(VietNamNet) - Theo Cục Y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) của cả nước là 16.629 trường hợp, trong đó 33 ca tử vong. Con số này cao hơn 79,5% so với cùng kỳ ở năm 2003 , tăng 11 trường hợp tử vong.
Năm nay, số ca tử vong tập trung vào các tỉnh phía Nam (chiếm 90,2%). Lứa tuổi tử vong rơi vào độ tuổi 15 chiếm tới 91%. Các trường hợp tử vong trong vòng 48 giờ sau khi nhập viện chiếm 73%.
Viện Paster TP.HCM cho biết: Tính đến ngày 12/6, tại 20 tỉnh, thành phía Nam đã ghi nhận 15.004 trường hợp mắc SXH. Trong đó, có 30 người tử vong. Kết quả giám sát virus bốn tháng đầu năm 2004 cho biết: Cả nước đã phân lập được 428 mẫu, trong đó có 63 mẫu (65%) dương tính týp D2 chiếm ưu thế - týp này thường gây diễn biến lâm sàng nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Cục Y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS nhận định: Bệnh SXH đang gia tăng ở TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL. Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng tránh nhưng dịch SXH vẫn được ghi nhận trên diện rộng, với số người mắc và tử vong cao. Năm nay, số người mắc nhiều hơn hẳn các năm trước, có địa phương đã phải đối mặt với dịch bệnh này. Theo đánh giá của các nhà khoa học, năm 2004 có nhiều nguy cơ bùng phát dịch (theo chu kỳ 5 năm/lần, dịch lớn gần đây nhất là năm 1998).
Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS đã khẩn trương đưa ra bảy biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp:
- Các ngành liên quan phối hợp với nhau trong việc triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng.
|
Cần tăng cường diệt muỗi vằn ngay trong cộng đồng! |
- Mỗi người dân tự mình phòng bệnh ngay tại cộng đồng bằng các biện pháp như phát hiện, xử lý bọ gậy (lăng quăng), giảm bớt dụng cụ chứa nước không cần thiết...
- Tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm để xử lý triệt để ổ dịch và véc-tơ truyền bệnh. Đối với khu vực trọng điểm, cần tập trung xử lý triệt để các ổ bọ gậy nguồn...
- Giám sát chặt chẽ bệnh nhân. Tăng cường công tác điều trị, chẩn đoán đúng, kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong, đặc biệt ở trẻ em.
- Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị, giường bệnh để kịp thời tiếp nhận, điều trị bệnh nhân trong trường hợp xảy ra dịch lớn.
- Các địa phương đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống dịch.