Trái với dự đoán, nguyên thủ hai nước Mỹ - Nam Phi đã gạt bất đồng về cuộc chiến Iraq sang một bên, công khai thể hiện quan điểm nhất trí về vấn đề Zimbabwe và Liberia trong cuộc hội đàm song phương kéo dài nhiều giờ hôm qua trong đó, đề tài AIDS và thương mại cũng được bàn kỹ.
|
Bush và Tổng thông Nam Phi Mbeki bắt tay sau cuộc họp báo tổ chức tại Nhà khách chính phủ tại Pretoria hôm qua (9/7). |
Trong cuộc hội đàm, ông Bush đã gọi Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki là "nhân vật chủ chốt" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị ở Zimbabwe. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ một lần nữa lại đưa ra lời cam kết sẽ giúp Liberia chấm dứt nội chiến, khôi phục hoà bình lâu dài.
Dưới sức ép ngày càng gia tăng từ các nước châu Phi đòi Mỹ gửi quân sang Liberia để duy trì lệnh ngừng bắn mong manh trong cuộc nội chiến 14 năm ở nước này, ông Bush khẳng định, ông sẽ tiếp tục xem xét khả năng này, song sẽ sớm xác định vai trò cụ thể cho lực lượng gìn giữ hoà bình tại đây.
Trong cuộc họp báo tại Nhà khách chính phủ ở Pretoria hôm qua, ông Bush cho biết: "Tổng thống Mbeki đã hỏi tôi liệu chúng tôi có toàn tâm toàn ý đối với Liberia hay không và tôi đáp: "Có, chúng tôi rất quan tâm".
Hôm thứ ba, Tổng thống Mỹ đã gửi thêm chuyên gia quân sự tới Liberia nhằm giúp quyết định vai trò mà lực lượng gìn giữ hà bình của Mỹ sẽ đóng tại đây. Trong lần can thiệp vào châu Phi gần đây nhất, lính Mỹ đã phải hứng chịu một đòn tấn công đẫm máu khi rút ra khỏi Somalia 10 năm trước.
Với hàng chục nghìn quân đang đóng tại Iraq và Afghanistan, ông Bush cho biết, Mỹ sẽ không dàn mỏng quân nếu quyết định gửi quân sang Liberia.
Dưới áp lực của Washington, Tổng thống Robert Mugabe tại Zimbabwe có thể sẽ sớm kết thúc 23 năm cầm quyền của mình, song Tổng thống Bush cho biết, ông sẽ không bình luận về chính sách "ngoại giao hoà nhã" của ông Mbeki về vấn đề Zimbabwe. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ sau đó cho biết, Washington tin rằng "mọi người" trong đó có cả ông Mbeki, phải hành động nhiều hơn nữa đối với vấn đề Zimbabwe.
Năm ngoái, Zimbabwe đã đẩy nhanh tiến độ của chương trình nghị sự của Washington khi ông Mugabe đắc cử trong cuộc bầu cử lại dưới hình thức một cuộc trưng cầu dân ý, sự kiện bị phe đối lập và các nước Tây Phi gọi là sự lừa dối.
Zimbabwe hiện đang trong cơn khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng với căn bệnh thiếu thốn lương thực kinh niên và tỷ lệ thất nghiệp lên 70%. Giới chỉ trích cũng cáo buộc ông Mugabe, song ông này lại khẳng định tình trạng này là do sự phá hoại phe chống đối, những kẻ tức giận chính sách cải cách ruộng đất của ông (tịch thu ruộng đất của địa chủ da trắng chia cho nông dân da đen tay trắng).
Ông Bush khen ngợi Mbeki
Người đứng đầu nước Mỹ ca ngợi Tổng thống Nam Phi: "Tôi nghĩ rằng, ông Mbeki có thể làm một người trung gian đáng tin cậy". Trong khi đó, Mbeki cho biết, ông và Tổng thống Mỹ đã "hoàn toàn nhất trí" về cách giải quyết vấn đề Zimbabwe. Song ông Bush lại cho hay, Washington sẽ lên tiếng khi "nhìn thấy ai đó bị tước đi tự do và phải chịu đau khổ".
Trong một tuyên bố trước đó, lãnh đạo phe đối lập chính của Zimbabwe Morgan Tsvangirai đã công khai hoan nghênh "sự đồng tâm" giữa ông Bush và Mbeki, song lại khẳng định, một hành động khẩn cấp mới xoa dịu được cuộc khủng hoảng hiện nay ở Zinbabwe.
Hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã lên tiếng cảnh báo các nước châu Phi về tình trạng bất ổn chính trị ở Zimbabwe, cho rằng tình trạng này đã đe doạ tới sự ổn định của toàn khu vực nếu các nước này không gây áp lực đòi ông Mugabe tiến hành cải cách, trong khi ông Mbeki lại miễn cưỡng dựa vào những người láng giềng phương bắc của mình.
"Kẻ hiếu chiến"
Trong suốt chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, khoảng 100 người ủng hộ phe đối lập ở Zimbabwe, mang theo khẩu hiệu, tập trung ngoài đại sứ quán Mỹ trong khi hàng trăm nhà hoạt động xã hội Nam Phi đổ ra đường - một số ca ngợi Bush là một "sứ giả của hy vọng", số khác gọi ông là một "kẻ hiếu chiến nguy hiểm".
Trong khi nhiều người Nam Phi đánh giá cao cam kết viện trợ của Mỹ, Tổ chức Liên minh Phản chiến đã tổ chức một cuộc biểu tình với 1.000 người tham gia để phản đối cuộc chiến Iraq, yêu cầu thành lập một "toà án con người xét xử những kẻ hiếu chiến".
Trên đường đến Nhà khách chính phủ tại Pretiora, ông Bush đã phải đi trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát để tránh xa đoàn người biểu tình. Cuối ngày hôm qua, nhà lãnh đạo Mỹ đã tham dự buổi dạ tiệc cùng các đại diện doanh nhân Mỹ và giới chức sắc của Nam Phi.
Dự kiến, ông chủ Nhà Trắng sẽ tới Botswana, Uganda và Nigeria vào cuối ngày hôm nay. Với chương trình viện trợ trị giá 15 tỷ USD cho cuộc chiến chống AIDS và sáng kiến 100 triệu USD cho cuộc chiến chống khủng bố đã được cam kết trước đó, Tổng thống Bush hy vọng sẽ thúc đẩy "sự phát triển của nền dân chủ và kinh tế" ở Lục địa Đen. Ông đã thảo luận về các nỗ lực chống AIDS với các công dân khi tới thăm nhà máy Ford Motor sau đó. Với số người nhiễm HIV ước tính lên tới khoảng 4,8 triệu, Nam Phi hiện là nước chịu ảnh hượng nặng nề nhất từ đại dịch này.
Về phần mình, ông Mbeki, người từng bị chỉ trích vì ít hiểu biết về HIV/AIDS cũng như việc phản đối phân phối rộng rãi thuốc kéo dài tuổi thọ bệnh nhân AIDS tại các bệnh viện công, đã cho biết, Nam Phi đang tiến hành một đề xuất nhằm giúp nước này tiếp cận với các quỹ chống AIDS trên thế giới.
(Lam Sơn - Theo Reuters, BBC) |