Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đâm đơn kiện tổng cộng 11 chính phủ thành viên vì đã trì hoãn quá trình phê chuẩn những quy định về thực phẩm biến đổi gene, vấn đề đã được Mỹ đưa lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo quy định của EU, các quốc gia thành viên cần thực hiện các quy định về thẩm định và cấp phép cho các loại thực phẩm biến đối gene GMOs. Tuy nhiên, 11 quốc gia thành viên đã từ chối thực hiện. Do đó, Uỷ ban châu Âu (EC) - Cơ quan hành pháp của EU - đã kiện số nước trên lên Toà án Tư pháp châu Âu tại Luxembourg.
Cao uỷ viên EU về Môi trường Margot Wallstroem cho biết: ''Tôi đã nhiều lần mời các nước thành viên tuân thủ các quy định và tôi hết sức thất vọng, kết quả chẳng được là bao''. Danh sách 11 quốc gia bị EU kiện gồm: Pháp, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, Đức, Italia, Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Áo và Phần Lan.
Động thái trên của Cơ quan hành pháp EU được đưa ra nhằm chấm dứt tình trạng trì hoãn và tránh ''một cuộc cãi vã về thương mại'' với Washington. Các nghị sĩ EU đã thống nhất phê chuẩn các quy định nhãn mác mới đối với thực phẩm biến đổi gene nhằm tái khởi động quá trình phê chuẩn vốn đã bị đóng băng.
Ông Wallstroem cho biết: ''Luật này... đưa ra câu trả lời chắc chắn cho công chúng về những ảnh hưởng của GMOs đối với môi trường và sức khoẻ. Tuy nhiên, uy tín của chúng ta sẽ bị xem thường nếu chúng ta không thể tỏ rõ mình hoàn toàn thực hiện được nó''.
Khoảng 20 đơn xin phê chuẩn các sản phẩm ngô, vải và nhiều sản phẩm biến đối gene khác đang nằm chất đống từ hàng loạt các công ty như Monsanto Co. và Bayer CropScience, một chi nhánh của Tập đoàn dược phẩm và hoá chất Bayer AG của Đức. Các đơn đề nghị trên dự kiến sẽ được xem xét và quyết định vào mùa thu này.
Đại diện thương mại của Mỹ tại Brussels đã lên tiếng hoan nghênh hành động trên của EC. Trước đó, Washington đã gọi lệnh đình hoãn của châu Âu là hàng rào thương mại bất hợp pháp và cáo buộc EU phá vỡ các quy định thương mại toàn cầu, đồng thời đưa sự vụ này lên WTO. Nếu phán quyết của WTO chống lại EU, 15 quốc gia thành viên liên minh này sẽ phải dỡ bỏ lệnh đình hoãn hoặc phải đối mặt với lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ.
(Trần Kiên - Theo AP)
|