(VietNamNet - USA) - "Người ta quan tâm đến cái gara xe nhiều hơn bất cứ phòng nào trong căn nhà của bạn" - tờ Chicago Sun - times viết như vậy về cái nhà để xe hơi trong số thứ sáu, ngày 19/9 vừa qua. Còn tạp chí Reader's Digest số tháng Bảy, 2003, trong bài báo "Rise of the Garage Mahal", những cung điện gara, đã dùng hình ảnh cung điện Taj Mahal lộng lẫy của Ấn Độ để ví von về kích thước và sự sang trọng của chúng. Có vẻ như cái gara không còn đơn thuần là nơi để xe, mà đã trở thành biểu tượng cho sự giàu có, tiện nghi, hoặc thước đo trình độ thẩm mỹ của chủ nhà.
Chiếc xe hơi có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống người dân Hoa Kỳ, đến mức người ta gọi Hoa Kỳ là "đất nước của xe hơi". Điều đó không chỉ thể hiện ở số lượng xe, mà còn ở thói quen sinh hoạt của người dân. Ở châu Âu, người ta đi bộ rất nhiều, và nếu đi xa hơn một chút thì thường sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ở Hoa Kỳ thì hầu như ai cũng dùng xe hơi. Người ta thường dùng xe hơi đi làm, đi chợ, đi uống cà phê... và ngay cả sinh viên cũng rất nhiều người có xe hơi. Tất cả các xa lộ, trạm xăng, trạm nghỉ, motel, siêu thị, cầu vượt... và có thể nói cả cấu trúc của các thành phố cũng đều được thiết kế cho xe hơi hoạt động. Rất nhiều đồ dùng khác nhau cũng được thiết kế sao cho thuận tiện đối với người lái xe. Bạn hãy thử rẽ vào quán cà phê chẳng hạn. Những chiếc cốc giấy trong đó đều có nắp và có kích thước vừa vặn với một hốc dành riêng trong xe hơi sao cho cà phê không bị sánh ra lúc đi đường. Thế thì chiếc gara được quan tâm cũng là dễ hiểu.
Sự ra đời của chiếc gara gắn liền với tên tuổi của nhà kinh doanh thiên tài Henry Ford khi ông sáng tạo ra Model T. , một loại xe gia đình rẻ tiền, dễ lái, dễ sửa, và nói: "Cần có chỗ để cất nó".
Sự bành trướng của chiếc gara cũng gắn liền với tên tuổi của Henry Ford. Với một quan điểm kinh doanh mang tính cách mạng thời bấy giờ, Henry Ford cho rằng chiến lược kinh doanh đúng đắn không phải là dựa trên đồng lương thấp và giá bán cao mà phải dựa trên việc tăng sức mua thông qua việc tăng tương và giảm giá bán. Năm 1914, ông quyết định tăng lương cho công nhân của hãng đến mức tất cả các nhà kinh doanh thời đó đều coi ông là điên rồ. Cũng trong thời gian đó, ông liên tục cải tiến quy trình sản xuất và giảm giá bán của chiếc xe Model T. xuống đến mức ngay cả các công nhân có thu nhập thấp cũng có thể mua xe. Chiếc xe hơi, từ chỗ là biểu tượng cho sự xa hoa, trở thành một vật dụng thông thường. Thế là, cùng với nó, chiếc gara trở nên quan trọng, còn Henry Ford trở thành một trong những người giàu có nhất nước Mỹ và thế giới.
Nhưng chuyện đó đã xưa rồi. Từ chỗ chỉ là một cái nhà phụ, một cái kho tồi tàn để cất xe và những dụng cụ sửa chữa, chiếc gara ngày nay trở thành thứ không thể thiếu, và hơn nữa, thứ trang sức đắt tiền của những ngôi nhà có tiện nghi hiện đại. Những gara chứa một xe hiện nay đã trở thành của hiếm, những gara hai xe là hạng trung bình còn số gara chứa ba xe đang tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu của U.S. Census Bureau, nếu năm 1992, số nhà xây mới có gara chứa 3 xe chỉ chiếm 11% thì ngày nay con số này là 18%. Các gara lớn hơn, chứa bốn, năm và thậm chí sáu xe cũng tăng nhanh. Những gara này nhiều khi cũng là nơi để xuồng máy, các dụng cụ thể thao, một số máy móc gia đình như máy xén cỏ và máy quét tuyết.
Không chỉ tăng lên về kích thước, các gara còn thiết kế và trang trí ngày càng đẹp đẽ. Trong gara bây giờ không còn những chiếc tủ mộc, những ghế gỗ rẻ tiền hay những giá dụng cụ tạm thời. Tường và trần gara được hoàn thiện công phu, trang trí đẹp đẽ không kém gì phòng ở.
Sau đó là thiết bị. Những gara mới có thể được trang bị cả tủ lạnh: chủ nhà có thể làm mấy cốc bia lạnh với bạn bè mà chẳng cần phải bước chân vào nhà. Tạp chí Reader's Digest kết luận: "Quả thật, một gara đẹp như thế thì ai chẳng muốn ngồi lâu!"
|