(VietNamNet) - Chỉ trong vòng vài tháng, Bộ Y tế đã ra một loạt các văn bản với mong muốn duy nhất là bình ổn giá thuốc trên thị trường. Thế nhưng thực tế giá thuốc vẫn chưa hề bình ổn!
Giá tân dược vẫn có xu hướng tăng
Tại một số cửa hàng bán thuốc trên phố Ngọc Khánh (Hà Nội), khi hỏi nhân viên bán hàng, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: ''Giá thuốc vẫn thế, có loại còn tăng giá chứ chưa thấy giảm''. Điều đáng nói là thuốc ngoại tăng chứ thuốc nội không tăng. Chẳng hạn, thuốc tim mạch Nifehexal Retard tăng từ 7.000đ lên 8.000đ/vỉ, Mydocalm từ 7.000đ lên 7.500đ/vỉ. Một số mặt hàng của Hãng Alcon (Mỹ) như Tobrex, Tobradex... tăng giá 5-10%; thuốc Mucomyst, Upsa C tăng giá 10%...
Trên thị trường, giá thuốc vẫn không giảm. Trong khi đó, các chuyên gia thương mại đã đưa ra dự báo: Trong thời gian tới, giá tân dược nhập khẩu có thể tăng. Nguyên nhân: Do đến tháng 9 này, Công ty Zuellig Pharma VN (ZPV) sẽ chấm dứt hoạt động phân phối thuốc tại Việt Nam, gây tình trạng khan hiếm thuốc trên thị trường nội địa. Mặc dù Nhà nước đã có kế hoạch chi ba tỷ đồng để nhập đủ cơ số thuốc hiện do ZPV độc quyền phân phối để đón trước sự thiếu hụt này, song đó chỉ là giải pháp tình thế vì thị phần do ZPV đã chiếm là quá lớn - đến 28%.
Theo Trung tâm Thông tin Thương mại (Bộ Thương mại), trong hơn một tháng qua, giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thuốc kháng sinh và vitamin từ Ấn Độ, Trung Quốc giảm nhẹ với trị giá giảm bình quân 10,24%. Trong đó, có 27% mặt hàng nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Ấn Độ giảm giá, chủ yếu tập trung ở các loại nguyên liệu sản xuất thuốc kháng sinh: Cefaclor giảm trên 55%, Cefixim giảm 27,18%...
Trong khi giá nguyên liệu làm thuốc có xu hướng giảm thì mức chênh lệch giữa giá bán buôn và giá nhập khẩu thuốc vẫn tiếp tục tăng: Trong tuần đầu tháng 6, mức chênh lệch này dao động khoảng 3,27%–202%. Giá thuốc bán lẻ cũng tăng ở mức 3,37%-16,67%. Đặc biệt, giá nhập khẩu nhiều loại thuốc chuyên khoa biệt dược (kháng sinh chống viêm, gây mê hồi sức, thuốc đặc trị HIV, điều trị ung thư…) tăng “chóng mặt” so với tháng trước: Triamcinolone tăng trên 258%; kháng sinh Cefaloject giá 3,1 USD/hộp, tăng 106,86% và Rovamycine giá 20 USD/hộp, tăng 343,46%; Simagal Suspension điều trị HIV giá xấp xỉ 2 USD/hộp, tăng 88%, Cisplatin điều trị ung thư giá 12,31 USD/lọ, tăng 23,12%…
Bộ Y tế đã cùng các bộ liên quan đưa ra nhiều biện pháp và cụ thể là hàng loạt các văn bản đã ký. Vậy mà giá thuốc vẫn chưa có chiều hướng bình ổn trong thực tế.
Liệu thị trường có khan hiếm thuốc?
Câu hỏi này được rất nhiều người băn khoăn nêu ra bởi, sau ngày 5/9, ''đại gia'' ZPV sẽ không được phân phối thuốc tại Việt Nam nhưng nhiều loại thuốc do ZPV độc quyền phân phối trong thời gian qua có khả năng sẽ khan hiếm. Trong đợt thanh tra mới đây, Bộ Y tế đã thừa nhận: Một số thuốc của các nhà sản xuất nước ngoài có hoạt chất, công thức đang trong thời gian bảo hộ sở hữu trí tuệ (tức độc quyền về hoạt chất, công thức thuốc) nhập khẩu từ các nguồn khác rất khó khăn. Ngoài ra, các thuốc của ZPV phân phối là các thuốc chuyên khoa thường khó thay thế, đã có uy tín với bác sĩ và bệnh nhân. Doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam không can thiệp được vào việc phân phối thuốc của ZPV!
Tại thời điểm ''nhạy cảm'' này, các quan chức của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) rất ngại tiếp xúc với báo chí. Nếu có may mắn gặp được, chúng tôi cũng chỉ nhận được những câu trả lời chung chung là ''Bộ Y tế sẽ làm mọi cách để bình ổn giá thuốc'', rồi họ chuyển sang... chủ đề khác. Gần đây, trả lời báo chí, tân cục trưởng Cục Quản lý Dược Cao Minh Quang cho biết sẽ làm mọi cách để bình ổn giá thuốc. Ông Quang cũng đưa ra một số ít loại thuốc đã giảm giá. Đúng là có giảm, nhưng đây chỉ là những loại thuốc thông thường, không phải biệt dược, chuyên khoa đặc trị.
Mạnh tay hơn và cũng đề phòng việc khan hiếm thuốc, Bộ Y tế đã cho phép các doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu thuốc từ các nhà sản xuất. Theo đó, các doanh nghiệp có chức năng xuất nhập khẩu dược phẩm có thể làm việc với nhà sản xuất nước ngoài để mua thuốc mà không cần thông qua trung gian là công ty phân phối. Đây xem ra là biện pháp hay nhưng hiệu quả cụ thể như thế nào vẫn còn là chuyên tương lai. Vì thực tế, các doanh nghiệp dược còn hạn chế về kinh nghiệm phân phối. Do đó, thời gian qua, công việc phân phối thuốc chủ yếu phụ thuộc vào nhà phân phối, dẫn đến giá thuốc bị đẩy lên cao.
Thời gian vừa qua, giá thuốc đã làm nhiều quan chức ngành y tế đau đầu. Đích thân các quan chức đầu ngành đã hứa sẽ bình ổn được giá thuốc và không để xảy ra biến động thị trường dược phẩm. Thế nhưng, nhìn vào thực tế như đã nêu, chắc chắn các vị này vẫn sẽ tiếp tục đau đầu vì bao giờ giá thuốc mới bình ổn vẫn là vấn đề treo lơ lửng!
|