Tết một thời Hà Nội cũ
Sáng mùng Một, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, rồi ông hoặc cha khai bút trên tờ giấy hồng điều hay giấy in hoa (hoa tiên). Sau đó đi xông đất...
Có lẽ từ khi có những đô thị, tức là có những nơi mà hoạt động kinh tế chủ yếu là phi nông nghiệp thì lớp lớp người dân nông thôn rời làng quê ra đô thị, gọi nôm na là "ra thành phố" kiếm ăn, họ làm công chức, thợ thuyền, buôn bán, dịch vụ… Nhưng hễ gần đến Tết Nguyên đán thì ai nấy lo toan thu vén về quê ăn… Tết! Cho đến hiện nay, đầu thế kỷ 21, nhiều người, nhiều gia đình đã ba bốn đời lập nghiệp ở đô thị song Tết đến thể nào cũng không kéo về hết được thì cũng cử thành viên trong gia đình về quê. Về làng ăn Tết! Đó là một khái niệm quen thuộc của mọi người dân Việt. Vì ở làng còn bà con, còn nhà thờ họ, còn mồ mả tổ tiên, còn cây đa, còn bến nước, còn sân đình, còn hội hè đình đám, còn cả những cô láng giềng con mắt lá răm lông mày lá liễu…
Cho đến nay, người ta vẫn nói ăn Tết, như "Về quê ăn Tết", "ăn Tết có to không"… Như vậy nói về Tết, trước hết nói về việc chuẩn bị cho cái ăn. Nguyên do ngày trước dân nghèo, rất nhiều người làm lụng tất bật quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Cho nên chỉ nghĩ đến Tết là mới có dịp no đủ một chút. Việc đầu tiên là anh phải nghĩ đến nồi bánh chưng. Gói bánh, nấu bánh, trông nồi bánh tới lúc bóc chiếc bánh đầu tiên ăn thử, đối với nhiều mái nhà đã là sự hiện hình của hạnh phúc. Tiếp đó là công việc gói giò, cầu kỳ thì tự giã lấy giò lụa, cầu kỳ hơn thì cho cắt trứng gà luộc xếp thành hình hoa chanh giữa lòng cây giò. Khi cắt ra mỗi lát giò như một bông hoa. Nếu không thế thì mua giò Ước Lễ, chỉ còn phải gói giò thủ, giò chân, rồi kho khô một nồi cá, nấu một nồi thịt đông, muối một vại dưa hành để ăn với bánh chưng và dưa cải ăn với thịt đông. Ngoài ra còn phải lo mua nguyên liệu để làm cỗ. Cỗ thì nhà nào cũng phải đủ giò, nem, ninh, mọc, măng, miến. Sang trọng thì có thêm bóng cá dưa, cá thủ, vây cá, bào ngư, long tu, tổ yến.
Ngoài cỗ mặn lại còn cỗ ngọt. Phải có nồi chè kho, nồi bánh bao, bánh bẻ, bánh vẽ, bánh khoai… và các loại mứt gừng, mứt quất, mứt sen…
Sau cái ăn là cái mặc. Dù nghèo, ngày Tết ai cũng cố có bộ áo quần tươm tất. Bộ cánh mặc Tết không lụa là thì vải, vải nâu vải thâm nhưng cũng phải là mới. Nhất là đối với trẻ em thì Tết đồng nghĩa với việc có manh áo mới để chưng diện.
Nhà nghèo thì cũng tuỳ, song ai cũng cố có một bộ cánh mới. Đàn ông chí ít là quần trúc bâu trắng, áo lương, áo the, khăn lượt. Đàn bà thì áo the màu tam giang, màu gụ, thắt lưng màu hoa đào, thiên thanh, nguyệt bạch và tấm váy sồi hay quần lĩnh tía. Rét thì ngoài mặc chiếc áo bông trần quân cờ.
Nhà giàu thì dù nam hay nữ đều phô áo đoạn, áo gấm lam tam thể, thất thể, nữ thì thường là gấm màu tím và hoa nhỏ. Đến khi có hàng vải Tây thì áo dài may bằng dạ, sơ-vi-ốt, sa-tanh, nhung…; nam giới thì âu phục, si-mô-kinh, ba-đơ-xuy… Về giày dép, nhà nghèo, đàn ông cũng sắm một đôi guốc mới, đàn bà thì một đôi dép cong da sống. Nhà giàu thì với đàn ông là giày Gia Định, giày tây, giày ban… và phụ nữ sắm giày mang cá, giày muyn, hoặc cườm.
Sau nữa là nghĩ đến việc chơi. Các bà khá giả phải đem hoa, hột, xuyết, vòng đi "tắm vàng" cho bóng, cho mới trở lại. Các cô gái quê lấy tai chua rửa bộ xà tích để rồi chít khăn nhiễu tam giang mà đi xem hội. Trước quang cảnh đó có nhà thơ đã thốt lên: Khen ai nhuộm nhiễu tam giang/ đánh dây xà tích cho nàng chơi xuân…
Cũng phải kể tới thú chơi hoa. Nhà nào cũng có một cành đào hoặc cành mai hay một chậu cúc, thường là cúc đại đoá màu vàng ươm, chậu trà, thường là trà bát tiên. Phong lưu thì chơi hoa thủy tiên, lên chỗ Hàng Ngang mua thuỷ tiên củ ở các hiệu "khách" về tỉa, gọt, ngâm, hãm sao cho cho hoa nở đúng đem giao thừa hay sáng mùng Một.
Thuở trước, các loại hoa bán trong chợ Đồng Xuân, đến lúc chợ không chứa nổi thì người bán hoa lan ra Hàng Khoai rồi Hàng Lược. Các loại hoa cứ như dòng suối cuồn cuộn chảy từ Nhật Tân, Quảng Bá, Tây Hồ về nội thành.
Trang trí cửa nhà thì có tranh Tết, lên Hàng Nón, sang Hàng Mành, Hàng Trống mua tranh, nhiều đề tài sắc màu rực rỡ, cũng không quên mua tranh hai ông Thần Đồ, Uất Luỹ dán ở hai bên cửa chính để ngăn cản tà ma. Rồi còn mua cả câu đối nữa, để mà hy vọng. Câu đối Tết dĩ nhiên màu đỏ, còn nhà ai có tang thì dùng giấy nền vàng hay nền xanh lục. Muốn mua loại này thì lên Hàng Bồ, rất sẵn các ông đồ bán chữ.
Và thế là ngày Tết đến nơi rồi. Từ 23 Tết, sau lễ ông Táo, nhiều nhà sắm cây nêu để biểu hiện đây là đất được Phật bảo vệ rồi lấy vôi trắng vẽ trên sân các nhà hình cung tên để bắn tà ma.
Tối giao thừa, những toán trẻ xúc xắc xúc vẻ khoảng 9, 10 tuổi tay cầm ống nứa có mấy đồng tiền vừa xúc xắc vừa tiến vào các nhà và hát:
Nhà ông nhà bà
Còn đèn còn lửa
Mở cửa cho chúng tôi vào
Bước lên giường cao thấy đôi rồng ấp
Bước xuống giường thấp thấy đôi rồng chầu
Bước ra đằng sau thấy ngôi nhà ngói…
Chủ nhà lấy tiền mừng tuổi, các em lại sang nhà khác.
Rồi đến giao thừa, ngoài sân bày mâm cỗ cúng trời đất, trong nhà thì bày cỗ cúng tổ tiên.
Sáng mùng Một, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, rồi ông hoặc cha khai bút trên tờ giấy hồng điều hay giấy in hoa (hoa tiên). Sau đó đi xông đất, nhà này xông đất cho nhà kia để lấy may. Trẻ em được những phong bao mừng tuổi. Rồi "Mùng Một nhà cha, mùng Hai nhà mẹ, mùng Ba nhà thầy". Cả nhà phân công đi chúc Tết bên nội bên ngoại. Học trò thì đi mừng tuổi tôn sư. Tất cả tấp nập lui tới như đèn cù. Các ông lại còn phải ra đình lễ thánh, các bà thì lên chùa lễ Phật. Cứ vậy suốt ba ngày Tết. Chiều mùng Ba hoá vàng tiễn tổ tiên về… hư không mới coi là tạm hết những nghi thức đầu năm. Một năm mới bắt đầu với bao hy vọng sự tốt lành
-
Nguyễn Vinh Phúc