|
Quốc hội Nhật thông qua 3 đạo luật |
Thượng viện Nhật Bản hôm qua (6/6) đã chính thức bật đèn xanh với 3 dự luật về quốc phòng và tạo điều kiện cho Thủ tướng cùng lực lượng phòng vệ nước này có thể tự do hơn trong việc đối phó với các cuộc tấn công quân sự. Đây là lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ 2 kết thúc, Nhật Bản chính thức đưa ra một cơ sở pháp lý cho hành động tự vệ của mình.
Cũng tương tự như những gì đã diễn ra tại Hạ viện hồi tháng 5 vừa qua, 3 dự luật này đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của các thành viên trong thượng viện bao gồm cả đảng đối lập Minshuto (Đảng Dân chủ tại Nhật) và đảng Tự do.
3 dự luật vừa được thông qua gồm: Đạo luật Đối phó với tấn công quân sự, Đạo luật Sửa đổi các quy định của lực lượng tự vệ và Đạo luật sửa đổi quy định quản lý Cục phòng vệ Nhật Bản. Theo các văn bản vừa được thông qua, trong trường hợp Nhật bị tấn công hoặc bị đe doạ, nội các nước này sẽ vạch ra các kế hoạch thích hợp và đệ trình ngay lập tức lên quốc hội. Cùng lúc đó, một bộ phận chỉ huy thuộc nội các quốc gia sẽ được thành lập với người điều hành là Thủ tướng. Ngay khi các kế hoạch tự vệ được Quốc hội phê chuẩn, Thủ tướng sẽ được trao quyền điều hành và ban bố chỉ thị cho chính quyền địa phương để đối phó với các mối đe doạ. Đó là với bộ máy công quyền, còn với người dân, các đạo luật trên quy định, công dân phải có nghĩa vụ hợp tác cần thiết trong trường hợp các biện pháp khẩn cấp được thi hành.
Đạo luật mới sẽ cho phép lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) có thể tiến hành các chiến dịch đánh phủ đầu kẻ thù khi có dấu hiệu sắp bị tấn công. Quyết định này được coi là một sự xâm phạm nghiêm trọng đối với Hiến pháp theo đường lối hoà bình của Nhật. Hiến pháp quốc gia châu Á này ghi rõ: ''Người Nhật không bao giờ thừa nhận chiến tranh là cách bảo vệ chủ quyền đất nước tốt nhất cũng như việc sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột quốc tế''.
Theo văn bản vừa được Quốc hội Nhật thông qua, SDF có quyền sử dụng đất tư mà không cần sự cho phép của người sở hữu, tự động di dời các toà nhà khi cần thiết nhằm phục vụ cho mục đích bảo vệ đất nước. Ngoài ra, lực lượng này còn được phép không phải tuân theo các luật lệ và quy định cản trở hoạt động quốc phòng như các nguyên tắc về giao thông.
Học thuyết về cơ sở pháp lý liên quan tới các trường hợp quân sự khẩn cấp đã được đưa ra từ năm 1977 dưới thời Thủ tướng Takeo Fukuda song chưa bao giờ được cụ thể hoá. Tuy nhiên, sau khi nó được nội các Nhật thông qua vào ngày 16/4 vừa qua, Thủ tướng Junichiro Koizumi đã ra tuyên bố cần xem xét lại các biện pháp bảo vệ đất nước trong các trường hợp khẩn cấp.
(Hoài Linh - Theo Tân Hoa xã, Asahi Shimbun) |