|
Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi tại lễ kỷ niệm Ngày những người hy sinh vì lý tưởng. |
Chính phủ Myanmar mới đây đã lên tiếng chỉ trích những động thái của Mỹ nhằm áp đặt một lệnh trừng phạt đối với nước này. Theo các quan chức Myanmar, lệnh trừng phạt đó giống như "vũ khí huỷ diệt hàng loạt".
Trong một tuyên bố bằng fax mang tên "Trừng phạt kinh tế được sử dụng như vũ khí huỷ diệt hàng loạt", các quan chức Rangoon cho biết lệnh trừng phạt này sẽ cắt đứt những trao đổi thông thương, và cướp mất cơ hội việc làm của người dân.
Trước đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Dân chủ và Tự do Myanmar năm 2003 với số phiếu áp đảo 418/2. Theo Đạo luật này, Mỹ sẽ áp đặt cấm vận kinh tế đối với Myanmar, phong toả tài sản của Chính phủ này tại các ngân hàng Mỹ và cấm phát thị thực nhập cảnh Mỹ cho các thành viên nội các Myanmar. Đạo luật cũng cho phép Tổng thống George W. Bush sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ các nhà hoạt động dân chủ Myamar.
Tháng trước, Thượng Viện Mỹ cũng đã thông qua một đạo luật tương tự. Nếu cả Thượng viện và Hạ viện đều thống nhất ý kiến và đưa ra một đạo luật chung, Tổng thống Mỹ sẽ xem xét và ký phê duyệt.
Động thái trên của chính quyền Bush là nhằm phản đối việc Chính phủ quân sự Myanmar bắt giam lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi ngày 30/5. Tương tự Mỹ, Liên minh châu Âu cũng đã áp dụng một lệnh trừng phạt đối với Rangoon sau sự kiện này.
Trong khi đó, các nhà hoạt động dân chủ Myanmar ở nước ngoài tỏ ra vô cùng phấn khích về cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ. Aung Din, một nhà hoạt động trong tổ chức Miến Điện Tự do - nói: "Chúng tôi bày tỏ sự cảm kích đối với Chính phủ Mỹ, các chính trị gia và người dân Mỹ về sự ủng hộ của họ đối với nền dân chủ. Liên minh châu Âu nên và có thể hành động nhiều hơn nữa để giúp Myanmar thực hiện một cuộc chuyển giao chế độ dân chủ".
Quốc hội Mỹ đã tránh áp đặt lệnh trừng phạt tương tự vào năm ngoái khi Aung San Suu Kyi được trả tự do sau 19 tháng bị quản thúc tại gia. Song việc bà bị giam giữ vào cuối tháng 5 vừa qua và việc Chính phủ Myanmar kiểm soát chặt chẽ hoạt động của bà cũng như của Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà lãnh đạo đã nhanh chóng làm thay đổi thái độ của Washington.
(Huyền Trang - Theo BBC, AFP) |