Đường dây nóng: hotnews@vasc.com.vn Tel HN: (04) 7722729 / 84 - 913564657 HCM: (08) 9104887 / 84 - 913882742
ENGLISH | Toà soạn và trị sự Tìm kiếm:
 
Từ BV Nhi đồng 2: Một ngày khác, một cuộc đời khác
17:50' 15/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - "Suốt đêm qua, tôi không ngủ được, cứ đảo lên đảo xuống khu vực cách ly như... ăn trộm. Rồi giả bộ ho húng hắng cho bả nghe tiếng mình mà yên tâm. Nhưng bây giờ thì mừng không thể nào tả được!" - ông Huỳnh Ngọc Thanh, cha của em Nhật Trúc tâm sự với PV VietNamNet. Và không chỉ có anh, cả một tập thể GS, BS của kíp mổ này cũng thở phào nhẹ nhõm khi bước ra khỏi phòng mổ.

Nhấp nhổm với ca ghép thận

8 giờ sáng ngày 14/6/2004, bà Đoàn Thuý Ba, chuyên viên cao cấp, nguyên thứ Trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế (TP.HCM), giám đốc các BV, các vị khách mời đã đến "chúc thắng lợi" tập thể kíp mổ. Các "thủ tục" diễn ra nhanh chóng và sau khi các GS, BS vào phòng mổ, không khí trở lại yên ắng, tĩnh lặng, ngoại trừ sư lao xao của cánh phóng viên ở khu vực dành riêng...

Trao đổi với báo chí, Ban Giám đốc BV Nhi đồng 2 cho biết áp lực của ca ghép thận này là rất lớn vì bệnh nhân còn nhỏ, mạch máu và niệu quản của người nhận chênh lệch với người cho nên kỹ thuật nối sẽ khó khăn, kích cỡ thận khác nhau cũng dễ gây chèn ép mạch máu, rồi hệ thống miễn dịch chống thải ghép của trẻ chưa hoàn chỉnh... Do đó, nếu thất bại, coi như mọi nỗ lực đổ xuống sông xuống biển và việc ghép thận sau này khó có thể tiếp tục suôn sẻ.

Có lẽ do vậy mà  ca ghép thận này ở BV Nhi đồng 2 diễn ra có phần lặng lẽ. Trước và tới khi mổ, BV không tổ chức họp báo, không ghi hình rầm rộ cũng như không chiếu trực tiếp qua màn hình ti-vi như ca ghép đã diễn ra trước đây tại Viện Nhi Trung ương. Luôn cả việc không dự kiến thời gian thực hiện. Mọi thông tin có được chỉ nhờ ở chiếc điện thoại cầm tay của BS Nguyễn Thanh Giảng, người duy nhất được tiếp nhận thông tin từ phòng mổ gọi ra.

"8g25, nhát dao mổ đầu tiên ở người mẹ". Thông tin đầu tiên chỉ là vậy. Phóng viên đành... ngồi chơi xơi nước, tranh thủ hỏi han thông tin bên lề. Nhấp nhổm chờ cùng bác sĩ. 11g10, chiếc điện thoại to đùng của BS Giảng lại rung bần bật, cánh phóng viên vây quanh: "Xong công đoạn lấy và rửa thận"... "Chất lượng thận dùng để ghép rất tốt. Không truyền máu trong quá trình phẫu thuật". Lại chờ. 11g40: "Tiến hành ghép thận". 13g: "Bệnh nhân cho thận đã tỉnh và được rút nội khí quản". 13g20: "Nối xong niệu quản và mạch máu"....

Thông tin cứ nhỏ giọt từng chút trong sự hồi hộp, chờ đợi của mọi người...

Cuối cùng, lúc 13g45: Ca phẫu thuật được báo đã kết thúc!

BS Trần Văn Thảo, phó giám đốc BV bước ra khỏi phòng mổ cùng các đồng nghiệp, người ướt đẫm mồ hôi. Hỏi cảm giác thế nào, anh tóm gọn: "Rất sung sướng và nhẹ nhõm. Mọi căng thẳng đã được giải tỏa". Mặc dù trong khi ghép, có một "sự cố" đã xảy ra ngoài dự đoán: Từ động mạch chủ đến động mạch nuôi thận xuất hiện một động mạch nhánh đi xuống nuôi cực dưới của thận. Động mạch này không nhìn thấy trên phim, và trường hợp này ở Chợ Rẫy xảy ra với tỷ lệ khoảng 10% trong số 70-80 ca ghép thận người lớn. Những người thực hiện phải tốn thêm khoản thời gian để ghép động mạch lớn, nhỏ lại với nhau về một mối.

"14g10: bé Nhật Trúc đã tỉnh lại, thận hồng hào, hoạt động tốt và có nước tiểu tức thì. Em cũng không cần truyền máu trong quá trình ghép thận"! Kể từ giây phút này, bước đầu có thể kết luận: Ca phẫu thuật nhi đầu tiên của khu vực phía Nam đã thành công.

Ngay buổi chiều, đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM đã tới thăm và chúc mừng.

Tâm sự của người "ôm gốc cây"

BS Trần Văn Thảo, phó giám đốc BV Nhi đồng 2 cho biết Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (mẹ bé Nhật Trúc) sẽ được  các BS tiếp tục theo dõi một tuần, còn bé Trúc sẽ theo dõi trong một tháng.

Riêng về trường hợp cặp ghép thận bị thay đổi giờ chót do người nhận bị lao sơ nhiễm đang tiến triển (VietNamNet đã đưa tin vào ngày 12/6), BS Thảo khẳng định sẽ tiến hành ghép khi nào bệnh nhân đã điều trị xong bệnh lao. Bởi nếu ghép ngay, việc sử dụng thuốc chống thải ghép sẽ làm sức đề kháng giảm. Khi đó, bệnh lao sẽ bùng phát mạnh mẽ và nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

Hỏi BS cha của bệnh nhân đâu, BS cười: "Cứ vòng ra phía trước, thấy ông nào ngồi... ôm gốc cây là ổng đó!".

Còn theo lời của những người nuôi bệnh tại khu vực này, "suốt ngày hôm nay ổng cứ vòng tới vòng lui muốn mòn dép luôn". Theo "chỉ dẫn", chúng tôi thử đi tìm anh. Nhưng tìm hồi lâu, mãi tới khi leo lên Khu Nội 4 mới gặp được anh vừa đi mua cơm về cho cậu em trai! Trông "tác phong", anh không giống một người giáo viên dạy Văn chút nào. Anh thật thà tâm sự: "Suốt đêm qua tôi không ngủ được, cứ đảo lên đảo xuống như... ăn trộm. Rồi giả bộ ho húng hắng cho bả nghe tiếng mình mà yên tâm. Sáng nay, càng căng thẳng hơn nữa...". 

Anh kể: Từ buổi sáng, anh cứ ngồi riết ở khu vực gần phòng mổ, cứ thấy cô điều dưỡng nào đi ra là anh nhào tới hỏi thăm. Mặc dù điều dưỡng cũng chỉ "nghe nói" nhưng cứ hễ có "nghe nói" nào là anh tức tốc "a-lô" về cho nội, ngoại của bé Nhật Trúc, cũng từng giờ từng phút căng thẳng không kém anh. "Nhưng bây giờ thì mừng không thể nào diễn tả được!" - anh thổ lộ - "Cách đây ba ngày, khi giám đốc, BS trưởng Khoa báo tin con anh chính thức được ghép, anh xúc động không sao tả nổi. Vừa  mừng, vừa lo, cứ đi tới đi lui và trải qua hai đêm trắng căng thẳng trong bệnh viện...".

Cha của bé Nhật Trúc: Có phải bán nhà, tôi cũng lo cho con mình!

Bé Nhật Trúc phát bệnh lúc năm tuổi, từ đó vợ chồng anh phải "xất bất xang bang" vay mượn tiền bạn bè, rồi thế chấp ngôi nhà cho ngân hàng. Nhập viện, ra viện liên tục. Cứ năm đến mười tuần, riêng tiền chích thuốc đã tốn gần 300 ngàn đồng, suốt bảy năm như vậy. Lương giáo viên ba cọc ba đồng của hai vợ chồng, nuôi hai đứa con đã không đủ, vậy mà còn thêm bệnh thận mạn tính của Nhật Trúc... Nợ nần chồng chất, nhiều lúc vợ chồng quạu quọ với nhau. Bé Nhật Trúc thấy vậy đã từng hỏi: "Mua thuốc cho con nên hết tiền phải không ba mẹ?". Hai vợ chồng đứt ruột, càng nghĩ giá nào cũng phải ráng, chừng nào khoa học bó tay thì đành chịu, mà mình cũng không ân hận!

Anh kể: "Con bé khôn và lanh lợi lắm, bệnh như vậy nhưng tham gia văn nghệ "một cây", học hành cũng chăm chỉ. Có lúc bạn bè, người thân xúi: "Kiếm thêm một đứa nữa để thế chỗ cho... đứa sắp bỏ đi. Bệnh này chạy thì chạy vậy thôi nhưng rồi cũng sẽ chết!". Nhưng sao đành. Từ tháng 1/2004, cứ nửa tháng dạy, nửa tháng đi BV với con. Cho đến lúc này thì hai vợ chồng đành xin nghỉ phép không lương. Lúc con anh còn ở chỗ "dự bị", trải qua gần 60 xét nghiệm, mà cái nhiều nhất tốn khoảng sáu triệu, cái ít nhất cũng 100 ngàn đồng, một số được BV hỗ trợ, còn lại gia đình phải lo, nhưng cứ cái nào tốt là mừng cái đó. Trước đó,  nghe BS nói có thể ghép thận cho con mình, cho con mình một cơ hội sống tốt hơn những ngày mong manh như hiện tại là anh nghĩ ngay đến việc bán căn nhà. Mà thực sự, căn nhà đã được... thế chấp gần hết theo căn bệnh suy thận mạn của Nhật Trúc. "Vợ chồng xác định với nhau rồi, nếu không được hỗ trợ thì bán nhà quay trở lại ở tập thể. Nhưng bằng mọi giá phải lo cho con." - anh khẳng định.

Con chưa ra khỏi BV nhưng điều anh đang lo nghĩ trong đầu lại là những chi phí chữa trị các bệnh phát sinh, mặc dù thuốc chống thải ghép được hỗ trợ miễn phí tới năm Nhật Trúc 18 tuổi. Rồi sức khoẻ của vợ, của con. Nhất là điều kiện sống của cháu bé. "Tôi cũng đang nghĩ đến việc thiết kế một phòng riêng cho bé theo yêu cầu vô trùng của BS. Chắc là phải tiếp tục chạy đến ngân hàng thôi..." - anh tâm sự.

Người đàn ông 42 tuổi này tên Huỳnh Ngọc Hanh, giáo viên của trường THCS Trần Quốc Tuấn, huyện Đắc Pơ, tỉnh Đắc Lắc cười kết thúc câu chuyện. Tiếng cười nhẹ tênh, chìm khuất giữa những  ồn ào, bụi bặm, thất thường mưa nắng của Sài Gòn tháng 6.

Vân Điển 

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sốt xuất huyết: Tăng 79,5% so với năm trước! (14/06/2004)
Thị trường thuốc: Vẫn chưa bình ổn! (14/06/2004)
Từ 8g25 sáng nay, BV Nhi đồng 2 ghép thận (14/06/2004)
Đã kê được đơn cho thị trường dược? (14/06/2004)
Giờ chót, BV Nhi đồng 2 đổi ca ghép thận (12/06/2004)
Mới, trong điều trị ung thư: Buồng tiêm tĩnh mạch (12/06/2004)
Xuất nhập khẩu thuốc: Báo cáo hàng tháng (11/06/2004)
Xuất nhập khẩu thuốc: Báo cáo hàng tháng (11/06/2004)
Cục Quản lý Dược mở trang web (10/06/2004)
Bang New York khởi kiện một hãng dược phẩm lớn (10/06/2004)
Giá bán lẻ thuốc do cơ sở bán lẻ quy định (09/06/2004)
Đầu tư y tế tuyến cơ sở: Vẫn hình nón lá ngược (09/06/2004)
23.000 người Việt Nam có nhu cầu ghép gan (08/06/2004)
BV Việt Đức: Đình chỉ công tác hai bác sĩ (08/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang
 
TIÊU ĐIỂM
Ngành ghép tạng: Mong lắm một Pháp lệnh!
Đi tông? Coi chừng liệt... của quý!
"'Cái ấy"... nhỏ và ngắn?
Cúm gia cầm có khả năng lây sang người
Từ tháng 7, áp dụng kỹ thuật mới ghép ngón tay cái
Xác định nguồn gốc của ''ung thư HIV''