Đó là lời bình của một bài xã luận ra ngày 24/6 trên website tờ Guardian, trong đó lên án chính sách ám sát Saddam Hussein của Mỹ cũng như lên tiếng đòi công bằng cho người dân Iraq và cho chính cựu Tổng thống Iraq. Chúng tôi xin gửi tới các bạn bản lược dịch bài xã luận nói trên.
|
Một trong số những chiếc xe bị nghi đang chở Saddam trúng tên lửa Mỹ tại biên giới Iraq-Syria hồi cuối tuần qua |
Với "cuộc tấn công chớp nhoáng" hồi tuần trước nhằm vào đoàn xe gần biên giới Syria, nếu phi công Mỹ không bắn nhầm thì đây là lần thứ 3 Saddam Hussein bị ám sát. Song khác với 2 lần trước, xét về tư cách mới của Mỹ tại Iraq cũng như loại vũ khí sử dụng, cuộc tấn công lần này rõ ràng là một hành động sai lầm và bất công, ngay cả đối với Saddam.
Lầu Năm Góc sẽ không cho biết, cuộc tấn công này dựa trên thông tin tình báo hay chỉ dựa vào linh cảm. Họ cũng không xác nhận liệu binh lính biên phòng Syria có chết hay bị thương trong vụ tấn công trên như báo chí đưa tin hay không. Cũng không rõ đoàn người bị trúng đạn có phải là những kẻ buôn lậu như tin đồn hay không. Chỉ biết có một điều chắc chắn: Mỹ đã tự trao cho mình cái quyền sử dụng loại vũ khí có sức sát thương cao như tên lửa chống tăng Hellfire ngay sau khi nhận được thông tin về một đoàn xe khả nghi đang tiến về hướng Syria. Thông điệp ở đây là: "Các thành viên Đảng Baath, những kẻ buôn lậu và cả những du khách bình thường hãy coi chừng!"
Nhưng xét với mọi góc độ, hành động tấn công Saddam một cách bừa bãi, thiếu chính xác như thế là một sự bất công. Không chỉ bởi người dân Iraq vô tội có thể mất mạng trong những cuộc tấn công như vậy mà còn đối với chính Saddam bởi mục tiêu mà ông Bush đặt ra cho cuộc chiến vừa qua là "dạy cho chính quyền Saddam bài học về công bằng" cũng như "mang lại công lý" cho đất nước Iraq (song chính những thường dân Iraq trong mấy tuần gần đây đã phải đứng lên để đòi quyền được sống trong công lý). Tất nhiên có thể có nhiều lý do để giải thích cho việc Mỹ nhận thấy việc hạ bệ cựu Tổng thống Iraq một cách "danh chính ngôn thuận" là bất lợi, song ám sát Saddam bằng một loại vũ khí chống tăng là một hành động mang tính trả thù, không công bằng.
Nếu coi cuộc chiến vừa qua là hợp pháp như tuyên bố của Washington, thì các đợt tấn công Saddam vào ngày 19/3 và 7/4 (khi chiến tranh chưa kết thúc) có thể chấp nhận được vì đó là một phần của cuộc chiến. Tuy nhiên, điều này không còn hợp lý nữa vì theo quy định trong các Công ước Hague và Geneva, quân Mỹ giờ đây đã là "lực lượng chiếm đóng"; do đó, các cuộc tấn công như thế là không thể chấp nhận.
Sự kháng cự về mặt quân sự đối với Mỹ đang tiếp diễn, song không thể vì thế mà Lầu Năm Góc lại giết người một cách vô tội vạ được. Mục tiêu của Washington là quét sạch tàn quân của Saddam khi công luận bắt đầu nổi cơn thịnh nộ trước những những trường hợp thương vong đau lòng do trúng đạn Mỹ. Tuy nhiên, cho dù đó là Saddam hay những kẻ buôn lậu đi nữa, Mỹ cũng không có quyền tấn công họ từ trên cao như thế được.
(Lam Sơn - Lược dịch)
|