Một khi kết quả bầu cử đã phán quyết tất cả thì chẳng có gì để ''đầu tranh'' nữa. Tuy nhiên, ở Nga, vẫn còn nhiều cái để đấu tranh. Hai vụ nổ lớn, một vụ nổ bom thực sự và một vụ nổ chính trị, phần nào đã ''hâm nóng'' mùa bầu cử năm nay tại Nga.
Vụ nổ thực sự, lực lượng ly khai Chechnya đã đánh bom tự sát vào một buổi hoà nhạc tại Moscow hôm 5/7 khiến ít nhất 16 người thiệt mạng. Nguy cơ làn sóng tấn công có thể tràn tới tận cuộc bầu cử nước rút vào tháng 3 năm tới sẽ nhắc nhở Tổng thống Vladimir Putin về những thất bại trong việc chấm dứt cuộc xung đột tại CH Chechnya. Đã gần 4 năm kể từ khi đắc cử, ông Putin vẫn chưa thể biến lời hứa của mình thành hiện thực.
Quả bom chính trị - vụ bắt giữ một thương nhân hàng đầu, có thể là sự kiện chấn động đối với giới đầu tư, song có lẽ chẳng là gì đối với những người dân bình thường. Tuy nhiên, dù sao sự kiện này - được coi là phát súng khai mạc chiến dịch tranh cử - cũng báo hiệu một mùa bầu cử chắc rằng không mấy êm ả tới đây. Chiến dịch bầu cử có lẽ không vì mục đích tranh cử bởi cả chiến thắng của ông Putin và thế đa số của lực lượng ủng hộ Kremlin trong Viện Duma quốc gia trong tháng 12 tới đây dường như đã được đảm bảo. Đúng hơn, chiến dịch tranh cử là cuộc thi vào ''giai tầng thứ của quyền lực'': vị trí điều hành các chiến dịch tranh cử cho Kremlin. Và tất nhiên, điều này ảnh hướng lớn tới cuộc bầu cử vào Duma và chính phủ kế tiếp.
Platon Lebedev, một cổ đông chính trong tập đoàn dầu khí lớn nhất Nga Yukos, đã bị bắt hôm 2/7 vì bị buộc tội mua cổ phần bất hợp pháp của một công ty phân bón hồi năm 1994. Trong một quốc gia mà ở đó một nhân vật quyền lực bị bắt chỉ bởi đã làm bực mình một số nhân vật có quyền lực hơn thì dường như, cái thoả thuận giữa ông Putin và các nhân vật chóp bu trong giới kinh doanh Nga hồi năm 2000 đã bị phá vỡ. Thoả thuận đó nêu rõ rằng, ông Putin sẽ bỏ qua những ''gặt hái không mấy sạch sẽ'' của họ trong quá trình tư nhân hoá giai đoạn những năm 90, nếu bây giờ họ đã trong sạch và không tham gia vào chính trường. Tuy nhiên, Kremlin lại cho rằng, Khodorkovsky đã vượt quá giới hạn bằng cách công khai cấp tài chính cho 2 chính đảng - Liên minh các lực lượng hữu (URF) và Yabloko.
Nhưng, nếu như ông Khodorkovsky lại nghĩ rằng, Tổng thống Putin, người đã ''tống cổ'' hai nhân vật giàu có thích xen vào chuyện của người khác khỏi nước Nga vào đầu nhiệm kỳ của mình, đã có gì đó bực tức với ông thì đó không phải là lý do chính của vụ bắt giữ. Bởi vì, Yukos, theo như lời của ông Putin trên truyền hình, là một hãng dầu khí lớn nhất nước Nga và hoạt động rất độc lập. Người ta cho rằng, vụ bắt giữ Lebedev chính là phát súng báo hiệu một cuộc tranh giành quyền lực mà hồi kết của nó mãi sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 3 tới mới ngã ngũ.
(Trần Kiên - Theo Economist) |