|
Tổng thống Mỹ Bush |
Chính phủ Mỹ tuyên bố đã cắt dứt viện trợ quân sự cho tổng cộng 35 quốc gia, trong đó có Colombia và 6 nước khác đang xin gia nhập NATO, bởi vì số quốc gia trên đã công khai ủng hộ Toà án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh (ICC) và không miễn trừ cho người Mỹ khỏi bị truy tố.
Khoảng một chục nước khác cũng bị cấm nhận viện trợ quân sự của Mỹ, song trong năm nay các nước này cũng đã chẳng nhận được chút viện trợ nào.
Quyết định cắt viện trợ nói trên được coi như đòn tấn công mới nhất của chính quyền Bush nhằm vào toà án quốc tế ICC, đuợc thành lập năm ngoái nhằm xét xử tội phạm chiến tranh và các hành động diệt chủng.
Chính phủ Mỹ đã ký hiệp ước thành lập ICC năm 1998. Tuy nhiên, chính quyền Bush lo sợ, toà án ICC tại The Hague, Hà Lan - được phần lớn các quốc gia châu Âu ủng hộ - có thể sẽ đưa các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự của Mỹ ra xét xử vì những động cơ chính trị.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Richard Boucher tuyên bố, quyết định cắt viện trợ ảnh hưởng trực tiếp tới khoản ngân sách trị giá 47 triệu USD trong kế hoạch cấp tài chính quân sự nước ngoài của Mỹ và 613.000 USD viện trợ quân sự quốc tế và đào tạo giáo dục trong năm tài khoá này, dự kiến kết thúc vào 30/9 tới.
Theo đạo luật bảo vệ quân nhân Mỹ được ban hành năm ngoái - một cơ sở xem xét việc cắt viện trợ quân sự - Tổng thống Mỹ có thể dỡ bỏ quyết định cắt viện trợ đối với các chính phủ ký thoả thuận miễn truy tố hoặc khi Tổng thống quyết định viện trợ quân sự cho quốc gia đó nằm trong mối quan tâm quốc gia của Mỹ.
Hôm qua (1/7), Tổng thống Mỹ Bush đã huỷ quyết định cắt viện trợ quân sự đối với 22 quốc gia. Tuy nhiên, trong số 22 quốc gia trên không có Colombia, một trong những quốc gia nhận viện trợ lớn nhất của Mỹ, và 4 quốc gia Đông Âu Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Slovakia và Slovenia.
(Trần Kiên - Theo Reuters)
|