(VietNamNet) - ''Con ngựa bất kham giá thuốc'' vẫn... bất kham, mặc dù Nhà nước đã ban hành văn bản pháp lý cao nhất từ trước tới nay về quản lý giá chuyên ngành thuốc.
Trước những bất ổn của thị trường tân dược, Bộ Tài chính đã công bố Nghị định 120/2004/NĐ-CP về quản lý giá thuốc phòng, chữa bệnh cho người. Nghị định 120 là văn bản pháp lý cao nhất từ trước tới nay về quản lý giá chuyên ngành được ban hành. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong việc lập lại trật tự trên thị trường tân dược. Tuy nhiên, Nghị định này đang khiến nhiều người hoài nghi về tính hữu hiệu của nó trước "con ngựa bất kham giá thuốc".
Giá thuốc sẽ ''bám theo'' các nước Đông Nam Á?
Theo Nghị định của Chính phủ, Nhà nước sẽ thực hiện quản lý giá thuốc theo ba nhóm, với các hình thức khác nhau. Nhóm thuốc do Nhà nước đặt hàng, định giá thì giá các loại thuốc cụ thể do Nhà nước đặt hàng sẽ được Nhà nước quy định mức giá cụ thể, thanh toán bằng ngân sách nhà nước và không qua đấu thầu. Các loại thuốc thiết yếu sẽ được quy định khung giá bán lẻ. Nhóm thuốc do các cơ sở y tế mua để cung cấp cho các đối tượng miễn phí, chính sách xã hội, bảo hiểm y tế... sẽ thực hiện theo cơ chế đấu thầu; Nhóm thuốc do cơ sở tự định giá thì ngoài các căn cứ như giá vốn sản xuất, giá vốn nhập khẩu, các khoản nộp ngân sách (đối với cơ sở sản xuất và nhập khẩu), trị giá thuốc mua vào ghi trên hoá đơn (đối với cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc), các cơ sở khi quy định giá thuốc của mình còn phải đảm bảo phù hợp với thị trường. Riêng các cơ sở sản xuất thuốc không được quy định cao hơn giá bán thuốc cùng loại cho các nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự như ở Việt Nam.
Khi được hỏi Bộ Tài chính sẽ căn cứ trên những đặc điểm gì để xác định những nước nào có điều kiện y tế tương tự như ở Việt Nam, ông Vũ Công Chính, phó cục trưởng Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính đáp: ''Các nước trong khu vực Đông Nam Á được xem là nước có điều kiện tương tự với Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ quy định các nhà nhập khẩu và sản xuất phải đăng ký và cam kết giá bán phải ổn định tối thiểu trong thời gian sáu tháng. Nếu trong trường hợp thay đổi giá bán trước thời hạn thì phải đăng ký lại và giải thích rõ''.
Tuy có cùng điều kiện địa lý nhưng nếu nói ''các nước Đông Nam Á có điều kiện y tế tương tự như ở Việt Nam'' thì liệu có chính xác? Đơn giản, nếu lấy giá thuốc ở một trong những nước này chuyển đổi sang đồng Việt Nam thì cũng đã có sự chênh lệch đáng kể về tỷ giá. Tỷ giá VND luôn thấp hơn so với hầu hết các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan... Như vậy có nghĩa: Nếu một loại thuốc bán ở Thái Lan là 1 baht thì ở Việt Nam là 395,07 đồng. Đó là chưa kể đến chuyện thu nhập bình quân, mức sống của dân cư những nước này rất khác với Việt Nam trong khi thu nhập bình quân của Việt Nam đứng vào hàng thấp nhất thế giới cũng như trong khu vực. Liệu nông dân của ta có chịu đựng được những mức tính theo kiểu này?
Vẫn nặng về xử hành chính
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định nhiệm vụ, thẩm quyền của các cấp, các ngành trong việc quản lý giá thuốc. Việc bình ổn giá thuốc, niêm yết giá thuốc và việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá thuốc chủ yếu nặng về hành chính. Ông Vũ Công Chính cho biết: Ngoài các mức phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về kê khai giá thuốc, sai khung giá, thặng số,... sẽ phạt tiền 10-20 triệu đồng và có thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với hành vi liên kết độc quyền về giá.
Việc xử phạt hành chính từ trước tới nay đã được thực hiện nhiều, với nhiều ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh nhưng hiệu quả thì cần phải bàn lại. Với giá thuốc, ai dám nói sẽ không có chuyện nhiều cá nhân và đơn vị đã sẵn sàng vi phạm để nộp phạt hành chính vì họ tính toán sau khi nộp phạt... vẫn có lãi, nhất là đối với lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận này. Liệu việc quản lý giá thuốc có lặp lại tình trạng nộp phạt hành chính là ''chuyện thường ngày ở huyện''?
Ngay sau khi nghe thông tin này, một chuyên gia trong ngành đã cho rằng không thể bình ổn giá thuốc chỉ bằng các biện pháp hành chính đơn thuần mà điều quan trọng nhất là làm thế nào để cân bằng hai tác lực chính của thị trường là cung và cầu để tác động đến giá dược phẩm. Nói cách khác, cần tạo ra một cơ chế thị trường thật sự cho thị trường dược phẩm, vốn lâu nay bị can thiệp bởi những kiểu làm ăn mang nặng tính độc quyền.
Liệu mỗi tỉnh sẽ... một giá thuốc?
Theo Nghị định 120, bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ quy định: mức giá cụ thể các loại thuốc do Nhà nước đặt hàng thanh toán bằng ngân sách nhà nước không qua hình thức đấu thầu, đấu giá; khung giá bán lẻ các loại thuốc thiết yếu phòng, chữa bệnh cho người phù hợp với từng thời kỳ theo danh mục do bộ trưởng Bộ Y tế quy định; thặng số bán buôn, bán lẻ thuốc áp dụng cho các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ quy định mức giá cụ thể một số thuốc cấp không thu tiền cho các đối tượng được hưởng chính sách trợ giá, trợ cước theo quy định của Chính phủ.
Bộ Y tế có nhiệm vụ quy định danh mục các loại thuốc thiết yếu phòng, chữa bệnh cho người phù hợp với từng thời kỳ để Bộ Tài chính định khung giá; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể việc đấu thầu các loại thuốc, xây dựng đề án về giải pháp hạn chế, xóa bỏ độc quyền của các công ty dược phẩm nước ngoài, hướng dẫn kê đơn thuốc theo tên gốc, xây dựng cơ chế chính sách về phát triển ngành dược trong từng giai đoạn...
Như vậy, theo nghị định mới này, Bộ Tài chính sẽ quy định khung giá. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức giá cụ thể một số thuốc không thu tiền cho các đối tượng chính sách.
Một câu hỏi cần đặt ra: Căn cứ trên những cơ sở nào và dựa vào đâu để các cơ quan chức năng quản lý giá thuốc và ban hành khung giá? Nhất là trong tình hình hơn mười ngàn loại thuốc khác nhau đang lưu hành trên thị trường Việt Nam.
Nếu sau đó, các tỉnh lại có mức giá khác nhau thì ai sẽ đứng ra làm trọng tài và xử lý thế nào? Ấy là chưa nói đến việc cùng một loại thuốc nhưng giá cả lại rất khác nhau do phụ thuộc vào chất lượng và thương hiệu từng hãng. Ông Nguyễn Văn Tựu, phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã thừa nhận trong cuộc họp báo công bố Nghị định 120 rằng họ không thể biết được giá gốc ở nước ngoài, vậy thì sẽ dựa vào đâu để xác định khung giá? Và một khung giá không chính xác là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Đối với thuốc sản xuất trong nước, lấy cơ sở là giá vốn sản xuất và các khoản nộp ngân sách để tính giá thuốc xem ra cũng chưa ổn. Bởi thực tế, doanh nghiệp sẽ có vô vàn cách khác nhau để đưa ra một giá vốn cho có vẻ hợp lý theo cách của họ mà những biện pháp quản lý hành chính sẽ khó lòng bắt bẻ. Chuyện ''gửi giá'', liên minh độc quyền nâng giá thuốc thì, nói không ngoa, các doanh nghiệp dược cũng đã quá quen thuộc...
Theo quy định mới, tới đây các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn thuốc phải niêm yết giá bán buôn từng loại thuốc tại nơi bán buôn và không được bán cao hơn giá đã niêm yết. Giá thuốc được niêm yết bằng cách ghi trên bảng hoặc trên giấy để nơi thuận tiện tại nơi bán thuốc. Các cơ sở bán lẻ thuốc phải niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc và không được bán cao hơn giá đã niêm yết và giá thuốc được niêm yết bằng cách in hoặc ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc. Việc quy định về niêm yết giá thuốc liệu có chống được việc tăng giá? Nếu các cơ sở niêm yết giá thuốc cao ngất ngưỡng để rồi bán với giá thấp hơn mà vẫn thu siêu lợi nhuận thì người tiêu dùng liệu có hết bị thiệt hại?
Ngậm ngùi?
Ngay sau khi ông Chính khẳng định với báo chí rằng ''chắc chắn giá thuốc sẽ chưa giảm ngay nhưng cũng sẽ không có khả năng tăng giá vì đã trong tầm kiểm soát của Nhà nước'', các chuyên gia thương mại lại dự báo: Trong thời gian tới, giá tân dược nhập khẩu có thể tăng, vì đến tháng 9 thì Công ty Zuellig Pharma sẽ chấm dứt hoạt động phân phối thuốc tại Việt Nam. Thị trường nội địa sẽ lại... khan hiếm thuốc. Giá trị sản xuất thuốc tại Việt Nam trong năm tháng qua đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khi được hỏi ''Bao giờ các cơ quan chức năng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định mới?'', ông Nguyễn Văn Tựu cho biết ''Sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất'' nhưng lại không khẳng định là khi nào. Nhớ lại chuyện Pháp lệnh Giá đã được Bộ Tài chính ban hành từ năm 2002, đến tháng 5/2004 mới có Nghị định về quản lý giá thuốc, mấy ai không khỏi ngậm ngùi.
Trích từ báo chí: ''Mặc dù doanh nghiệp tham gia sản xuất thuốc rất đông về số lượng lẫn đa dạng về hình thức: 167 đơn vị sản xuất tân dược, 149 công ty, tổ hợp, cá nhân... sản xuất Đông dược. Nhưng xét về chủng loại sản phẩm làm ra thì 90% là thuốc chữa bệnh thông thường dưới dạng bào chế đơn giản. Hơn thế nữa, nhiều đơn vị sản xuất cùng chung một mặt hàng: paracetamol có 273 số đăng ký sản xuất, vitamine C có 201 số đăng ký, vitamin B1 là 179, vitamin B6 là 137... Thị trường thuốc quanh quẩn với những loại biệt dược cũ hay giá trị thấp. Mặt khác, trình độ công nghệ sinh học và hoá dược của ta vẫn chưa phát triển, hơn 90% nguyên liệu làm thuốc vẫn phải nhập từ nước ngoài. Trong khi đó, với 55 doanh nghiệp có chức năng xuất nhập khẩu trực tiếp, hầu hết nhập ủy thác cho các công ty TNHH dược phẩm. Có doanh nghiệp nhập ủy thác chiếm 50-70% doanh số nhập khẩu. Thuốc nhập về lại qua nhiều tầng nấc phân phối trung gian, hưởng chênh lệch. Hệ quả là giá thuốc bị ''đội'' lên từ vài chục đến vài trăm lần. Nếu tính riêng mạng lưới cung ứng và phân phối tại TP.HCM, ngoài hai doanh nghiệp nhà nước, 14 công ty cổ phần, 197 công ty TNHH thì còn có loại hình: đại lý bán lẻ, hiệu thuốc trong và ngoài giờ, nhà thuốc thuộc các công ty cổ phần, TNHH, doanh nghiệp tư nhân, bệnh viện... tổng cộng khoảng 3.500 cơ sở''.
Đáng nói là vấn đề sử dụng thuốc nội tại các cơ sở điều trị luôn đạt tỷ lệ thấp. Các loại chuyên khoa đặc trị như huyết thanh kháng nọc rắn, Isuprel, Isoptin... vẫn chưa đủ cho nhu cầu. Một đoàn thanh tra về giá thuốc mới đây còn phát hiện nhà thuốc của các BV Bệnh Nhiệt đới, Ung bướu và Da liễu bán nhiều mặt hàng với giá cao hơn giá nhập đến... năm lần.
Thị trường thuốc hiện quá rộng, đa dạng và phức tạp so với lực lượng và khả năng kiểm soát của Nhà nước. Đúng là phải thừa nhận rằng quản lý giá thuốc là rất khó và nên chia sẻ với các cơ quan nhà nước, nhưng cũng phải nêu vấn đề: Tại sao các nước khác lại làm được?
Ông Chính khẳng định trước báo chí: ''Nghị định 120 là văn bản pháp lý cao nhất từ trước đến nay về quản lý giá chuyên ngành được ban hành. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong việc lập lại trật tự trên thị trường thuốc tân dược''.
Vẫn biết rằng Nghị định về quản lý giá thuốc của Chính phủ chưa thể lập lại trật tự ngay tức khắc cho một thị trường kinh doanh mặt hàng vốn được thả nổi trong nhiều năm qua, nhưng rõ ràng đã có sự quyết tâm rất lớn từ cấp vĩ mô. Một lần nữa, liệu chúng ta có kê được đơn thuốc hữu hiệu cho thị trường tân dược?