,
221
3765
Trẩy hội báo xuân
baoxuan
/tet/baoxuan/
575446
"Hãy mạnh dạn, đừng sợ sai"
1
Article
3761
Tết
tet
/tet/
,

'Hãy mạnh dạn, đừng sợ sai'

Cập nhật lúc 10:42, Thứ Tư, 09/02/2005 (GMT+7)
,

Mùa Xuân là mùa của tuổi trẻ. Đó cũng là chủ đề của buổi phỏng vấn đầu Xuân với Bộ trưởng Ngoại giao NGUYỄN DY NIÊN, người đã có hơn nửa thế kỷ "tuổi nghề". Cũng từng lượn xe "sệt đầu gối” từ những năm 1950, ông cho rằng thanh niên không tránh được bồng bột, nhưng người ngoại giao trẻ cần có cái tâm, có tầm nhìn, thấy được cái lớn, bỏ qua những cái nhỏ. Và quan trọng nhất phải can đảm mạnh dạn, cố tránh sai lầm nhưng không sợ sai lầm vì có sai lầm lớp trẻ vẫn còn thời gian để sửa.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.

PV: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá chung về thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ của Việt Nam như thế nào?

Bộ trưởng NGUYỄN DY NIÊN: Trong thời gian vừa qua Bộ Ngoại giao đã tuyển dụng và đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao trẻ tương đối tốt. Đây là lực lượng ngoại giao cho thế kỷ 21. Cán bộ ngoại giao trẻ cho ngày hôm nay phải đáp ứng được những yêu cầu cao của thời đại. Đầu tiên là phải tuyệt đối trung thành với Đảng và Tổ quốc. Thứ hai là phải có bản lĩnh, biết vận dụng sách lược để bảo vệ lợi ích của đất nước. Thứ ba, nhà ngoại giao trẻ phải có kiến thức rộng về chính trị, kinh tế, văn hoá. Thứ tư, phải có ngoại ngữ tốt, nói được nhiều thứ tiếng đặc biệt tiếng Anh, phải có trình độ ngang tầm với khu vực và quốc tế. Cuối cùng, tôi vẫn nhắc nhở cán bộ ngoại giao trẻ phải có đạo đức. Tất nhiên tuổi trẻ có những bồng bột, nhưng phải có đạo đức tốt, phải yêu thương con người, phải có cái nhìn nhân văn đối với con người, với xã hội. Cán bộ ngoại giao trẻ của ta hôm nay đang hướng tới những tiêu chuẩn đó.

- Thế còn cái gì là cái chưa được của lớp cán bộ ngoại giao trẻ hôm nay, thưa Bộ trưởng?

Một số cán bộ ngoại giao trẻ hôm nay chưa có hoài bão cao. Tuổi trẻ quỹ thời gian còn dài, phải đặt mục tiêu cao để phấn đấu, để đi lên. Không phải là để lên cấp này cấp kia, mà phải phấn đấu vươn lên, năm sau hơn năm trước. Phải chú ý đến hoài bão hơn nữa để phấn đấu. Thanh niên phải tìm cho mình một điều say sưa. Lĩnh vực đối ngoại rộng bao la phải tìm một lĩnh vực để đi sâu nghiên cứu bên cạnh việc tiếp tục bồi dưỡng kiến thức rộng. Phải biết sâu một việc hiểu nhiều việc. Cán bộ ngoại giao phải phấn đấu nhiều mặt.

Một thiếu sót khác của một số cán bộ ngoại giao trẻ hôm nay đó là họ còn rụt rè, sợ sai. Cái hay của lớp trẻ là quỹ thời gian nhiều, vì vậy đừng rụt rè. Không tránh được hết vấp ngã. Tố Hữu cũng đã viết "ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần". Một số cán bộ chưa mạnh dạn, còn sợ sai. Trong buổi đối thoại hôm trước với thanh niên, tôi thấy thanh niên còn dè dặt quá. Cái này tôi nghĩ chúng ta phải học phương Tây. Họ giáo dục được sự tự tin. Tôi muốn nói với các bạn trẻ, các bạn đừng sợ sai, vì với quỹ thời gian của mình, các bạn còn thời gian để sửa.

- Nhìn lại thời trai trẻ của mình và so sánh với ngày hôm nay, theo Bộ trưởng, cái khác nhau giữa lớp trẻ thời của Bộ trưởng và lớp trẻ thời nay là gì?

Thời chúng tôi chỉ có một mục đích là đấu tranh giải phóng dân tộc. Thời kỳ đó hoạt động ngoại giao bó hẹp trong một mục tiêu đó. Hơn nữa, lúc đó đào tạo thiếu, thông tin thiếu. Nhưng chính vì thế, nên chúng tôi quyết tâm học giỏi ngoại ngữ, quyết tâm tìm những lập luận sắc bén để đấu tranh với địch và tranh thủ bạn bè quốc tế. Bây giờ có nhiều sự lựa chọn, nhiều cái cuốn hút mình. Không phải "đứng núi này trông núi kia", nhưng khi đặt chân vào ngành, mỗi cán bộ trong thời gian ngắn phải định hướng cho mình để phấn đấu. 2-3 năm đầu phải mở rộng diện, phải học hỏi tất cả mọi thứ, biết công việc các vụ, nắm vấn đề các khu vực. Sau đó phải tập trung vào điểm để đi sâu vào.

Môi trường cho ngoại giao trẻ hôm nay rất thuận lợi. Đường lối đối ngoại “đa dạng hoá, đa phương hoá” rất rõ ràng, mở ra một sân chơi rất rộng để thế hệ ngoại giao trẻ thoả sức tung hoành. Trong một môi trường thuận lợi như hôm nay, nếu mỗi người biết vạch cho mình một đường đi sẽ phát triển rất nhanh. Ở đây điều cần phải tránh là chủ nghĩa thực dụng của một số thanh niên hiện nay.

- Nền kinh tế tri thức có ảnh hưởng thế nào đến các nhà ngoại giao trẻ Việt Nam?

Trong nền kinh tế tri thức cạnh tranh rất quyết liệt, và chủ yếu là cạnh tranh tri thức. Không còn cách nào là phải vươn lên, phải học. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một điểm giữa cái học, cái kiến thức học được và việc đưa ra các sáng kiến, kiến nghị là cả vấn đề. Có nhiều người học giỏi thuộc nhiều bài, "tầm chương trích cú" rất giỏi, nhưng không đề xuất được sáng kiến hay lập luận gì có giá trị để ứng dụng trong công tác. Như thế vẫn chưa phải là biết cách học. Phải biết biến những kiến thức sách vở academic thành cái kiến thức của mình. Đấy là cả quá trình lao động.

- Đã từng được đề bạt làm một phó vụ trưởng, vụ trưởng, rồi thứ trưởng trẻ của Bộ Ngoại giao. Kỷ niệm gì là sâu sắc nhất khi Bộ trưởng là một cán bộ trẻ?

Được đề bạt, thăng chức lên lương là niềm vui, là kết quả phấn đấu của con người. Nhưng tôi thích thú nhất vẫn là những lúc nghiên cứu tìm ra được những điều cần biết, ví dụ như về mối quan hệ giữa các nước XHCN thời kỳ chiến tranh lạnh. Lúc đầu chỉ nghĩ rằng trong phe XHCN do Liên Xô đứng đầu mọi quan hệ giữa các nước XHCN với nhau đều tốt đẹp, nhưng khi đọc một số tài liệu và sách từ các nguồn khác nhau mới thấy có nhiều vấn đề mà không ai giảng, dạy cho mình cả. Cái lý thú là mình tự tìm hiểu và thấy. Thường người ta đi tìm cái người ta không biết, chưa phát hiện ra được, nhưng người ta hay quên vế thứ hai là phải suy ngẫm về cái mình đã biết rồi. Tôi vui, vì hiểu được cái tôi biết rồi, mình tìm hiểu được cái mình đã biết nhưng hiểu sâu sắc hơn.

Tuổi trẻ phải vui chơi bồng bột. Khi trước tôi cũng có nhiều đam mê, thích đi xe phân khối lớn (cười tươi), đi săn, chụp ảnh. Bây giờ phải bảo vệ môi trường không đi săn được. Hồi đó mình không có xe, nhưng các bác làm cấp dưỡng cho sứ quán ở Hà Nội có môtô 150 cc. Tôi mượn đi và cũng lượn "sệt đầu gối" góc đường Chu Văn An - Nguyễn Thái Học rồi lượn qua "nhà số 7". Thanh niên không tránh được sự bồng bột nhưng quan trọng là phải biết dừng lại đúng chỗ.

- Được biết Bộ trưởng đề nghị chọn năm 2005 làm năm Trẻ hoá cán bộ lãnh đạo của Bộ Ngoại giao. Điều gì đã thôi thúc Bộ trưởng có quyết tâm trẻ hoá lãnh đạo?

Năm 2005 phải là năm trẻ hoá. Chúng ta phải làm thế nào để có đội ngũ ngoại giao trẻ hơn nữa, đặc biệt là đội ngũ quản lý như phó vụ trưởng, vụ trưởng rồi thứ trưởng. Chúng ta phải trẻ hóa vì năm 2005 chúng ta chuẩn bị cho Đại hội X của Đảng, cũng là năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2000-2005. Sắp tới Việt Nam có thể sẽ được bầu làm uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, chúng ta sẽ phải chuẩn bị nhiều cán bộ tham gia vào các tổ chức quốc tế. Nhiều hội nghị cấp cao cũng sẽ được tổ chức ở Việt Nam. Năm 2006 sẽ tổ chức hội nghị cấp cao APEC, rồi năm 2007-2008 chúng ta có thể đăng cai Hội nghị cấp cao Không liên kết với hơn 100 quốc gia thành viên, rồi những hội nghị lớn hơn nữa. Vai trò vị thế ngoại giao của Việt Nam ngày càng lên, hoạt động đối ngoại càng ngày càng mở rộng. Đấy vừa là điều kiện để cho cán bộ ngoại giao trẻ phấn đấu, nhưng cũng là thách thức mà ngoại giao Việt Nam phải đối mặt, phải chuẩn bị từ bây giờ.

Trước tiên, chúng ta phải chuẩn bị bằng việc trẻ hoá cán bộ. Chúng ta có thể và phải làm được điều đó. Lực lượng đứng tuổi có thể rút về sau hậu trường làm công tác nghiên cứu chiến lược sâu hơn để lớp trẻ có thể phấn đấu. Muốn cạnh tranh với quốc tế chúng ta phải đào tạo cán bộ trẻ, phải có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ, và phải được đào tạo ở các trường nổi tiếng, những trung tâm lớn của Mỹ, Anh, Pháp. Để làm tốt việc này chúng ta phải có kế hoạch. Chính vì thế tôi muốn lấy 2005 là năm khởi đầu cho trẻ hoá cán bộ cho thế kỷ 21.

Đây cũng là năm quan tâm đến cán bộ nữ để cho chị em vượt qua cái khung thiên chức người mẹ lo lắng gia đình để hoạt động mạnh hơn. Phụ nữ Việt Nam có nhiều khả năng. Ngoại giao cũng là sở trường của giới nữ. Đến năm 2010-2015 phải có thứ trưởng ngoại giao nữ và có nhiều đại sứ nữ hơn.

- Bộ trưởng có thể có thông điệp ngắn nào cho cán bộ ngoại giao trẻ hôm nay?

Thông điệp của tôi gửi đến cán bộ ngoại giao trẻ Xuân Ất Dậu này không có gì mới, nhưng nếu chưa làm được thì vẫn là mới. Ngoại giao trẻ phải biết nhìn cái lớn, đừng băn khoăn quá với cái nhỏ, chống thực dụng. Thanh niên phải sống có lý tưởng, nhìn thấy cái lớn để vươn tới. Phải có tầm nhìn như vậy. Tầm nhìn là rất quan trọng. Phải can đảm, mạnh dạn, không sợ sai lầm. Mà sai thì phải sửa. Các bạn có nhiều thời gian để sửa. Phải mạnh dạn, bạo dạn thì tiến bộ nhanh hơn. Phải phấn đấu để trở thành Đảng viên Đảng CSVN và những nhà ngoại giao giỏi của thế kỷ 21.

Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng.

(Theo Quốc tế số Tết Ất Dậu)

,
,