Một tổ chức chống đối có ảnh hưởng tại Iran hôm thứ hai (15/6) đã đưa ra một tuyên bố chưa từng có, đòi quyền được chỉ trích các nhà cầm quyền nước này. Tehran cực lực lên án Mỹ trong khi Washington công khai bày tỏ ủng hộ đối với làn sóng biểu tình chống chính phủ với sự tham gia của hàng nghìn người hiện nay.
|
Hàng nghìn người biểu tình tụ tập trong khuôn viên trường đại học Tehran. |
Sau 5 đêm liền biểu tình phản đối trong bạo lực quanh trường đại học Tehran, 248 thành viên phong trào cải cách cho biết, nhân dân Iran có "quyền được giám sát đầy đủ hành động của những người lãnh đạo". "Giữ vị trí hay để cho các cá nhân giữ vị trí quyền lực thần thánh tuyệt đối là một sự dị giáo đối với Thượng Đế và là một sự xúc phạm nghiêm trọng tới phẩm giá con nguời" - một người tuyên bố.
Cuộc biểu tình hôm qua tại Thủ đô Tehran chứng kiến ít bạo lực hơn các đêm trước. Có lẽ lý do là vì sự tham gia đông đảo của lực lượng cảnh sát. Người ta trông thấy nhiều người biểu tình quanh trường đại học Tehran, nhưng cảnh sát chống bạo động đã mạnh tay hơn trong việc kiểm soát. Những người biểu tình phản đối giới lãnh đạo tăng lữ bảo thủ và Tổng thống Mohammed Khatami, người được bầu lên năm 1997 và được xem là nhân vật ôn hòa thúc đẩy cải cách tại Iran. Những người này cho rằng, ông Khatami đã không làm được những điều từng cam kết.
Tiến sĩ Ali Nourizadeh, từng là chủ bút một tờ báo có tiếng tại Tehran, hiện làm việc tại trung tâm nghiên cứu Ảrập - Iran ở London, cho rằng các cuộc biểu tình có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Ông này nói: "Trong bốn đêm liền tôi không ngủ chỉ để theo dõi các sự kiện. Và tôi thấy sửng sốt là không chỉ tại Tehran mà cả nhiều thành phố khác, người dân đang đòi phá bỏ chính quyền Hồi giáo. Họ không chỉ nói về cải cách, mà họ đang nói về một cuộc cách mạng mới".
Một lần nữa, thành viên các nhóm vũ trang trung thành với giới lãnh đạo tăng lữ lại xuống đường. Những lần trước, chính các nhóm này bị coi là nguyên nhân dẫn đến các đợt tấn công đẫm máu nhằm vào người biểu tình. Hôm qua, Lực lượng dân phòng hồi giáo, đã được huy động để đối phó với đoàn người biểu tình. Người ta nghe thấy tiếng súng ở đâu đó gần khu vực diễn ra biểu tình nhưng không có ai bị thương.
Mỹ nói gì?
Phản ứng với sự kiện này, Washington đã gọi đây một "khởi đầu cho cho cải cách dân chủ". "Tôi cho rằng tự do là một động cơ mạnh mẽ, và tôi tin rằng một ngày nào đó, tự do sẽ hiện diện ở khắp mọi nơi, vì tự do là một động cơ đầy quyền lực; điều này là sự khởi đầu để nhân dân thể hiện mình, hướng tới một quốc gia Iran tự do. Và tôi cho rằng, điều này mang tính tích cực" - Tổng thống Mỹ Bush nói. Ông Bush cũng yêu cầu chính quyền Tehran phải thả ngay lập tức những người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình, cho rằng, tiếng nói của người dân Iran phải được lắng nghe, và rằng, Iran không được đàn áp cái gọi là "quyền được biểu tình hợp pháp của những người ủng hộ dân chủ".
Tuy nhiên, tuyên bố này ngay lập tức bị Bộ Ngoại giao Iran bác bỏ, và coi đó là "một sự can thiệp thô bạo vào chuyện nội bộ của Iran". Đại diện cả phe bảo thủ lẫn cải cách ở Iran đều lên tiếng phản đối quan điểm "dân chủ" và "tự do" mà Mỹ đang tuyên truyền. Mỹ đóng vai trò gì? Washington lâu nay luôn cáo buộc Tehran ủng hộ các nhóm vũ trang Hồi giáo như Hamas hay Hezbollah, đồng thời phát triển vũ khí nguyên tử.
Vai trò của Washington?
Như vậy, Washington đóng vai trò quan trọng tới đâu trong làn sóng chống đối hiện nay? Giáo sư Mansour Farhang thuộc Khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Bennington ở Vermont, Mỹ, nói: "Tuyên bố của Mỹ chống Iran là nhằm vào giới lãnh đạo và cũng khuyến khích các nhân vật chống đối tại Iran. Điều này không có nghĩa là Washington đạo diễn các vụ biểu tình ở Tehran". Theo ông này, các cuộc biểu tình này có nguyên do riêng của chúng, những người tham gia có động cơ riêng của họ. Nhưng rõ ràng tiếng nói ủng hộ và thông cảm từ Washington, cũng như các nguồn khác bên ngoài Iran, đóng vai trò quan trọng trong việc "đổ thêm dầu vào lửa". Ông Farhang tin rằng làn sóng phản kháng sẽ tiếp diễn ở Iran.
(Lam Sơn - Theo BBC, Reuters) |