|
Cơ sở hạt nhân Iran nhìn từ vệ tinh |
Trong nhiều ngày qua, giới lãnh đạo Tehran liên tiếp đối mặt với sự tấn công từ nhiều phía, các cuộc biểu tình đòi dân chủ của giới sinh viên và trí thức trong nước được Mỹ hậu thuẫn, sức ép của cơ quan năng lượng nguyên tử LHQ và EU về chương trình hạt nhân.
Sáng nay (17/6) hơn 250 giáo viên các trường đại học và nhiều học giả Iran đã cùng tham gia cuộc biểu tình của sinh viên trong nước đòi cải tổ dân chủ, yêu cầu lãnh tụ Hồi giáo tối cao Ali Khamenei phải trả lời công chúng và ngừng ý tưởng mình là Chúa trời. Tính đến hôm nay, cuộc biểu tình của giới trí thức Iran đã bước sang ngày thứ 7.
Đề cập tới cuộc biểu tình tại Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Richard Boucher nói, chính quyền Tổng thống Bush ủng hộ những người biểu tình và đó là cách mà họ muốn gia nhập thế giới hiện đại. ''Đã đến lúc tiếng nói của người dân Iran cần phải được lắng nghe''. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Washington này nói, sự ủng hộ của Mỹ chỉ có giới hạn và không có gì hơn. Ngoài ra, Washington cũng bày tỏ lo ngại rằng vũ lực sẽ được sử dụng để chống lại người biểu tình. Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Bush cũng có nhận xét rằng biểu tình phản đối tại Iran là nguyện vọng của người dân về sự tự do.
Tuyên bố của lãnh đạo Nhà Trắng ngay sau đó đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía Tehran, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Hamid Reza Asefi nói, ''lời nói đó là một phát biểu thiếu hiểu biết hoặc mang tính thù địch đối với Iran. Những nhận xét như vậy là sự can thiệp rõ ràng vào công việc nội bộ của Iran''. Ông Asefi cho biết, chính phủ đã gửi một thư phản đối chính thức tới Swiss - người đại diện lợi ích Mỹ tại Tehran.
Cùng thời điểm, IAEA, EU và Nga đều thúc giục Tehran chấp nhận các thanh sát viên tới nước này ''ngay lập tức và vô điều kiện'' để kiểm tra thực hư các chương trình hạt nhân có chính xác là sử dụng vì mục đích dân sự hay không. Bên cạnh đó, cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng yêu cầu Iran chấp nhận thêm các chuyến thanh sát vũ khí theo nghị định thư bổ sung của Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT). Tuy nhiên, Iran cho biết chỉ chấp nhận việc này nếu lệnh cấm tiếp cận công nghệ hạt nhân của họ được bãi bỏ.
(Hoài Linh - Theo AFP, AP, BBC, Reuters)
|