Cảm nghĩ đầu xuân
Thế là một mùa xuân mới nữa – xuân Bính Tuất lại về trên giang sơn cẩm tú của chúng ta. Trong nắng xuân và mai vàng rực rỡ, mỗi người chúng ta có dịp nhìn lại, ngẫm nghĩ về dân tộc, về Đảng, về đất nước mình để thêm lòng tin vào tương lai tươi sáng, để thêm vui tinh thần trách nhiệm cá nhân phụng sự cho nghiệp lớn của dân, của nước. Năm mới, chúng ta nhìn lại 30 năm sau giải phóng, nhất là 20 năm đổi mới, rút ra những bài học quý để tiếp tục tiến lên. Ý nghĩa việc đón mừng xuân mới, bên cạnh việc hồi tưởng đến tổ tiên, ông bà, gia tộc, thì nghĩ suy về đất nước, về quê hương là một phong cách đẹp của người Việt mình. Vậy những gì của năm Ất Dậu, của quãng thời gian 30 năm qua, hay 20 năm từ Đại hội 6 của Đảng, đọng lại sâu lắng nhất trong lòng mỗi người?
Cầu Mỹ Thuận. Ảnh: LÊ VĂN HIẾU |
Nói cho công bằng, chúng ta chưa thể hài lòng về những gì đạt được, nhưng những thành tựu mọi mặt từ sau ngày giải phóng, nhất là 20 năm đổi mới, làm cho thế và lực Việt Nam lớn mạnh lên nhiều. So với xưa, với chính ta, thì đó là sự đổi thay lịch sử. Sự thật là như vậy, không thể phủ nhận, bôi đen.
Dù đánh giá sự phát triển đất nước không phụ thuộc vào duy nhất một chỉ tiêu GDP, nhưng là chỉ tiêu tổng hợp nó cũng có giá trị quan yếu. Năm 2005, GDP nước ta tăng bốn lần so với trước đó 20 năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm mạnh khu vực nông-lâm-ngư nghiệp (từ 40,2% còn 21,7%), tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng (từ 27,4% lên 40,1%) và các ngành dịch vụ chiếm 38,2%. Mười năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, Việt Nam đạt tốc độ tăng bình quân GDP hàng năm hơn 7% là một hiện tượng hiếm thấy của khu vực. Năm 2005, thu nhập GDP đầu người đạt khoảng 600 USD; xuất khau đều đặn trên dưới khoảng 4 triệu tấn gạo, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cho dù có diễn ra thiên tai dịch bệnh. Những ai dù một lần hành hương xuyên đất nước hẳn sẽ ghi nhận nhiều điều đổi thay đến ngạc nhiên, bức tranh kinh tế – xã hội lan tỏa nhiều mảng sáng, cả cơ sở vật chất – kỹ thuật lẫn đời sống văn hóa làm nền tảng cho sinh hoạt tinh thần phong phú. Chúng ta vui mừng trước những thành tựu ấy, vì chính đó là niềm động viên, cổ vũ mọi người tiến lên.
Nhưng, bên cạnh niềm phấn khởi to lớn ấy, chúng ta thấy còn nhiều mảng tối, kể cả sai lầm, khuyết điểm về tầm nhìn vĩ mô, về thể chế quản lý và bố trí quy hoạch và thực thi chiến lược làm hạn chế thành quả của mình, làm cho không ít người không khỏi băn khoăn, lo lắng cho vận mệnh dân tộc, cơ đồ đất nước trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của hội nhập toàn cầu.
600 USD thu nhập bình quân đầu người/năm tức là chưa phải một quốc gia vượt qua ngưỡng nghèo (tiêu chí phải hơn 700 USD). Đã là nước nghèo thì sức phấn đấu, tinh thần lao động với ý chí tự lực tự cường phải gấp nhiều lần các nước giàu có; phải thắt lưng buộc bụng, cần kiệm xây dựng nước nhà, chớ không phải để cho nạn tham nhũng đục khoét của cải, tài sản Nhà nước và nhân dân tràn lan, không phải để tệ lãng phí xảy ra ghê gớm... Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá cao, thật ra chủ yếu về số lượng, còn thấp hơn khả năng thực tế, phần lớn là do tăng vốn đầu tư, ít thấy có tiến bộ trong các yếu tố chiều sâu, năng suất thấp, chi phí sản xuất và lưu thông lớn nên hiệu quả đầu tư không bao nhiêu. Không lo lắng, băn khoăn sao được khi năm 2004/2005, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong kinh doanh đứng thứ 79/103 nước, năng lực cạnh tranh quốc gia so sánh toàn cầu đứng thứ 77/104 nước; GDP đầu người mới bằng nửa Trung Quốc, bằng ¼ Thái Lan, tình trạng tham nhũng bị xếp thứ 102/144 nước,v.v... Đã xuất hiện nhiều ý kiến xác đáng rằng chúng ta đang chú tâm chạy đua nâng tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm mà thiếu chú trọng đến phải nâng cao chất lượng và sự bền vững, chống thất thoát, tham nhũng, chống hủy hoại môi trường, chống xói mòn niềm tin của nhân dân qua mỗi dự án, công trình bị rút ruột, kém chất lượng vì lối làm ăn cẩu thả, vô trách nhiệm, vô lương tâm, qua sự xuống cấp thoái hóa về phẩm chất, đạo đức, lối sống ở trong Đảng và ngoài xã hội. Có dịp gặp mặt các đồng chí cách mạng lão thành, các đồng chí cao tuổi ở TP Hồ Chí Minh hay Cần Thơ... trao đổi về thời cuộc, tôi đọc thấy trong mắt các cụ tâm trạng day dứt, lo lắng hết sức chí lý đó. Ngày xuân, nghĩ tới điều vui vẻ, lạc quan thì quá đúng, nhưng bày tỏ, trao đổi với nhau những nghĩ suy, những lo toan, về cuộc đời âu cũng là chính đáng...
Sản xuất khung cột thép cho các trụ cầu Cần Thơ. Ảnh: NHẬT CHÁNH |
Xuân Bính Tuất, lòng tôi lại hướng về nhân dân ta, với lòng tin không lay chuyển và lòng biết ơn sâu thẳm về sự dũng cảm chấp nhận, đương đầu mọi khó khăn, gian khổ, nêu cao lòng yêu nước thiết tha đã lao động kiên cường và sáng tạo, từ chính cuộc sống bản thân không ngừng tìm tòi mọi phương cách vượt qua gian nguy, không chịu bó tay trước mọi trở lực, làm cơ sở hình thành tư duy đổi mới cho Đảng. Không có những cách làm lén, làm chui trong sản xuất nông nghiệp, không có những thí điểm về cơ chế quản lý công nghiệp, về cơ chế giá lương tiền... một thời khủng hoảng lao đao dứt khoát không thể hình thành được mô hình kinh tế mở định hướng xã hội chủ nghĩa như bây giờ. Chúng ta nói: thực tiễn là chân lý chính từ những sự vật, hiện tượng cụ thể sống động này. Cho nên, mấy ngày xuân, hồi tưởng lại những gì làm được và chưa làm được, tôi càng thấm thía về công tích của dan tộc mình, và càng củng cố niềm tin rằng nhân dân ta cần cù, thông minh, dũng cảm tuyệt vời không thể chịu đựng mãi cái nhục nghèo nàn, lạc hậu, cái hèn kém thua sút các nước, thế nào cũng có cách chạy đua với thời gian, vươn lên sánh vai cùng bè bạn. Tôi thật sự xúc động trước những sáng kiến của biết bao “kỹ sư chân đất” khắp mọi miền, đã từ đòi hỏi của cuộc sống sản xuất, không câu nệ việc học hành chưa có bằng cấp gì, đã mày mò chế tạo nhiều loại công cụ mà những kỹ sư, tiến sĩ bó giò trong tranh luận học thuật, trong quan liêu bàn giấy không nghĩ ra, làm được. Từ “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy cho đến các nông dân Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Định... chế ra máy đào đất, máy gặt đập, máy tách vỏ đậu phộng, máy xới cầm tay, v.v... cho thấy dân ta “sáng dạ” cỡ nào. Do đó, mấy ngày vui xuân mới, tôi có một mong muốn là Đảng và Nhà nước ta cần thận trọng trước khi đưa ra thực hiện những chủ trương, chính sách thiếu khoa học, chưa chín muồi, như nhiều loại ý tưởng, cải cách thời gian qua bị thực tiễn cuộc sống chối bỏ hay bị phê phán gay gắt. Thí dụ về những thí điểm mất lòng dân này ta có thể liệt kê nhiều không kể xiết. Xin nhắc lại một số chủ trương gần đây cho thấy sao mà xa thực tế, xa nguyện vọng của người dân đến thế. Chủ trương cải cách giáo dục đã bị thực hiện không đúng mục đích, mà ngược lại, nhằm tạo ra những thế hệ thanh niên dễ bảo, thiếu độc lập trong tư duy, chỉ biết hành động theo mệnh lệnh. Thế thì làm sao tuổi trẻ có thể trở thành rường cột nước nhà trong tương lai (!). Chúng ta chủ trương giải quyết nhà ở cho người lao động nghèo, có thu nhập thấp, nhưng mấy phần trăm người nghèo được nhà ở đàng hoàng, hay bị rơi vào tay đám “cò mồi” và những quan quyền tham nhũng? Chúng ta chủ trương cải thiện môi trường và điều kiện đầu tư cho thông thoáng, nhưng hiện nay ở nơi này nơi khac vẫn còn tình trạng để một doanh nghiệp được quyền kinh doanh phải mất quá nhiều thời gian, quá nhiều loại giấy tờ. Nhà nước ta hao tốn hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng tuyến và cụm dân cư vượt lũ cho nông dân ĐBSCL, nhưng vì sao vẫn còn hàng ngàn hộ nông dân chưa chịu đến ở để “an cư lạc nghiệp”, Đảng chủ trương tạo “sân chơi bình đẳng” cho các thành phần kinh tế, nhưng thực tế vẫn ưu đãi cho nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ! Đảng và Nhà nước ta chủ trương phân cấp mạnh cho địa phương để phát huy thế mạnh và sự sâu sát cụ thể, chớ không có nghĩa là trở lại thời mỗi tỉnh, thành phố là một sứ quân hành xử theo lợi ích bản vị, cục bộ. Nhưng sự thật có phải như vậy? Xin được nhấn mạnh: Tất cả tiền đầu tư đều là thuế của dân; Nhà nước đi vay nước ngoài thì dân vẫn oằn lưng làm việc để trả nợ. Cho nên, mỗi dự án, công trình, mỗi chủ trương, quy hoạch... trước hết phải coi quyền lợi của dân là tối thượng, chớ không vì lợi ích cá nhân bất kỳ ai. Tiếc thay, không phải mọi hành xử hiện nay đều vì mục tiêu cao cả ấy, v.v và vv
Tết Bính Tuất rồi sẽ qua mau, tôi mong điều đọng lại ở dân tộc mình sẽ là lòng tự trọng, sự khiêm nhường, và phải biết xấu hổ, biết nhục về sự non kém, lạc hậu của mình. Từ đó phải biết làm gì để biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời chiến thành anh hùng thứ thiệt trong thời bình, góp phần cụ thể rút ngắn khoảng cách tụt hậu của Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đảng ta có thể tự hào là Đảng vĩ đại, anh hùng, khi trong Đảng không còn tham nhũng, quan liêu, phải là trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc tất cả vì hạnh phúc của nhân dân.
-
Nguyễn Kiến Phước (Cần Thơ Xuân 2006)