|
Nhiều người dân Iraq muốn những lính Mỹ mệt mỏi vì chiến tranh trở về quê hương. |
Quan chức cao cấp nhất của Anh ở Iraq John Sawers vừa cho biết, hội đồng điều hành liên quân sẽ rút khỏi Iraq ngay sau cuộc bầu cử chính phủ lâm thời tại quốc gia vùng Vịnh này dự kiến diễn ra vào đầu năm tới.
Trong khi đó, Tổng điều hành Mỹ tại Iraq Paul Bremer vừa tuyên bố lực lượng quân sự do Mỹ lãnh đạo sẽ không ở lại Iraq lâu hơn mức cần thiết, nhưng sẽ giám sát đất nước này qua việc chuyển đổi thể chế thành một chính phủ do dân cử.
Ông Bremer miêu tả việc thành lập hội đồng điều hành của người Iraq gần đây như một lợi ích thiết thực của sự giải phóng. Ông nói thêm rằng nhiệm vụ chính giờ đây là phải phác thảo ra một hiến pháp và tiến tới các cuộc bầu cử.
Quan chức cao cấp nhất của Anh tại Iraq John Sawers cho biết, các cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra vào đầu năm tới. Sau đó, hội đồng điều hành liên quân sẽ rút khỏi Iraq trong khi quân Anh sẽ tiếp tục nán lại nếu chính phủ mới yêu cầu.
Trong một động thái đầu tiên, Hội đồng Điều hành đã đồng ý thành lập một toà án xét xử các tội phạm chiến tranh dưới chế độ Saddam Hussein.
Phát biểu trước các nhà báo tại Baghdad, ông Bremer đã gắn thời hạn chiếm đóng Iraq với những tiến triển về chính trị. Ông nói: "Một khi hiến pháp mới được thông qua, những cuộc bầu cử dân chủ, tự do và công bằng sẽ được tiến hành tại Iraq nhằm bầu ra một chính phủ của người Iraq với đầy đủ chủ quyền. Tới lúc đó, nhiệm vụ của chúng tôi, nhiệm vụ của liên quân sẽ hoàn thành. Việc liên quân sẽ ở lại Iraq bao lâu nữa giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào người dân Iraq".
Những binh lính Mỹ vốn vẫn hy vọng sẽ được về nước sớm vừa được thông báo họ sẽ còn lưu lại vùng Vịnh trong một thời gian không xác định. Binh lính và gia đình của họ đã bày tỏ sự bất bình trước tin họ sẽ không được trở về nhà vào tháng 9 này như từng hy vọng.
Chính quyền ông Bush hiện đang phải chịu sức ép từ phía công chúng và Quốc hội về việc phải thay thế những binh lính đã quá mệt mỏi vì chiến tranh. Theo những người chỉ trích trong Quốc hội, chính quyền cần hành động tích cực hơn nữa để có được sự trợ giúp từ bên ngoài như Pháp, một nước từng kịch liệt phản đối chiến tranh.
"Nạn nhân chính là quan toà"
Hội đồng điều hành mới tại Iraq cho biết sẽ thiết lập một cơ quan điều hành hệ thống toà án chuyên trách có nhiệm vụ xét xử các cựu thành viên trong chế độ Saddam Hussein và những kẻ tình nghi phạm tội chống loài người. Phát ngôn viên của Hội đồng điều hành nói với các phóng viên: "Chúng tôi không nói về những tội ác bình thường. Những tội ác này bao gồm việc tàn sát hàng nghìn thường dân vô tội".
Một tiểu ban đã được thành lập với nhiệm vụ cố vấn cho toà án. Đứng đầu tiểu ban này là thẩm phán người Cuốc Dara Nor al-Din. Ông này từng bị ở tù 8 tháng vì vi phạm điều luật về tịch thu đất mà không bồi thường thuế.
Động thái trên của Hội đồng điều hành đã lặp lại một quyết định do lực lượng liên quân đưa ra hồi tháng 4. Lúc đó, Mỹ và Anh đã tuyên bố, các tội phạm chiến tranh của Iraq sẽ bị xét xử bởi một bồi thẩm đoàn người Iraq. Đoàn bồi thẩm này sẽ bao gồm những người không dính líu gì tới bộ máy cầm quyền của chế độ cũ.
Những trường hợp sẽ bị điều tra bao gồm:
Tuy nhiên, tổ chức Quan sát Nhân quyền có trụ sở tại New York cho biết người ta không thể hy vọng một toà án của người Iraq sẽ phán xét công bằng chế độ Iraq đã bị lật đổ.
Hania Mufte, giám đốc chi nhánh tổ chức tại London cho biết: "Các nạn nhân của Saddam không nên trở thành những người giám sát hệ thống toà án. Thực hiện vai trò này nên là những người không liên quan tới chế độ cũ và nạn nhân của chế độ đó".
(Huyền Trang - Theo BBC)
|