Hội đồng điều hành Iraq: con rối trong tay Mỹ?
16:41' 15/07/2003 (GMT+7)
Hội đồng điều hành Iraq.

Người Iraq và người Mỹ cuối cùng cũng tiến tới được một sự đồng thuận về cơ cấu thành viên và quyền lực của cái gọi là ''Chính phủ lâm thời Iraq thứ nhất''. Washington thừa nhận, Hội đồng điều hành sẽ có một chút quyền hành pháp, song con đường tiến lên dân chủ vẫn có cái gì đó hết sức mịt mờ.

Không lâu sau khi tới Baghdad hôm 12/5, viên ''tổng trấn'' người Mỹ Paul Bremer luôn đau đáu ý nghĩ trao quyền chính trị thực sự cho người Iraq vào thời điểm sớm nhất có thể.

Mặc kệ những lời khuyên bổ ích của người tiền nhiệm Jay Garner, ông Bremer vẫn quyết định rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là ngăn chặn tình trạng bạo loạn hơn là cố công vạch ra hàng loạt mô hình dân chủ. Như vậy, chẳng ngạc nhiên gì khi ông này đã giáng cấp ''Chính phủ lâm thời'' được thiết lập dưới thời ông Garner xuống đơn giản chỉ là Hội đồng cố vấn chính trị. Tuy nhiên, những sự kiện gần đây đã buộc một ông Bremer hết sức thực dụng phải thay đổi quan điểm 180 độ.

Ngoài sứ mệnh điều hành các vấn đề dân sự dưới sự ''giám hộ'' của Anh và Mỹ, đồng thời chịu ảnh hưởng bởi ''quyền phủ quyết'' của 2 cường quốc này, Hội đồng điều hành Iraq còn có nhiệm vụ giám sát soạn thảo hiến pháp mới, phê chuẩn hiến pháp và tổ chức bầu chọn ra một chính phủ đại diện thực sự của người Iraq. Tuy nhiên, ông Bremer cho đến nay vẫn không thể đưa ra bất kỳ ý kiến nào về thời hạn hoạt động của Hội đồng này.

Có lẽ ông Bremer nên nghĩ rằng Iraq đang cần rất nhiều thứ khác trước khi được trao quyền lực. Hãy cứ gạt dân chủ sang một bên, điện, nước sạch, an ninh, và đặc biệt là việc làm là những thứ mà thường dân Iraq hết sức mong mỏi. Cho dù vậy, ông Bremer không thể không nhận thấy rằng, điều đó không thể chia thành 2 mục tiêu tách biệt được.

Đối với những người cực lực phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq, tình hình chẳng mấy được cải thiện trong tiến trình trao quyền lực cho người Iraq chắc chắn càng ''tăng thêm độ đúng'' cho những lập luận của họ rằng, cuộc chiến do Mỹ phát động chống Iraq nồng nặc mùi dầu mỏ. Và rõ ràng, phản ứng trên kéo theo hàng loạt vụ tấn công vào binh sĩ Mỹ trong thời gian gần đây. Điều này càng tăng thêm sức ép buộc Chính quyền Bush phải chỉ ra những dấu hiệu tiến bộ về quá trình mang lại dân chủ cho Iraq. Rốt cuộc, đó cũng là thứ mà ông Bush trước đây từng hứa hẹn.

Trong thời kỳ hậu chiến, các đảng phái phản đối chế độ Saddam tỏ ra không mấy vui vẻ với cái mức quyền lực ''còm cõi'' mà họ được người ta trao cho. Rõ ràng, điều đó biến họ thành những con rối trong tay ''những kẻ chiếm đóng chẳng mấy tin tưởng''. Ngay cả nhân vật cực kỳ thân Mỹ, ông Ahmed Chalabi cũng phải phàn nàn, người Iraq không được trao đủ quyền.

Một đại diện của Hội đồng Cách mạng Hồi giáo tối cao Iraq nói trắng ra rằng, hội đồng này không vận hành như một hội đồng chính trị thuần tuý. Thủ lĩnh Hồi giáo tối cao Sistani đã phải ra sắc lệnh - fatwa - yêu cầu, người Iraq phải được giữ vai trò lớn hơn trong quá trình lựa chọn thành viên Uỷ ban soạn thảo hiến pháp.

Hội đồng điều hành Iraq chỉ ''nổi lên'' sau nhiều tuần bàn cãi căng thẳng, và người phải chịu nhượng bộ nhiều nhất chính là ông Bremer. Bởi vậy, Hội đồng này mới được trao quyền hành pháp thực sự: chỉ định và giám sát bộ trưởng; chỉ định đại diện ngoại giao; phê chuẩn ngân sách và đóng một vai trò không xác định trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, cho dù ông Bremer vẫn cao giọng khẳng định, thành phần hội đồng được quyết định sau khi tham vấn kỹ nhiều nhân vật đối lập, thì trên thực tế chính ông này đã trực tiếp bổ nhiệm một số nhân vật và đã ngầm giơ ''quyền phủ quyết'' của mình ra để ''đe nẹt'' một số khác.

Rõ ràng, mục đích của Mỹ là muốn biến Hội đồng điều hành Iraq thành một thứ nếu không mang tính dân chủ thì cũng có chút đặc tính đại diện. Bởi vậy mới có 3 phụ nữ trong tổng số 25 thành viên. Ngoài ra, hội đồng này cũng phần nào thể hiện được sự cân bằng về sắc tộc và tôn giáo: 13 người Hồi giáo dòng Shiite, 5 người Hồi giáo dòng Sunni, 5 người Kurd, 1 người Cơ đốc giáo và 1 người Thổ. Phần lớn những thành viên hội đồng đều sống ''ngoài tầm kiểm soát của Saddam'' tức là họ sống lưu vong hoặc ở các vùng tự trị của người Kurd.

(Trần Kiên - Theo Economist)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Quân nổi dậy lật đổ 4 đoàn tàu tại bắc Ấn Độ (15/07/2003)
Hơn 3000 người Uganda chạy loạn tới Nam Sudan (15/07/2003)
Bạo lực chính trị Israel-Palestine nổ ra ở Tel Aviv (15/07/2003)
Chủ tịch Kim Jong Il tiếp phái viên Trung Quốc (15/07/2003)
Bush bào chữa cho CIA về thông tin Iraq (15/07/2003)
Ngoại trưởng Nga công du Trung Đông (15/07/2003)
Các nhà lãnh đạo đưa ra lộ trình hoà bình Liberia (15/07/2003)
Ấn Độ không đưa quân tới Iraq (15/07/2003)
Iraq trên con đường tiến tới nền tự trị (15/07/2003)
Ứng viên Tổng thống Chechnya lộ diện (15/07/2003)
Trung Quốc chống chọi với cơn lũ dữ nhất trong năm (15/07/2003)
Anh từ chối cắt đứt quan hệ với Yasser Arafat (15/07/2003)
Mỹ muốn ''gài quân'' khắp thế giới (14/07/2003)
Nghi phạm khủng bố Manila đã vượt ngục (14/07/2003)
Đã tìm thấy xác các nạn nhân của vụ chìm phà tại Bangladesh (14/07/2003)
Tro ve dau trang