|
Lực lượng an ninh biên giới Pakistan tại trạm kiểm soát Wagah đang chận chiếc xe đến từ Lahore trước khi vượt biên giới sang Ấn Độ |
Lần đầu tiên sau 18 tháng căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân tại khu vực Nam Á Ấn Độ và Pakistan, dịch vụ xe buýt nối giữa hai bên bắt đầu hoạt động trở lại dưới sự hỗ trợ của lực lượng cảnh vệ có vũ trang.
Hai chiếc xe buýt, một từ thủ đô New Delhi, Ấn Độ và một từ thành phố Lahore của Pakistan đã đi tới khu vực biên giới giữa hai nước sáng sớm ngày 11/7, chở theo những hành khách đang mong mỏi đoàn tụ với gia đình lần đầu tiên sau nhiều năm xa cách.
Chiếc xe xuất phát từ Pakistan được phủ đầy hoa và một khẩu hiệu chào mừng việc nối lại dịch vụ xe buýt "hữu nghị" giữa Lahore và New Delhi đã rời khỏi lãnh thổ Pakistan sang bên kia biên giới từ Wagah. Sẽ phải mất chừng 10 tiếng xe mới tới được thủ đô New Delhi của Ấn Độ sau khi đã hoàn tất các thủ tục hải quan.
Hai nước Ấn Độ và Pakistan đã phong toả các tuyến đường bộ, đường xe lửa, đường hàng không và tiến gần tới cuộc xung đột lần thứ tư sau khi lực lượng vũ trang hồi giáo đóng tại Pakistan tấn công vào toà nhà Quốc hộ Ấn Độ tháng 12/2001. New Delhi cũng cho rằng chính các lực lượng này đã tấn công trụ sở của Ấn Độ tại khu vực tranh chấp Kashmir.
Việc nối lại dịch vụ xe buýt qua biên giới giữa hai nước nối tiếp sau lời tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Atal Behari Vajpayee đưa ra hồi tháng 4. Theo đó, ông Vajpayee muốn thực hiện một nỗ lực tìm kiếm hoà bình cuối cùng với Pakistan trong cuộc đời mình.
An ninh đã được thắt chặt tại cả hai quốc gia hạt nhân này. Chiếc xe xuất phát từ Pakistan chở theo hai lính biệt kích được lực lượng cảnh sát có vũ trang hộ tống tới biên giới trong cơn mưa dông tầm tã.
Abdul Qayoom Wani, một nhân viên phục vụ đi trên chuyến xe buýt xuất phát từ Ấn Độ cho biết: "Tôi vô cùng hạnh phúc. Tôi sắp được gặp lại chị gái tôi sau ba năm xa cách". Wani sống tại khu vực Kashmir, vùng lãnh thổ nằm tại tâm điểm tranh chấp giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan.
Việc nối lại dịch vụ xe buýt là động thái mới nhất trong hàng loạt động thái nhằm thiết lập nền tảng cho các cuộc hội đàm hoà bình chính thức về sau. Tuy nhiên cả Ấn Độ và Pakistan đều chưa xác định được thời gian để nối lại tuyến đường xe lửa và đường hàng không giữa hai bên.
Các quốc gia Nam Á hôm qua cho biết lãnh đạo của họ sẽ tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh tại Pakistan vào tháng 1 tới nhằm tạo cơ hội cho các cuộc hội đàm cấp cao không chính thức giữa Ấn Độ và Pakistan.
Chỉ khoảng 13 trong số 40 hành khách đi trên chuyến xe buýt xuất phát từ Ấn Độ là dân thường. Số còn lại là nhà báo.
Chiếc xe xuất hành từ Pakistan chở theo 28 hành khách, 9 người trong số đó là nhà báo, 2 người là lái xe và một là sĩ quan liên lạc. Việc tạm thời ngăn các tuyến giao thông giữa hai nước đã chia cắt hàng nghìn gia đình vốn đã bị chia lìa bởi đường biên giới do người Anh dựng lên từ năm 1947.
Bộ trưởng Du lịch Pakistan Raees Muneer Ahmed đã bày tỏ sự vui mừng trước việc nối lại các dịch vụ xe buýt này trong buổi lễ tiễn tổ chức tại Lahore. Ông nói: "Đây là bước đầu tiên mở đường cho những trao dổi thương mại và du lịch về sau giữa hai nước".
Zubaida Sultan, một người Ấn Độ có chồng là người Pakistan cho biết chị đã không thể tới dự đám tang của người anh trai vì biên giới giữa hai nước bị đóng cửa. "Tôi đã chờ đợi biết bao lâu để được trở vể nhà bằng mọi giá. Tôi rất mừng khi dịch vụ này đã được nối lại", chị nói khi bước lên xe buýt tại Lahore.
Một hành khách khác đi cùng chuyến xe này là Nilofar Masood, một phụ nữ Ấn Độ theo đạo Hồi có chồng là người Pakistan. Nói về mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan, chị cho biết: "Chúng ta phải xích lại gần nhau. Tôi cảm thấy rất vui".
Nhà hoạt động vì hoà bình của Pakistan Shahtaj Qazalbash thì cho rằng những căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan xuất phát từ chính phủ hai bên. Ông nhấn mạnh: "Sự căng thẳng này đã chia cắt các gia đình và chính những người dân là nạn nhân phải chịu đựng hậu quả".
(Huyền Trang - Theo Reuters) |