|
Tổng thống Mỹ Bush. |
Trung Đông giờ đây không còn là khu vực duy nhất mà mỗi khi nhắc đến, chính sách đối ngoại của Mỹ thường sặc mùi dầu mỏ và khủng bố. Chuyến công du của Tổng thống Mỹ tới châu Phi lần này phần nào nói lên điều đó.
Vào thời điểm này, có lẽ vẫn còn quá sớm để khẳng định chuyến công du của ông Bush tới châu Phi lần này có gì đó hơn bài tập PR (quan hệ công cộng) một chút. Có thể, trong chuyến công cán 5 ngày này, ông Bush sẽ rộng rãi ban phát quà cho Senegal, Nam Phi, Botswana, Uganda và Nigeria.
Tất nhiên món quà của Mỹ không có gì khác ngoài: viện trợ tài chính, tiền chống AIDS và hiệp định thương mại nhằm nâng cao năng lực quản lý. Và với hành động hảo tâm như vậy, hình ảnh không mấy sáng sủa của chính quyền Bush trong con mắt cộng đồng quốc tế phần nào được cải thiện.
Cụ thể, ông Bush hứa hẹn triển khai quân tới Liberia để phòng tránh sự tái diễn của cảnh ''huynh đệ tương tàn''. Tuy nhiên, chắc rằng, các vấn đề nóng bỏng như đại dịch AIDS, thương mại, đầu tư, phát triển và trách nhiệm đạo đức đối với các cuộc đổ máu sẽ chiếm phần lớn trong các bài diễn văn của Bush trong suốt cuộc hành trình.
Thực ra, đó mới chỉ là bề nổi của chuyến đi. Chương trình nghị sự chính của Bush tại châu Phi vẫn bám chặt vào ý đồ bảo vệ vị thế bá chủ và tăng cường sự can thiệp của Mỹ tại khu vực châu Phi. Tất nhiên, tất cả đều bị chi phối bởi hai mối quan tâm chiến lược: Dầu mỏ và Khủng bố.
Al-Qaeda đã nhòm châu Phi
Trước tiên, hãy nhìn châu lục đen này qua con mắt của một tay khủng bố Al-Qaeda: Kinh nghiệm lâu năm cho thấy các quốc gia như Sudan và Somalia luôn là những mảnh đất an toàn nuôi dưỡng hoạt động của toàn bộ mạng lưới khủng bố, và có thể bành trướng sang cả Đông Phi.
Tuy nhiên, Mỹ đã nhanh tay tăng hoạt động tình báo tại Đông Phi và ém 1.500 lính thuỷ quân lục chiến tại Djibouti với cái tên ''Lực lượng phản ứng nhanh''. Trong khi đó, Tây Phi có vẻ như có nhiều cơ hội hơn đối với các phần tử khủng bố - như lời của Osama bin Laden đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Cụ thể, tên trùm khủng bố này ám chỉ Nigeria - 1/2 dân số theo đạo Hồi - có thể là mảnh đất màu mỡ đối với Al-Qaeda.
Có thể nói, Nigeria là quốc gia hùng mạnh nhất trong khu vực đa phần là người Hồi giáo này. Cho dù cái cách người ta sùng đạo ở đây có vẻ ''ôn hoà'' hơn ở Trung Đông, song ông Bush vẫn phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ. Tất nhiên, Al-Qaeda sẽ tận dụng thời khắc hiếm có này để khôi phục chỗ đứng tại Tây Phi.
Mảnh đất lắm dầu
|
Lộ trình chuyến thăm của Bush. |
Tuy nhiên, đối với Washington, khu vực này không chỉ đơn giản là mảnh đất mà Al-Qaeda có thể cố gắng mở rộng hoạt động mà nó còn trở thành một nhà cung cấp năng lượng quan trọng của Mỹ. Mỹ đã nhập khẩu dầu mỏ từ khu vực này - chủ yếu từ Nigeria và Angola — nhiều ngang ngửa với Ảrập Xêút.
Đáng nói, thị phần dầu mỏ châu Phi của Mỹ có thể sẽ tăng gấp đôi trong vòng 2 thập niên nữa khi mà các công ty Mỹ ồ ạt khai thác trữ lượng dầu mỏ chất lượng cao ở lòng chảo Guinea. Tính riêng năm ngoái, các công ty Mỹ đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào khu vực này. Và, mức đầu tư ngất ngưởng này có thể sẽ vẫn được duy trì trong nhiều năm nữa. Tất nhiên, Tây Phi sẽ ngày càng đóng vị trí quan trọng chiến lược trong khung chính sách an ninh quốc gia của Mỹ.
Bất ổn định chính trị, xung đột sắc tộc, vũ trang vẫn đang hoành hành tại các quốc gia Tây và Trung Phi, phần lớn đều là cựu thuộc địa của phương Tây. Giờ đây, để kiểm soát các quốc gia trên dĩ nhiên cần kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện đang được rất nhiều nhà nhập khẩu phương Tây thèm muốn và kiểm soát chặt các nguồn thường là căn nguyên của các cuộc xung đột, thậm chí cả chiến tranh. Vấn đề mà các đặc vụ gìn giữ hoà bình ở khu vực này đang phải đối mặt là, chiến tranh giờ đã trở thành một phương tiện kiếm sống của hàng nghìn thanh niên, những người mà đối với họ, nền kinh tế dân sự chẳng hứa hẹn bất kỳ một triển vọng nào.
Bởi các cuộc chiến tranh ở châu Phi thường có ''thói quen'' tràn qua biên giới và gây bất ổn toàn bộ khu vực, chiến dịch gìn giữ hoà bình luôn là điểm nóng trong các cuộc thương thảo của chính quyền ông Bush xung quanh vấn đề Liberia, Nigeria và đặc biệt là Nam Phi. Ông Bush đương nhiên sẽ tận dụng tình thế để tăng cường hợp tác tình báo chống Al-Qaeda giữa Mỹ với các nước ông thăm: Senegal, Nigeria, Uganda và Nam Phi.
An ninh mang thương hiệu Mỹ được quảng bá
Nhu cầu mở rộng sự hiện diện lực lượng an ninh tại châu Phi có lẽ là động cơ chính để Mỹ cam kết viện trợ nguồn lực cho các chiến dịch gìn giữ an ninh tại Liberia. Hiện, chính quyền Mỹ đang thảo luận kế hoạch thiết lập hàng loạt căn cứ quân sự tại Bắc và Tây Phi nhằm hỗ trợ cho lực lượng Thuỷ quân lục chiến tại Djibouti, đồng thời nâng cao năng lực phản ứng nhanh trước các cuộc khủng hoảng tại khu vực.
Anh cũng đã triển khai quân tới cựu thuộc địa Sierra Leone và duy trì sự hiện diện ở đó cho đến khi bị cuộc nổi loạn tại đây hất cẳng. Pháp cũng đã làm vậy đối với Bờ Biển Ngà và giờ đây Mỹ lẽ nào lại làm ngơ với Liberia, một quốc gia có cái gì đó thuộc về sự sáng lập của người Mỹ.
Tuy nhiên, chiến dịch gìn giữ hoà bình tại châu Phi không phải là chuyện dễ. Một mặt, kinh nghiệm của Anh ở Sierra Leone cho thấy, một đơn vị tương đối nhỏ được tổ chức tốt và tinh nhuệ cũng có thể đánh bại nhanh chóng một lực lượng lớn các tay súng phiến quân đang rất rệu rã, song khó ở chỗ, các định chế chính trị tại Liberia rất yếu.
Mặt khác, nằm trong khu vực bạo lực, xung đột thường xuyên xảy ra, cầm súng là cách kiếm sống duy nhất đối với rất nhiều thanh niên ở đây. Như vậy, trong khi đang cố gây chú ý đến các chiến dịch chống Al-Qaeda, các tù trưởng địa phương và những kẻ mỵ dân như Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, ông Bush lại bị giật mình bởi yêu cầu của các nhà lãnh đạo châu Phi đòi giúp Congo, nơi đang là điểm nóng nhất của châu Phi.
Tóm lại, Mỹ đang rất muốn ngăn chặn Al-Qeada bám rễ ở khu vực này và bảo vệ cái có thể sẽ trở thành lợi ích năng lượng ngày càng quan trọng đối với Mỹ tại Tây Phi. Chuyến công cán Phi châu lần này của ông Bush có thể sẽ đẩy mối quan hệ Mỹ và khu vực này sang một kỷ nguyên mới mà ở đó 2 mối quan tâm song sinh của Mỹ là dầu mỏ và chống khủng bố ngày càng buộc Washington phải ra tay tự giải quyết một số vấn đề lớn của châu Phi.
(Trần Kiên - Theo Time) |