,
221
3761
Tết
tet
/tet/
576026
Sapa, mùa đông không có tuyết
1
Article
null
,

Sapa, mùa đông không có tuyết

Cập nhật lúc 22:25, Thứ Sáu, 11/02/2005 (GMT+7)
,

Năm 1995 chỉ có 4860 người trong đó có 900 người nước ngoài đến thăm Sapa, đến năm 2004 đã tăng lên gấp 300 lần, riêng du khách ngoại quốc đã là 43.650.

Một người Pháp, tác giả cuốn sách hướng dẫn du lịch nổi tiếng về Việt Nam khi được hỏi lý do vì sao Sapa lại lôi cuốn nhiều du khách đến thăm như vậy đã không chút ngập ngừng trả lời rằng đó chính là vì bên cạnh phong cảnh thiên nhiên kỳ vỹ nơi đây còn giữ được hầu như nguyên vẹn nét đặc sắc của nền văn hoá bản địa. Điều đó cũng cắt nghĩa vì sao du khách đến Sapa ngày một nhiều cho dù trong cả những ngày đông rét mướt. Cũng theo tác giả trên điểm du lịch miền núi phía Bắc này xứng đáng được xếp hạng như một trong ba điểm đến bắt buộc bên cạnh Vịnh Hạ Long và Nha Trang trong một tua du lịch xuyên Việt...

Ngẫm nghĩ quả là mỗi địa danh trên đều có thể tượng trưng cho một loại hình du lịch khác nhau. Nếu như Vịnh Hạ Long là hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một không gian trời biển thật ấn tượng hay Nha Trang với bãi cát trắng trải dài dọc theo đó con đường rộng thênh thang ven biển cùng biết bao bãi tắm nên thơ khác nữa thì Sapa với khí hậu mang dáng dấp của xứ ôn đới lại đưa du khách Âu, Mỹ… về giữa lòng cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Một tờ gấp quảng cáo tôi nhặt được tại tiền sảnh một khách sạn đông khách ở thị trấn đã giới thiệu về Sapa như sau: "Từ Hà Nội qua chặng đường 370 km bạn sẽ có mặt tại Lào Kai. Thêm 37 km đường núi với những khúc cua tay áo rợn sống lưng, bạn bỗng chốc trở thành khách quý của thị trấn sương mù Sapa. Nằm ở độ cao gần 2000 mét trong một trong những vùng núi còn giữ được nguyên vẻ hoang sơ, chưa bị xâm lấn vì bàn tay của con người ở phía Bắc Việt Nam giáp với biên giới Trung Quốc từ đây bạn có thể thả sức quan sát tứ phía, cảm nhận được thế núi hùng vỹ của thị trấn tận cùng phương Bắc.Với bốn mùa mây phủ, nguyên mẫu của nhiều bức tranh, tấm ảnh đoạt giải thưởng quốc tế, Sapa là một đề tài muôn thuở với những thửa ruộng bậc thang đang mùa thu hoạch vàng óng, xoáy thành những vòng tròn bất tận".

Cảnh sắc ở đây quả là sự pha trộn kỳ thú giữa rừng núi, ruộng bậc thang và những căn nhà chon von bên mép núi. Tại đây ta có thể bắt gặp những người đủ các sắc tộc ít người như Hmông, Dao… sống và thu hoạch vụ mùa. Đêm xuống, ánh sáng, tiếng nhạc dìu dặt từ các điểm du lịch, giải trí vui chơi gần kề tạo cho khung cảnh núi rừng thêm phần hấp dẫn. Và nếu bạn là người ưa khám phá, thích tìm hiểu văn hoá bản địa các tua du lịch hiện có từ Sapa đi đến điểm du lịch Cát Cát, thôn Lao Chải, Bản Hồ hay xã Tả Phìn, bãi đá cổ và đặc biệt tuyến leo núi lên đỉnh Phan Si Păng trên 3.000 mét so với mặt biển sẽ làm bạn hoàn toàn hài lòng với những gì thu nhận được.


Một thống kê tại văn phòng thị trấn cho thấy con số ngày càng tăng của du khách nước ngoài tới Sapa. Nếu nắm 1995 là 4860 người trong đó có 900 người nước ngoài thì năm 2004 đã tăng lên gấp 300 lần mà chỉ riêng du khách ngoại quốc đã là 43.650, theo đó khách từ châu Âu, Mỹ và Úc chiếm đa số. Theo ông Đặng Trung, chủ nhân một trong 113 cơ sở khách sạn, nhà khách ở thị trấn thì khách nước ngoài rất thích được tham gia các sinh hoạt cộng đồng với đồng bào các dân tộc ở Sapa. Mặt khác, chính những hoạt động giao lưu như vậy đã giúp bà con thấy tự tin và gắn bó hơn với cuộc sống của cộng đồng. Đi dạo một vòng quanh thị trấn ta có thể dễ dàng bắt gặp những cô gái Mông với trang phục dân tộc mầu sắc giản dị hướng dẫn khách trong các tua du lịch. Phía trước mảng sân rộng Nhà thờ đá Sapa bạn sẽ gặp những chàng trai người Dao cưỡi chiếc xe Min-khơ kềnh càng sẵn sàng đưa khách đến những bản xa xôi nhất. Một vài phụ nữ người Dao quấn khăn màu đỏ rực rỡ mải miết chào bán móm quà lưu niệm từ túi thổ cẩm đến ống sáo Mèo. Một anh bạn tôi, là biên tập viên của Nhà xuất bản Thế Giới và cũng là một trong những tác giả rất có duyên với Sapa đã viết về khung cảnh giao lưu giữa các cô gái người Dao với khách ngoại quốc: "Bập bùng bên đám lửa, tôi ngồi nghe đám trẻ dạy nhau hát những câu tiếng Anh và những lời ca tỏ tình bằng tiếng Dao, trong lòng bâng khuâng buồn vì chẳng còn được tươi trẻ hồn nhiên và yêu đời như họ…Tôi không thể tin được khi thấy chính là những cô gái Dao đội khăn đỏ e thẹn ban nãy đang cất giọng ca vừa trong trẻo hồn nhiên vừa hân hoan hạnh phúc".

Có ai đó đã nói rằng tại Sapa, ta có thể tìm thấy cả bốn mùa trong một ngày khi sáng, chiều là thời tiết của mùa xuân, mùa thu. Buổi trưa là thời tiết của mùa hạ, với nắng nhẹ trời quang mây, khí hậu dịu mát. Còn đêm đến trời lạnh là thời tiết của mùa đông. Bỗng nhiên tôi nhớ lời tâm sự của ông Chánh văn phòng thị trấn vốn là người dưới xuôi lên đây chưa đầy chục năm khi chúng tôi chuyện trò với nhau về cái chủ đề thời tiết muôn thuở của những người mới quen: “Nói vậy thôi, ông ạ, đó là các nhà văn, nhà thơ hoặc những người làm du lịch luôn tìm cách thi vị hoá cảnh sắc nơi đây. Tôi ở Sapa đã hơn chục năm rồi mà vẫn chưa bao giờ quen được khí hậu nơi đây. Mùa đông thì lạnh lẽo băng giá, mùa hè thì nắng nóng với gió Tây Nam. Ông trông nước da đen xạm của tôi đây, không phải dễ ai cũng có được nước da ửng hồng trên má như những cô gái người Mông kia đâu!".

Có lẽ đúng như vậy, không phải bất cứ ai cũng có thể thích ứng dễ dàng với cảnh sắc và đổi thay ở Sapa như những người dân bản địa. Nhiều nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng các cậu con trai và cô gái Hmông hay Dao học ngoại ngữ rất nhanh và nếu chọn họ đi làm hướng dẫn viên du lịch thì luôn giành được sự tán đồng của du khách nước ngoài. Khi tôi đặt câu hỏi này với bác Đặng Trung thì cũng nghe từ ông già 75 tuổi có tới 50 năm gắn bó mảnh đất này chia sẻ suy nghĩ tương tự. Bác cũng đưa ra nhận xét của mình rằng có lẽ một trong những nguyên nhân giúp cho Sapa phát triển nhanh như vậy trong vòng chục năm qua là sự thích nghi rất nhanh của bà con dân tộc nơi đây với những gì là văn minh hiện đại từ các hoạt động du lịch mang lại. Bản thân bác Trung, xuất thân từ một anh thợ sơn tràng dưới Thanh Hoá lên đây, hiện đang là chủ nhân một trong những khách sạn tư nhân sớm nhất ở mảnh đất này say sưa kể lại chuyện bác đã may mắn tìm thấy được ở nơi đây hạnh phúc gia đình cũng như và nghề kinh doanh khách sạn. Từ một khoản tiền nhỏ nhoi ban đầu, bác đã mạnh dạn vay thêm vốn để mở nhà trọ rồi mở rộng dần thành một khách sạn khang trang 4-5 tầng như hiện nay toạ lạc trên một thửa đất gần 2000 mét vuông nằm ép bên vách núi. Dang Trung Auberge, cái bảng gắn trên nóc khách sạn mang tên ông chủ vẫn là một trong những địa chỉ hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Buổi tối nay, cả chủ khách đều ngồi thật thoải mái trong phòng khách vừa là phòng làm việc xinh xắn của bác Trung bên ánh lửa ấm áp toả ra từ chậu than hồng rực, nghe bác kể lại những mẩu chuyện về Sapa từ ngày mới khai thiên lập địa khi người châu Âu đầu tiên đặt chân lên đây. “Tôi đã gắn bó cả đời với mảnh đất này và thật vui khi thấy Sapa ngày càng được mở mang. Các con tôi cũng sẽ kế nghiệp tôi trông nom gây dựng khách sạn này ngày một phồn thịnh". Bác tâm sự.

Bên ngoài sân, cây mai già hơn 40 năm tuổi nhẹ đu đưa trong gió đông lạnh thềm cỏ đẫm sương dưói ánh đèn vàng mờ nhạt. Xa xa ở phía dưới kia, thị trấn Sapa vẫn lấp lánh với những chùm đèn nhấp nháy trong đêm trong cái lạnh giá thấu sương. Một mùa đông nữa đang lặng lẽ trôi qua, lại không có tuyết. Cả thị trấn đang ngủ yên để ít nữa thôi lại bừng dậy, bắt đầu một ngày mới hối hả, bận rộn. Những hướng dẫn viên lại đưa khách đến tham quan phòng trưng bày của thị trấn treo đầy những tấm ảnh đẹp của các nghệ sỹ chuyên nghiệp có, nghiệp dư có chụp về Sapa, rồi lại trầm ngâm chỉ cho họ cảnh Sapa ngập trong tuyết trắng năm nào...

  • Thanh Lộc (Theo Báo Tiếng Nói Việt Nam số Xuân Ất Dậu)

     
,

Tin khác

,
,