Sau khi cảnh báo "cho phải đạo" rằng Israel cần cẩn thận và kiềm chế để không đẩy tình hình Trung Đông chìm sâu vào khủng hoảng, Tổng thống Mỹ Bush hôm qua (6/10) công khai bênh vực Tel Aviv trong vụ oanh tạc vào một địa điểm thuộc lãnh thổ Syria. Ông tuyên bố: "Israel có quyền tự vệ". Washington cũng đã tỏ thái độ không mặn mà lắm với đề nghị của Damascus về một nghị quyết của LHQ lên án chính quyền Do thái.
|
Tổng thống Mỹ Bush: "Israel có quyền tự vệ" |
Trong phản ứng đầu tiên trước bàn dân thiên hạ một ngày sau khi cuộc khủng hoảng Trung Đông được khoác lên một bộ mặt mới, Tổng thống Bush lên án vụ đánh bom tự sát của các chiến binh Hồi giáo Palestine khiến 19 người thiệt mạng. Ông khẳng định Chính quyền Palestine phải dứt khoát hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố và phải huy động "tất cả các phương tiện có thể" để cải thiện tình hình.
Bush nhắc lại nội dung cuộc điện đàm giữa ông với Thủ tướng Israel Ariel Sharon, trong đó người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng "Israel có quyền tự bảo vệ mình" và "không nên sợ bất kì sức ép nào" khi thực hiện quyền này.
"Tôi cũng đã nhắc nhở Israel cần phải cẩn thận hơn để tránh dẫn đến căng thẳng," Bush phát biểu tại cuộc họp báo tổ chức ở Washington.
Ông Bush không đề cập đến việc liệu Mỹ có dùng quyền phủ quyết của mình để bác lại nghị quyết của LHQ lên án Israel. Song trước đó, đại sứ Mỹ tại LHQ John Negroponte đã đánh tiếng rằng một nghị quyết như vậy là không cần thiết. Thay vào đó, Syria cần phải có biện pháp đập tan các tổ chức khủng bố đang hoạt động ở lãnh thổ nước này.
Mỹ xưa nay thường dùng quyền phủ quyết để bác các nghị quyết của LHQ lên án Israel với lý do nếu Israel bị chỉ trích thì các nước khác liên quan đến xung đột Trung Đông cũng phải chịu chung số phận.
Theo các nhà quan sát, phát biểu "vô thưởng vô phạt" của người đứng đầu Nhà Trắng chỉ đơn thuần là một động thái ngoại giao nhằm trấn an các đồng minh Ả-rập vốn đang sục sôi vì hành động của quân đội Do thái đối với Syria.
Syria và Israel là kẻ thù truyền kiếp của nhau. Hai quốc gia láng giềng này đã từng ba lần giao tranh với nhau trong các cuộc chiến năm 1948, 1967 và 1973. Ngoài ra, thỉnh thoảng Tel Aviv lại dằn mặt Damascus bằng các cuộc oanh tạc trực tiếp vào lãnh thổ nước này. Nguyên nhân chính trong xung đột giữa 2 nước là sự thôn tính bất hợp pháp của chính quyền Do thái đối với Cao nguyên Golan.
(Tiến Dũng - Theo Reuters, BBC) |