|
IAEA đòi thanh sát cả những địa điểm chưa được công bố là cơ sở hạt nhân
(ảnh một nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng tại Iran). |
"Nếu không có sự hợp tác đầy đủ, tôi sẽ phải nói rằng chúng tôi không thể xác minh được tuyên bố của Iran rằng nước này đang phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hoà bình," Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei khẳng định. Theo ông, điều này tất yếu sẽ dẫn đến việc IAEA báo cáo lên Hội đồng Bảo an LHQ để tổ chức này cân nhắc và ra quyết định trừng phạt Tehran về ngoại giao và kinh tế.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tổ chức hôm qua (30/9), người đứng đầu IAEA lo ngại rằng hạn định đặt ra cho việc công bố kết luận về chương trình hạt nhân của Iran (ngày 31/10) khó có thể đạt được nếu không có sự "hợp tác đầy đủ" từ Tehran.
Ông cho biết "ưu tiên hàng đầu" của phái đoàn IAEA (sẽ có mặt tại Iran vào thứ năm 2/10) sẽ là tìm hiểu bản chất của chương trình làm giàu uranium, điều mà Mỹ nghi cho là để sản xuất đầu đạn hạt nhân còn Iran thì nhất mực phủ quyết. Ngoài ra, IAEA còn có nhiệm vụ thuyết phục Tehran ký vào Nghị định thư bổ sung của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đây không phải là trọng tâm trong chuyến làm việc này.
Ông Baradei công khai phản bác tuyên bố của Tehran hôm thứ hai (29/9) rằng nước này chỉ cho phép đoàn thanh sát IAEA đến các cơ sở hạt nhân đã công bố. Ông nói để kiểm chứng sự "trong sáng" của chương trình hạt nhân, IAEA phải thanh sát cả những địa điểm chưa từng được chính thức công nhận là cơ sở hạt nhân.
Không điểm mặt chỉ tên Mỹ, song người đứng đầu IAEA cũng cảnh báo sự can thiệp vào công việc của phái đoàn thanh sát như đã từng xảy ra ở Iraq.
"Chúng tôi cần hoàn thành quá trình thanh sát trước khi đi đến kết luận là chương trình này nhằm mục đích hoà bình hay có âm mưu quân sự," ông Baradei khẳng định.
IAEA đã từng phát hiện những dấu vết của chất uranium đủ để sản xuất vũ khí tại 2 cơ sở hạt nhân của Iran. Điều này đã tạo ra mối nghi ngờ lớn về chương trình uranium làm giàu mà Tehran cam kết là vì mục đích năng lượng. Iran giải thích rằng đó là do các thiết bị đã bị "nhiễm bẩn" trước khi được nhập về.
Trong một diễn biến khác, EU vừa tăng thêm sức ép đối với Tehran, rằng mối quan hệ thương mại béo bở giữa 2 bên sẽ có nguy cơ chấm dứt nếu Iran không dừng chương trình uranium làm giàu và ký vào nghị định thư bổ sung. Tuy nhiên, Iran đã phản ứng một cách quyết liệt: "Quan điểm của EU về chương trình hạt nhân có mục đích hoà bình của Iran là không thoả đáng, nó mang nặng tính chính trị và không thể chấp nhận được".
(Tiến Dũng - Theo Reuters) |