Lời cáo buộc Iraq của Bush - Câu hỏi lớn về sự thật
17:46' 16/07/2003 (GMT+7)

Mặc dù Giám đốc CIA George Tenet đã đứng ra nhận phần sai về mình trong lời cáo buộc vô căn cứ về tham vọng hạt nhân của Saddam Husein song không phải vì thế mà sóng gió đã dễ dàng qua đi với người đứng đầu Nhà Trắng. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho hành động của ông Bush; và lấy gì để đảm bảo rằng những lời cáo buộc còn lại của Tổng thống Mỹ là đúng sự thật?

(Từ trái sang phải) Bush, Giám đốc báo chí Dan Bartlett, cựu trưởng ban soạn thảo diễn văn Mike Gerson, nhà văn Matthew Scully và John McConnell tại Nhà Trắng.

Thông điệp liên bang là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nước Mỹ, thai nghén từ những người sáng lập nước Mỹ, dành cho một tổng thống đầy quyền lực để công bố trước dân chúng những quan điểm chung của mình. Được đọc tại phiên họp chung Quốc hội trong Toà nhà lớn nhất nước Mỹ, nó được xem là bài phát biểu quan trọng nhất của một vị tổng thống Mỹ trong năm. Nó được viết đi viết lại nhiều lần và sau đó còn được đánh bóng lại một lần cuối. Tuy nhiên, bức Thông điệp liên bang mà George W. Bush đọc hôm 28/1/2003 còn được trau chuốt kỹ càng hơn hết bởi với nó, ông sẽ làm một việc vô tiền khoáng hậu: Giải thích lý do tại sao một dân tộc vốn xưa nay chưa bao giờ chủ động tuyên chiến lại nên phát động một cuộc chiến phủ đầu. Mở đầu bài diễn văn tối hôm đó, Bush nói: "Hàng năm, theo luật pháp và truyền thống, chúng ta có mặt ở đây để cùng lắng nghe bức Thông điệp liên bang. Năm nay, chúng ta tập hợp trong căn phòng này với sự quan tâm sâu sắc về những ngày quyết định trước mắt". Tuy nhiên, về phần mình, liệu ông Bush có quan tâm tới mức độ chính xác của những gì mà ông đã nói hay không?

Trong bài diễn văn dài 5.400 từ của Bush có một hàng chữ chỉ gói gọn vẻn vẹn trong 16 từ song đã trở thành một đề tài tranh luận lớn trong gần một năm nay. Đó là dòng chữ được tham khảo hàng tá bức giác thư, nhiều liệu ngoại giao và pha một chút bí ẩn, có cả dấu gạch chân bằng bút chì: "Chính phủ Anh cho biết, Saddam Hussein gần đây đã tìm mua một lượng uranium đáng kể từ châu Phi". Câu nói trên không phải là bằng chứng thuyết phục nhất của chính quyến Bush cho lời cáo buộc cho rằng, Saddam muốn sở hữu vũ khí hạt nhân mà chỉ là bằng chứng gây tranh cãi nhiều nhất bởi hầu hết các chuyên gia chính phủ Mỹ khi nghe tuyên bố trên đều cho rằng nó không có căn cứ vững chắc.

Hồi tuần trước, Nhà Trắng rút cuộc cũng thừa nhận, Bush lẽ ra nên bỏ lời cáo buộc trên ra khỏi bài diễn văn của mình. Lời thú nhận trên được đưa ra nhằm kết thúc một cuộc tranh cãi bất tận, đồng thời tránh cho ông Bush phải chịu đựng 4 ngày điều trần đáng sợ và những lời công kích gay gắt từ những nhân vật khó chịu do chính quyền Bush chỉ định. Song động thái này lại tự nó châm ngòi nhiều câu hỏi nhằm vào chính uy tín của chính phủ: Còn bằng chứng nào nữa bị thổi phồng nhằm tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi cho chiến tranh? Nếu còn nhiều người nghi ngờ về lời cáo buộc liên quan tới uranium đến thế, thì nhân vật nào trong chính phủ đã cung cấp cho tổng thống lời viện dẫn này? Và liệu CIA đã đi quá xa khi để cho một thông tin tồi như vậy lọt ra ngoài?

CIA - "Người giữ kho" cho Bush?

Giám đốc CIA George Tenet

Đối với câu hỏi cuối cùng, ít nhất, câu trả lời nhận được là: rõ ràng là không. Có vẻ như câu chuyện Tào Tháo và người giữ quân lương Vương Hậu xưa kia đang lặp lại ở nước Mỹ khi Giám đốc CIA George Tenet đứng ra nhận trách nhiệm về lời cáo buộc vô căn cứ của "ông chủ của mình". Dư luận nghi ngờ rằng Tenet đã trở thành "con bài thế mạng" cho Bush. Trong một động thái có vẻ như một mệnh lệnh từ cấp trên yêu cầu một sự hy sinh về chính trị, người đứng đầu Cơ quan tình báo trung ương Mỹ, một trong những người bộc lộ nghi ngờ lớn nhất đối với lời cáo buộc trên, đã đứng ra nhận trách nhiệm cho lời buộc tội vô căn cứ của Tổng thống. "CIA đã thông qua bức Thông điệp liên bang của Tổng thống trước khi nó được đọc" - Giám đốc CIA George Tenet nói trong một tuyên bố - "Tôi xin chịu trách nhiệm về quá trình phê chuẩn trong cơ quan mình. Và... Tổng thống đã có mọi cơ sở để tin rằng, bản thảo bài diễn văn đã trình lên là có cơ sở vững chắc. 16 từ đó đáng lẽ không bao giờ nên đưa vào một bản thảo diễn văn dành cho Tổng thống".

Lần theo con đường "bánh vàng"

Tại sao một bài diễn văn quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của Bush liên quan tới an ninh quốc gia, trong đó có bằng chứng giả lại có sức thuyết phục đến thế? Câu trả lời đớn giản là: nhiều người trong chính quyền Bush muốn tin vào nó. Câu chuyện bắt đầu từ đầu những năm 1980, khi Iraq mua 2 vụ buôn bán chất oxide uranium từ Nigeria với số lượng tổng cộng hơn 300 tấn. Được gọi là "bánh vàng", oxide uranium là một dạng quặng được tinh chết một phần; chất này khi kết hợp với chất fluor và chuyển sang dạng khí, có thể được dùng để làm nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân. Không ai bàn cãi rằng, Iraq đã có một chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân trong những năm 80 song chương trình này đã bị phá sản sau Chiến tranh Vùng Vịnh đầu tiên. Sau đó, giữa thập niên 1990, các quan chức Iraq sống lưu vong cung cấp thông tin cho biết, Saddam đang cố khởi động lại chương trình này.

 Nhà Trắng đã thừa nhận lời cáo buộc cho rằng Iraq tìm mua uranium của Nigeria không nên đưa vào bức Thông điệp liên bang của ông Bush, song những lời cáo buộc còn lại trong bài diễn văn của Bush vẫn chưa được chứng minh.

BUSH ĐÃ NÓI
Chúng ta biết rằng, cuối những năm 1990, Iraq đã triển khai một vài phòng thí nghiệm vũ khí sinh học di động. Chúng được thiết kế để phục vụ cho việc sản xuất các đầu đạn chứa vi trùng.
— George W. Bush, Thông điệp liên bang, Tháng 1/2003

MỸ ĐÃ TÌM ĐƯỢC GÌ?
Quân Mỹ đã tìm thấy 2 chiếc xe moóc bị nghi là các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học di động song không có dấu hiệu nào về nguồn bệnh. CIA tuyên bố chúng là các phòng thí nghiệm, song một số nhà phân tích tình báo bộ Ngoại giao không tán thành.

BUSH ĐÃ NÓI
Các nguồn tin tình báo của chúng ta cho biết Saddam Hussein đã cố mua các ống nhôm chịu lực phục vụ cho mục đích sản xuất vũ khí nguyên tử.
— George W. Bush, Thông điệp liên bang, Tháng 1/2003

MỸ ĐÃ TÌM ĐƯỢC GÌ?
Hồi tháng 5/2003, một nhà khoa học Iraq nộp cho lính Mỹ một bản thiết kế chi tiết máy quay ly tâm mà ông ta đã giấu trong vườn nhà mình từ năm 1991. Song lính Mỹ không tìm ra bằng chứng nào về chương trình hạt nhân gần đây.

BUSH ĐÃ NÓI
Bằng chứng từ các nguồn tình báo, các thông tin mật, và lời khai của những người Iraq đang bị Mỹ bắt giữ cho thấy, Saddam Hussein đã giúp đỡ và bao che cho các phần tử khủng bố, trong đó có các thành viên của al-Qaeda.
— George W. Bush, Thông điệp liên bang, Tháng 1/2003

MỸ ĐÃ TÌM ĐƯỢC GÌ?
Quân Mỹ và người Kurd ở miền Bắc Iraq đã phá hủy nhiều doanh trại của tổ chức Ansar al-Islam, có mối liên hệ với al-Qaeda, song không tìm thấy manh mối nào chứng tỏ có mối liên hệ với Saddam như Bush cáo buộc. Phó thủ lĩnh al-Qaeda Abu Musab Zarqawi, người bị nghi đã từng điều trị tại một bệnh ở Baghdad, hiện vẫn chưa bị bắt giữ.

Cuối năm 2001, Chính phủ Italia cung cấp bằng chứng cho rằng, Iraq đang cố mua "bánh vàng" từ Nigeria. Rome đã cung cấp nhiều bức thư và tài liệu khác bị nghi là thư từ trao đổi giữa chính quyền Saddam và Nigeria, thương thuyết một vụ mua bán. Bằng chứng của người Italia đã được Anh và Mỹ chia sẻ.

Khi được chuyển tới Washington, thông tin về vụ buôn bán uranium giữa Iraq và Niger đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý đặc biệt của một nhân vật quan trọng: Phó Tổng thống Dick Cheney. Tham mưu trưởng của Cheney, ông Lewis Libby, đã tiết lộ với tạp chí Time rằng, trong suốt thời gian CIA gửi tin cho ông Cheney, Phó Tổng thống đã luôn "đặt câu hỏi về tính hoàn thiện của thông tin trên". Mối quan tâm của Cheney hiếm khi đến một cách vô cớ: Từ lâu ông được biết đến như một trong những người có quan điểm cứng rắn nhất về tham vọng hạt nhân của Saddam.

Trước đó không lâu, CIA đã âm thầm cử Joseph Wilson, một cựu đại sứ Mỹ tại quốc gia châu Phi Gabon, tiến hành điều tra thông tin. Wilson dường như là một sự lựa chọn khôn ngoan cho sứ mạng trên. Ông thực sự là người Mỹ cuối cùng tiếp xúc với Saddam Hussein trước khi Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất bùng nổ. Wilson đã dành 8 ngày tại Nigeria, gặp gỡ các quan chức và doanh nhân chính phủ nước này để vờ thuyết phục lời cáo buộc của Mỹ là sai sự thật. Song Wilson lại cho Time biết, ông chưa bao giờ được tiếp cận với tài liệu của phía Italia cũng như điền vào một báo cáo viết tay nào. Khi trở về Washington hồi đầu tháng 3, ông đã có một bản báo cáo bằng miệng lên CIA và Bộ Ngoại giao. Ngày 9/3/2002, CIA đã lưu hành nội bộ một bức giác thư về vấn đề uranium mà trước đó họ đã gửi cho Nhà Trắng, tổng kết lại lời quả quyết của Wilson.

Song Wilson không phải là người duy nhất điều tra vụ việc. 9 ngày trước đó, Cục Tình báo và nghiên cứu bộ Ngoại giao Mỹ đã trực tiếp gửi một bức giác thư cho Ngoại trưởng Colin Powell trong đó cũng tỏ ra nghi ngờ về tình báo Italia. Ông Greg Thielmann, một quan chức cấp cao của Cục cho Time biết, việc bán quặng uranium cho Iraq không phải là lợi ích của Nigeria. "Nhiều căn cứ cho thấy báo cáo trên là giả" - Thielmann nói - "Thông tin này đã không được kiểm chứng, nói cách khác, nó đã không có sự ủng hộ mạnh mẽ".

Trước mùa hè, giai đoạn nước rút trong chiến dịch vận động sự ủng hộ cho chiến tranh của chính quyền Bush, đề tài "bánh vàng" lại được nhắc lại bên kia bờ đại dương. Tháng 9/2002, chính quyền Tony Blair công bố tập hồ sơ dày 50 trang gây tranh cãi đánh giá về nguy cơ WMD của Iraq để lấy cớ cho chiến tranh. Phần lớn các bằng chứng trong hồ sơ đều là bằng chứng cũ, lần đầu tiên Anh công bố lời cáo buộc Iraq đã tìm mua uranium từ châu Phi. Tại Nhà Trắng, Ari Fleischer gật gù với hồ sơ của Anh. "Chúng tôi tán thành với những phát hiện của họ" - Fleischer nói.

Các bằng chứng còn lại - chưa hết nghi ngờ

Những "bằng chứng" mà liên quân tìm thấy tại Iraq đều chẳng hề liên quan tới WMD.

Cho tới nay, một lỗ hổng đang dần hiện ra đằng sau bức màn giữa những gì các quan chức Mỹ công khai cho là tham vọng hạt nhân của Iraq và những gì mà họ đang bàn bạc riêng với nhau. Sau khi Tenet rời khỏi phiên điều trần kín tại Capitol Hill (Toà nhà Quốc hội Mỹ) hồi tháng 9, nhiều người đặt câu hỏi về hạt nhân, và một quan chức cấp thấp hơn thừa nhận với các nhà lập pháp rằng, CIA đã nghi ngờ về tính trung thực của bằng chứng. Cũng trong tháng 9, CIA đã cố thuyết phục Chính phủ Anh chính thức rút lại lời cáo buộc đối với Iraq. Cho đến hôm nay, London vẫn cương quyết bảo vệ tuyên bố của mình. Tháng 10, Tenet đã lấy tư cách cá nhân gây sức ép với phụ tá của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Condoleezza Rice, Stephen Hadley, yêu cầu ông này rút hàng chữ cáo buộc về chất quặng của châu Phi trong bài diễn văn mà ông Bush sắp đọc ở Cincinnati, Ohio. Cùng tháng, các quan chức CIA đã đưa câu chuyện về "bánh vàng" do phía Anh cung cấp vào tài liệu mang tên "Đánh giá tình báo quốc gia" (NIE) dày 90 trang đề cấp đến chương trình vũ khí của Baghdad. CIA cho biết, họ không hề sửa lại thông tin về châu Phi cũng như giữ nguyên "xác nhận liệu Iraq đã mua được quặng uranium từ hai quốc gia châu Phi hay không. Cơ quan này cũng đưa vào NIE sự lo ngại của Bộ Ngoại giao cho rằng, lời viện dẫn về việc Iraq tìm mua "bánh vàng" là "rất mơ hồ" - mặc dù những lời đánh giá trên được ghi ở dòng chú thích.

Trong thời gian đang tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng đối với chiến tranh, khi chính quyền Bush đã không công khai những mối nghi ngờ nội bộ về bằng chứng nói trên. Ví dụ, trong tháng 12/2002, Bộ Ngoại giao đã đưa lời cáo buộc Nigeria vào văn bản gồm 8 điểm công khai bác bỏ tài liệu báo cáo vũ khí của Iraq dày 12.200 trang mà Baghdad đã trình lên LHQ 2 tuần trước đó. Và một tháng sau, tờ New York Times giật tít: "Tại sao chúng ta lại biết Iraq đang nói dối?". Bà Rice đã xuất hiện trong bài báo nhắc lại lời cáo buộc về "bánh vàng", nói: "Tài liệu của Iraq đã không nhắc đến hay giải thích việc Iraq cố tìm mua uranium từ nước ngoài". Song chính Mỹ cũng làm như thế khi thông qua những gì mà đáng ra các thanh sát viên vũ khí LHQ mới có quyền quyết định. Khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), một tổ chức thuộc LHQ, đặt câu hỏi với Mỹ về cơ sở chứng minh lời cáo buộc của mình hồi tháng Chạp, Washington lại im thin thít và chỉ phát ngôn rất ít trong 6 tuần sau đó.

Cuộc chiến giữa những người tin tưởng và nghi ngờ rút cuộc đều nhằm vào bức Thông điệp liên bang. Người ta đã dành nhiều tuần cho việc soạn thảo bài diễn văn; các nhân viên soạn thảo diễn văn cho Tổng thống đã soạn ra hàng tá bản thảo. Song mãi cho đến khi bản thảo cuối cùng được định hình, những từ ngữ nhắc đến việc buôn bán uranium mới được ghi vào. Khi đến thời điểm đưa ra quyết định có nên để cho Bush công khai lời viện dẫn trên hay không, CIA đã phản đối nhưng sau đó lại đồng ý. Hai quan chức chính phủ cấp cao cho Time biết, trong một cuộc hội đàm với một quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) hồi tháng Giêng, chỉ mấy ngày trước khi bài phát biểu được công bố, ông Alan Foley, chuyên viên phân tích CIA cấp cao đã phản đối việc đưa lời viện dẫn vào bài diễn văn của Bush. Quan chức NSC phụ trách việc hiệu đính đánh giá về WMD, Trợ lý đặc biệt cho Tổng thống, ông Robert Joseph, đã bác bỏ thông tin cho rằng, ông đã phê chuẩn việc sử dụng lời viện dẫn trên vì nó được lấy làm cơ sở đối với thông tin tình báo của Anh. Song một quan chức khác tiết lộ cho tờ Time biết: "Đã có tranh cãi về việc trích dẫn thông tin này vào báo cáo tình báo của chúng tôi. Song vì Chính phủ Anh đã công bố thông tin này nên chúng tôi cảm thấy thoải mái khi Anh trích dẫn những gì họ biết được". Và thế là 16 chữ được ghi vào. Tuần trước, trong khi một vài người cho rằng, bà Rice cần đứng ra phân giải cuộc khẩu chiến thì các quan chức Nhà Trắng lại cho rằng, chưa bao giờ có tiền lệ như thế.

Uy tín của Bush

Uy tín của Bush đã giảm mạnh theo kết quả thăm dò dư luận trong nước mới đây của Washington Post/ ABC, Newsweek

Nhưng nếu thông tin đó đủ tin cậy đối với Bush, thì nó cũng không đủ tin cậy đối với những người khác. Trong bài diễn thuyết của mình 8 ngày sau đó trước Hội đồng Bảo an LHQ chứng minh sự tồn tại của chương trình WMD của Iraq, Colin Powell đã không hề nhắc đến một chữ nào đến vụ uranium. Tuần trước, phát biểu trước báo chí, ông cho biết lời viện dẫn chưa được "thời gian kiểm chứng". Trong khi đó, Tenet cũng không đề cập đến lời viện dẫn trên khi ông bị điều trần trước Ủy ban vũ trang Thượng viện ngày 11/2. "Nếu chúng tôi cố đưa ra giả thuyết đó, nó đã không xuất hiện trong báo cáo của CIA" - Một quan chức tình báo nói với Time - "Nó có thể xuất hiện ở nhiều nơi khác song không nên có mặt trong bài diễn văn của ông Bush".

Tuy nhiên, cuộc tranh cãi về hàng chữ 16 chữ có thể sẽ không tạo ra một áp lực lớn như thế nếu chúng không phải là mối quan ngại lớn nhất về Iraq. Lấy cớ chống lại Saddam, Bush cho rằng Iraq có mối liên hệ với al-Qaeda và vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD) khiến cho quốc gia Vùng Vịnh này trở thành một mối đe doạ hiện hữu đối với khu vực và, cuối cùng là Mỹ. Thậm chí, ông Bush còn đưa bằng chứng vào học thuyết tấn công phủ đầu gây tranh cãi của mình, cho rằng, Mỹ không thể chờ đợi để tìm ra bằng chứng về âm mưu của kẻ thù mà phải chủ động tự vệ từ xa, nếu cần phải tấn công trước, thậm chí không cần phải có bằng chứng trong tay. Hầu hết các nước trên thế giới đã kinh hoàng với lập luận này, song Quốc hội và công chúng Mỹ lại ủng hộ. Song đến nay, 4 tháng sau khi chiến tranh bùng nổ, ít nhất một trong những bằng chứng quan trọng nhất đã bị phanh phui là giả, Mỹ chưa tìm được một mẩu WMD nào tại Iraq, và lính Mỹ vẫn tiếp tục chết tại vùng đất đã không đón chào các "chiến sĩ giải phóng quân" như dự đoán của chính quyền Bush. Giờ đây lời cáo buộc sai và số thương vong ngày càng gia tăng đang kết hợp với nhau cùng làm tổn hại tới uy tín của ông Bush, khiến cho tỷ lệ ủng hộ chính sách về Iraq của ông giảm sút nhanh chóng.

Liệu Bush có thực sự cần phải đưa ra nhiều bằng chứng như vậy để chứng minh Iraq sở hữu WMD và thuyết phục người Mỹ ủng hộ việc lật đổ Saddam hay không? Trong cuộc thăm dò dư luận do Time tiến hành 1 tháng trước khi liên quân chiếm được Iraq, 83% người Mỹ cho rằng, chiến tranh là công bằng bởi: "Saddam Hussein là một kẻ độc tài, là người đã sát hại nhiều công dân Iraq". Đó là một lời cáo buộc chưa bao giờ gây nghi ngờ. Tuy nhiên, trong một cuộc thăm dò về vấn đề tương tự sau đó, 72% người Mỹ lại cho rằng chiến tranh là công bằng bởi nó "sẽ giúp xoá bỏ tận gốc vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq".

Nguy cơ vô hình của một Saddam cùng WMD là một luận cứ đã góp một phần lớn vào sức mạnh của Bush. Là một nhà chính trị, Bush luôn lão luyện trong việc quả quyết cái cớ tiến hành chiến tranh của mình hơn là việc tạo ra cái cớ đó. Sau vụ 11/9, vẻ tin cậy cần thiết, niềm tin tuyệt đối của ông chủ Nhà Trắng và những người Mỹ cả tin đã ủng hộ hết mình cho Bush. Tuy nhiên, vụ việc "bánh vàng" bị bại lộ cũng như sự gia tăng số lính Mỹ bỏ mạng tại Iraq đã làm thay đổi mối quan hệ tốt đẹp đó: Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Bush đã giảm mạnh. Điều này có nghĩa, tời đây, nhiều người Mỹ sẽ cân nhắc nhiều hơn khi nghe lời ông Bush và ông sẽ gặp khó khăn chồng chất trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm sau.

(Lam Sơn - Theo Time)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Iran phát hiện giếng dầu khổng lồ (17/07/2003)
CHDCND Triều Tiên đặt điều kiện hội đàm đa phương (16/07/2003)
Ba người chết trong vụ cướp tàu tại Cuba (16/07/2003)
Pháp không gửi quân tới Iraq (17/07/2003)
Đảo chính tại Sao Tome, chính phủ bị phế truất (16/07/2003)
EU kiện 11 chính phủ thành viên ra toà (16/07/2003)
Marcos đã biển thủ 1 tỷ USD trong thời gian cầm quyền (16/07/2003)
''Chính phủ Italia phân biệt chủng tộc'' (16/07/2003)
Châu Âu đối mặt với đợt nóng chưa từng có (16/07/2003)
Palestine: Israel đã vi phạm ngừng bắn 28 lần (16/07/2003)
Taliban sát hại 5 cảnh sát Afghanistan (16/07/2003)
Hội đồng điều hành liên quân sẽ rút khỏi Iraq vào năm tới (16/07/2003)
Mỹ sẽ tiến đánh CHDCND Triều Tiên trong năm nay? (16/07/2003)
Bước đường cùng của SK Global (16/07/2003)
Lebanon tuyên bố bắt giữ 5 kẻ âm mưu khủng bố (16/07/2003)
Tro ve dau trang