|
Vũ khí hoá học có sức huỷ diệt lớn. |
Rogelio Pfirter, Tổng giám đốc Tổ chức Cấm vũ khí hoá học (OPCW) vừa công bố thông tin trên. Quan chức này cho biết, ''vũ khí hoá học rất dễ sản xuất và tích trữ, nó đe doạ tất cả mọi người, đặc biệt nếu được sử dụng tại các khu vực chiến sự''. Với quyết định gia nhập của 36 quốc gia châu Phi, tổ chức này đã có 153 thành viên trên toàn thế giới.
Thông báo trên được ông Pfirter đưa ra trước toàn thể đại biểu tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 2 như một kết quả sau nhiều nỗ lực kêu gọi các nước tham gia vào thoả thuận cấm vũ khí hoá học.
Tại hội nghị thượng đỉnh của AU lần 1 tổ chức vào năm 2002 tại Durban, Nam Phi, các nhà lãnh đạo lục địa đen đã cùng lên tiếng kêu gọi thực thi đầy đủ công ước cấm vũ khí hoá học. Điều này đồng nghĩa với việc các bên liên quan sẽ thực hiện lệnh cấm không phát triển, sản xuất, tàng trữ, chuyển và sử dụng vũ khí hoá học cũng như các loại vũ khí huỷ diệt khác.
36 quốc gia vừa tham gia OPCW trên đã được hưởng một số ưu đãi từ dự án hỗ trợ kỹ thuật của OPCW được chuyển cho châu lục này từ năm 2002.
OPCW cho biết đã lên kế hoạch tổ chức hàng loạt cuộc gặp và hội thảo với các quốc gia thành viên châu Phi để giải thích về việc thực thi công ước và những ưu đãi đối với thành viên của tổ chức. Một trong các hội thảo sắp được tổ chức sẽ diễn ra vào 27/8 tại Khartoum, Thủ đô Sudan.
Theo tài liệu của OPCW, tổ chức này sẽ chủ trì một chương trình hợp tác quốc tế nhằm tạo điều kiện cho các nước thành viên trao đổi thông tin khoa học và kỹ thuật nhằm thúc đẩy việc kiểm soát hoá học và tăng cường khả năng kiểm soát hoá học vì mục đích hoà bình.
(Hoài Linh - Theo Tân Hoa xã) |