Nhớ lại Tết Ất Dậu 1945 ở Sài Gòn
Năm Ất Dậu 1945, đối với thế giới và Việt Nam, là một năm lịch sử. Loài người đã tự khẳng định sức sống sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai mà năm 1945 đánh dấu bằng thất bại của trục phát xít Đức, Ý, Nhật. Tháng 5 năm đó, Đức đầu hàng đồng minh. Ý đầu hàng sớm hơn, Mussolini chết vào cuối tháng 4. Giữa tháng 8, Nhật đầu hàng...
Những ngày tháng 8-1945 ở Sài Gòn |
Ngày 19/8, Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, ngày 23/8 thành công ở Huế và ngày 25/8 thành công ở Sài Gòn. Cuộc Cách mạng Tháng Tám hoàn tất quá trình hy sinh gian khổ của dân tộc ta để giành độc lập tự do. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức ra đời, mở một thời đại mới cho dân tộc.
Ngày 23/9/1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam ở Nam bộ bắt đầu, trải ròng rã 9 năm để đi đến kết thúc bằng Hiệp định Genève 1954.
Đó là những chuyện về sau. Sài Gòn và Nam bộ, từ khi khởi nghĩa Nam kỳ 1940 thất bại, một thời gian ngắn lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, đã dần dần hồi phục lực lượng lãnh đạo và nhất là chuyển động mạnh mẽ trong quần chúng yêu nước.
Sài Gòn, lúc ấy là một trong hai thủ phủ của chính quyền thuộc địa ở Đông Dương, bước vào năm 1945 với những tín hiệu báo trước ngày quật khởi mãnh liệt nhất.
Bấy giờ, về mặt kinh tế, người Sài Gòn giáp mặt với tình cảnh chưa từng có. Chiến tranh thế giới và chiến tranh Thái Bình Dương như một thứ “cấm vận” Việt Nam với thế giới bên ngoài, nhất là về giao thông đường biển, và qua đó, về xuất nhập khẩu hàng hóa.
Nhật nắm quyền - ngày trước khi đảo chánh Pháp - song kinh tế Nhật kém về sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, tàu thuyền lại bị hải và không quân đồng minh khống chế gắt gao, không thể cung cấp cho người dân Đông Dương ngay các nhu cầu tối thiểu. Thiếu vải đến mức ở nông thôn, người dân phải mặc bố tời, ở thành thị thì mặc quần áo dệt bằng sợi gòn và chỉ khóm - rất bở.
Chính quyền Pháp, Nhật phát cho dân Sài Gòn thẻ tiếp tế, cung cấp với định lượng nhỏ giọt sữa, đường kết tinh, thuốc trị bệnh, ngay chợ đen hàng quân nhu của Nhật, chủ yếu vải ka ki, chỉ may... cũng lẻ tẻ. Sài Gòn không thiếu lương thực thực phẩm, vẫn còn một số hàng công nghệ bằng nguyên liệu tại chỗ như xà bông bằng dầu dừa, đường thô... song dầu lửa thì vắng mặt. Người dân ngoại ô phải thắp sáng bằng dầu mazout, khói lên bựng bựng.
Về mặt chính trị, đầu năm, tuy còn chính quyền Pháp, song hiến binh Nhật tuần tra các trục lộ, lính Heiho - loạt thân binh do Nhật tuyển mộ - đầy dẫy trên đường phố chính. Bấy giờ, người thành phố ác cảm với quân Nhật, bởi sĩ quan Nhật lúc nào cũng kéo lê thanh kiếm, thái độ rất hầm hừ. Người ta đồn rằng quân Nhật sử dụng hình thức chặt tay đối với những người mà chúng tình nghi phạm pháp.
Liên tục bị máy bay đồng minh ném bom, một bộ phận dân Sài Gòn tản cư về miệt Lái Thiêu, Cần Giuộc, Đức Hòa, Tây Ninh. Khắp thành phố, đâu đâu cũng có hầm trú ẩn và mỗi lần còi báo động rú lên, súng cao xạ Nhật nổ, không khí của thành phố thật căng thẳng. Pháp, Nhật tổ chức đội “Phòng thủ thụ động” (Défense Passive) lo chữa cháy, cứu thương.
Tù binh đồng minh, nhiều nhất là tù binh Anh, lao công cưỡng bức, đào chiến hào trong thành phố, dưới ánh nắng gay gắt của miền nhiệt đới, người nào cũng đỏ như tôm luộc. Tàu chiến Pháp do Nhật chỉ huy như chiến hạm Lamotte Piquet đậu tại cảng Sài Gòn bị máy bay đồng minh đánh chìm. Ngược lại, một số máy bay đồng minh cũng bị cao xạ Nhật bắn rơi, phi công nhảy dù và bị Nhật bắt ở ngoại ô Sài Gòn.
Hai hãng thông tấn ARIP của Pháp và DOMEI của Nhật thi nhau đưa thông báo chiến sự. Tới lúc này, ARIP thắng thế hơn nhờ chiến cuộc của đồng minh ở khắp thế giới và ở Thái Bình Dương. Báo chí nói chung chia làm ba nhóm. Nhóm thân Nhật như Tân Á, nhóm của Pháp thường bằng tiếng Pháp như Impartial, Opinion; Journal d’Extrême-Orient, tờ Tổng xã báo của chính quyền Pháp, nói chung cung cấp tin tức có lợi cho Pháp, nổi lên là tờ Điện Tín, báo in khổ nhỏ, ít trang, đưa tin “trung lập” hơn và đông người đọc nhất.
Phòng thông tin của IPP (Information Propagande Presse) trên đường Catinat tuy bị Nhật kiểm soát nhưng bản đồ chiến sự, nhất là chiến sự châu Âu, giúp cho đồng bào theo dõi tương đối trung thực tình hình chung. Về đài phát thanh, chủ yếu Radio Sài Gòn, cộng với Đài BBC bằng tiếng Việt (phát từ Calcutta Ấn Độ), do nhóm tù Madagasca được Anh, Pháp đưa về đó phụ trách như các anh Phan Vân (Phan Văn Nữ), Mai Thế Châu - những người cộng sản bị bắt sau khởi nghĩa Nam Kỳ.
Đường bộ và đường sắt xuyên Việt bị đánh phá nên tin tức trong nước thiếu thông suốt, nhất là đối với người dân bình thường, tuy nhiên, người Sài Gòn đã biết có tổ chức cách mạng tên là Việt Minh hoạt động mạnh ở phía Bắc, biết có nhóm vũ trang và biết có được vùng giải phóng gọi là Cao Bắc Lạng Thái Tuyên Hà. Cuối 1944, đầu 1945, truyền đơn, bích chương, cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện. Nghĩa là người Sài Gòn tiếp cận với Việt Minh - không lén lút mà nửa công khai, bàn tán về Việt Minh rộng rãi trong dân.
Mãi sau này Thanh niên Tiền Phong mới thành lập, nhưng đầu 1945, mặt khác của Sài Gòn - mặt cơ bản - đã hiện lên vô số dấu hiệu dự báo một cuộc đổi thay nhất định sẽ xảy ra. Ở Sài Gòn, nhóm sinh viên “xếp bút nghiên” từ Hà Nội về làm nòng cốt, dấy lên một phong trào sôi nổi quanh các hoạt động lửa trại, họp bạn, và nhất là quanh việc phổ biến các bài hát do nhóm Hoàng Mai Lưu sáng tác, lấy đề tài lịch sử như Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Thanh niên hành khúc, Lên đàng, Mắng Lê Tắc..., kể cả bài Nhớ chiến khu của Văn Cao.
Đã có những đêm kịch diễn tại Nhà hát thành phố - như Hội nghị Diên Hồng. Lúc ấy, miền Bắc bị đói to hai năm liền, hàng triệu người chết, thảm cảnh đánh động chỗ sâu thẳm của tình cốt nhục, các tổ chức xã hội ở Sài Gòn và một số tỉnh đề xuất khẩu hiệu “Cứu đói miền Bắc Đông Dương”, đồng bào các giới quyên góp gạo, mỗi người một ít, hình thành những đoàn xe thồ từ Sài Gòn chuyển ra Bắc, các tỉnh miền Trung tiếp sức, đó là đoàn thồ giống như dòng máu dân tộc. Học sinh trường trung học lớn nhất Sài Gòn Pétrus Ký thành lập đoàn SET (Section d’Excursion et Tourisme - Đội du khảo và du lịch) quy tụ số đông học sinh là lực lượng nhân rộng các sáng kiến của đàn anh sinh viên bằng những hình thức thích hợp với tuổi học sinh.
Những nhà trí thức tên tuổi tập trung trong các hội truyền bá quốc ngữ, phân bố thầy cô giáo vào các xóm lao động, đêm đêm dạy học. Trường Tiểu học Dakao là trung tâm điều hành của Hội truyền bá quốc ngữ, trong đó có Michel Văn Vỹ, Lý Vĩnh Khuông, Phạm Thiều, Đặng Minh Trứ... cùng với Huỳnh Tấn Phát, một kiến trúc sư trẻ có tài, số trí thức này lập ra tờ Thanh Niên, tôn chỉ mục đích là cổ vũ lòng yêu nước trong lớp trẻ. Một nhóm trí thức nữa mở rộng Hội khuyến học Nam Kỳ và xuất bản tờ Đại Việt, cơ quan nghiên cứu lịch sử theo quan điểm dân tộc, do Ca Văn Thỉnh và Lê Thọ Xuân phụ trách.
Như trên đã nói, Pháp, Nhật thành lập các đội “Phòng thủ thụ động”, cơ sở ta nắm lấy và hình thành một bộ máy quản lý các xóm, đặc biệt đưa được nhiều người tốt làm hộ trưởng. Hộ là tổ chức cơ sở như phường sau này. Hộ trưởng là người do chính quyền chỉ định, chịu trách nhiệm về trật tự trị an trên địa bàn thành phố. Hộ trưởng chỉ huy các đội “Phòng thủ Thụ động”, do đó cuối 1944 - đầu 1945, trong lúc chính quyền cấp cao của Pháp, Nhật kình chống nhau và thực sự đã suy yếu, lực lượng tiến bộ do Việt Minh chi phối đã làm chủ nhiều vùng rộng lớn giữa nội ô Sài Gòn.
Trong thời điểm này, công đoàn từ bất hợp pháp ra mặt, bán hợp pháp, tức không được chính quyền thừa nhận mà vẫn hoạt động công khai, cơ quan có bảng hiệu đàng hoàng. Mãi sau Nhật đảo chính Pháp, tổ chức Liên hiệp nghiệp đoàn miền Nam mới thống nhất trong một đại hội do đồng chí Hà Huy Giáp, thay mặt cho Xứ ủy, chủ trì. Nhưng đó là động tác thống nhất phong trào công nhân lao động, trong khi nghiệp đoàn đã xuất hiện nửa công khai trước đó khá lâu.
Có Nghiệp đoàn Thợ may miền Nam đóng trụ sở tại hiệu may Văn Bộ, đường Phan Thanh Giản, cạnh chợ Bến Thành (nay là Lưu Văn Lang); như Nghiệp đoàn Giày da đóng tại 93 Georges Guynemer (nay là Hồ Tùng Mậu) do đồng chí Nguyễn Oanh, bấy giờ là Xứ ủy viên, Bí thư Thành ủy trực tiếp chỉ đạo, như Nghiệp đoàn Kofưkư (ngành may của Nhật), liên kết với Xí nghiệp Nova, đóng tại 31 đường Galliéni (nay là Trần Hưng Đạo); như Nghiệp đoàn Dainan Koosi (đóng tàu gỗ của Nhật) trụ sở đóng tại đường La Centure (gần đồn Cây Mai); như Nghiệp đoàn các nhà giáo tiểu học do Trần Thanh Phát phụ trách (Trần Thanh Phát là Hiệu trưởng Trường Cầu Kho)...
Ngoài ra, còn có Nghiệp đoàn Eiffel, Đề pô Dĩ An, xe lửa Sài Gòn, hãng Brossard et Mofin, hãng SIMAC, Nhà đèn Chợ Quán. Hệ thống nghiệp đoàn gần như phủ kín các cơ sở sản xuất và kinh doanh của thành phố, đương nhiên tất cả người phụ trách là đảng viên cộng sản hoặc có cảm tình với Đảng.
Các tổ chức nghiệp đoàn, cộng với các tổ chức văn hóa và “Phòng thủ thụ động”, các phong trào cứu tế, phong trào học sinh, phong trào lửa trại... chiếm lĩnh không khí chính trị thành phố, mặc dù thành phố đang trải qua giờ phút chiến tranh ác liệt, thiếu thốn về kinh tế nặng nề, bị cả hai chính quyền Pháp, Nhật đè nén. Hơn nữa, quần chúng chịu ảnh hưởng của Việt Minh, chia sẻ quyền lực quản lý và trị an với chính quyền Pháp - Nhật, nhất là ở các xóm lao động nội thành và hầu hết ngoại ô.
Tất nhiên, nếu đứng ngoài cuộc hoàn toàn khó hiểu được trạng thái của Sài Gòn lúc bấy giờ. Một khi ý thức quật khởi dân tộc đã phát triển đến độ chín muồi thì không có một ngăn trở nào có thể đẩy lùi được cái không khí ấy. Sách vở lưu giữ đến nay có một thiếu sót cực lớn là chỉ căn cứ vào các văn bản mà ít - hoặc không coi trọng - các ghi chép khá nhiều trên báo chí Việt, Pháp thời đó. Cho nên, đôi bài đăng trên những tờ vốn khá nghiêm chỉnh lại nặng về suy diễn hơn là phản ánh sự thật. Thực tế tình hình không nghèo - quá dồi dào nữa - nhưng tri thức của đôi người lại quá nghèo!
Về mặt Đảng, Sài Gòn có một Thành ủy chỉ đạo thống nhất từ 1943, do đồng chí Nguyễn Oanh là Bí thư. Người thợ giày chiến đấu lâu năm trong Đảng, được các đồng chí đảng viên tín nhiệm, khi Nam bộ đứt liên lạc với Trung ương thì đồng chí Trường Chinh phái người vào Sài Gòn tìm đồng chí Nguyễn Oanh, tức người mà Trung ương tin cậy. Xứ ủy những năm 1944 và đầu 1945 - đồng chí Trần Văn Giàu là Bí thư - chưa có tên là Xứ ủy Tiền phong.
Tôi có một người em cô cậu, nguyên đảng viên từ 1936 - chị Trần Thị Tần - cùng hoạt động chung với anh Nguyễn Văn Linh, anh Trần Văn Quang, một hôm bảo với tôi: Thằng G về Sài Gòn rồi! (G là Trần Văn Giàu). Đối với chị Tần và một số đồng chí khác, đó như một tin vui. Đồng chí Trần Văn Giàu tổ chức nhiều nhóm nghiên cứu (cercle d’étude) truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong giới trí thức, mà nhiều môn sinh sau này giữ những cương vị trọng yếu trong cách mạng như Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Huỳnh Tấn Phát...
Lực lượng Đảng vừa móc nối vừa xây dựng thêm lần lần tương đối mạnh, đảm bảo được khối lượng công việc quá lớn và quá gấp rút của cách mạng thành phố.
Năm Giáp Thân 1944 chấm hết cùng lúc với hội nghị Yalta bế mạc - Yalta, một thành phố Nga, cuộc họp diễn ra vào ngày 4-2-1945, gồm Stalin, Churchill, Roosevelt, quyết định chia khu vực ảnh hưởng Nga, Anh, Mỹ ở châu Âu và Á Đông, thành lập Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an... Lúc ấy, Mỹ đã chiếm lại Manilla và đang trên đà tái chiếm Phi Luật Tân.
Mồng một Tết Nguyên đán Ất Dậu nhằm ngày 13/2/1945.
Tôi lục trong trí nhớ về ngày này tại Sài Gòn, không hiểu sao “cái bộ nhớ” lại không lưu giữ một sự kiện nào mang tính đặc thù của ngày Tết. Xóm Ngã Sáu (nay là chung cư Minh Mạng) là nơi tôi sống, gần như chẳng ai ăn Tết. Lúc ấy, tôi là thợ rèn ở Chợ Lớn, hình như làm việc đến trước Tết một, hai ngày mới nghỉ. Đêm như thường lệ, tôi đi sinh hoạt với tổ chức nghiệp đoàn.
Tôi nhớ không có một cuộc họp “liên hoan” nào cả. Chi bộ thì không “lên lịch” ngày Tết, Thành ủy cũng chẳng có chỉ thị gì. Có lẽ mọi thứ, dù rất thiêng liêng, vẫn nhường chỗ cho một thiêng liêng khác đang trong tầm với của dân tộc. Nếu trí nhớ tôi không lầm thì sáng mồng Một Tết, còi báo động rú lên, may mà không có máy bay đồng minh ném bom.
Nhớ lại ngày Tết Ất Dậu 1945, tôi không thể đặc tả đồng bào ta ở Sài Gòn đón Tết ra sao, song tôi có thể đặc tả cái không khí tiền khởi nghĩa trong ngày Tết ấy...
Xuân Ất Dậu 2005
-
Trần Bạch Đằng