị sĩ đã yêu cầu ông Begg và ông Feroz Abbasi hồi hương. Hai người này sẽ phải ra tòa án quân sự ở Mỹ. Cha đẻ của Begg đã nói rằng con trai của ông sẽ chết nếu không được trở lại Anh và rằng Begg đã xâm phạm nhân quyền trong thời gian bị giam giữ tại Mỹ.
Vào tối thứ năm, ông Blair trở thành một trong số bốn nhà lãnh đạo Anh từ trước đến nay có cơ hội phát biểu trước cả hai viện của Mỹ.
Diễn văn trước nghị viện
Thông điệp chính của bài phát biểu mà ông Blair mang tới Nghị viện sẽ là: Mỹ và châu Âu có chung "các giá trị về con người trên thế giới". Ông Blair lập luận: "Khi hai quốc gia cùng sát cánh bên nhau, thế giới sẽ trở nên an toàn và thịnh vượng hơn". Trong bài diễn văn, ông Blair nhấn mạnh sự cần thiết của việc quân Mỹ - Anh sớm kết thúc chiến dịch của họ ở Iraq và Afghanistan, giúp hai quốc gia này phát triển thịnh vượng. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những thỏa thuận cho nền hòa bình Trung Đông, ông nói thêm rằng chủ nghĩa khủng bố không thể bị đẩy lùi nếu các bên không đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Anh Malcom Rifkind đã cảnh báo ông Blair rằng ông nên giảm bớt những lời lẽ quá ủng hộ Mỹ. "Harold Wilson từng bất đồng với nước Mỹ về vấn đề Việt Nam, bà Thatcher từng bất đồng với Tổng thống Reagan về cuộc xâm lược Grenada. Vấn đề của ông Blair là ở chỗ từ trước đến nay, vẫn chưa có vấn đề gì tỏ rõ sự khác biệt quan điểm giữa ông và nước Mỹ".
Trong khi đó, nghị viện Mỹ mong muốn rằng chuyến đi lần này của ông Blair sẽ mang đến cho nước Mỹ sự ủng hộ rộng lớn "trong suốt thời kỳ khó khăn và lịch sử giữa hai quốc gia".
(Trần Hiền - Theo BBC) |