(VietNamNet) - Đó là mục tiêu của TP Đà Nẵng trước khả năng sốt xuất huyết có thể bùng phát theo chu kỳ. Nhiều biện pháp “huy động sức dân” đang được ngành chức năng chủ động triển khai.
Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 4.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH); trong đó có bảy trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2003, số trường hợp mắc SXH đã tăng hơn 90%, số tử vong tăng bốn trường hợp. Hiện dịch SXH đang tăng đáng kể ở một số tỉnh, thành phía Nam như TP.HCM, Tiền Giang, Đồng Tháp...
Tại TP Đà Nẵng, bốn tháng qua đã phát hiện 15 trường hợp mắc SXH (giảm 50% so với năm 2003), không có tử vong. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành y tế, SXH có thể bùng phát trên địa bàn do năm 2004 là chu kỳ trở lại của dịch và do nhiều yếu tố tác động khác. "Chúng tôi cũng nhận định là có khả năng bùng phát dịch lớn, hơn nữa Đà Nẵng đang có tốc độ đô thị hoá cao nên môi trường cũng rất phức tạp. Nếu không tuyên truyền, giáo dục tốt cho mọi người có ý thức phòng chống thì dịch SXH có nhiều khả năng bùng phát, đặc biệt là trong mùa hè sắp đến, sau những trận mưa giông.” - BS Nguyễn Xuân Thước, phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nói.
|
Người dân tìm diệt bọ gậy lưu cữu dưới chân cầu Thuận Phước để hạn chế phát sinh SXH.
|
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo tăng cường phòng chống SXH, không để xảy ra dịch SXH trên địa bàn. Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng đang tập trung giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch để phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp khống chế. Các đội vệ sinh phòng dịch quận, huyện đang bám sát các vùng trọng điểm, vùng có ổ dịch cũ để giám sát, điều tra chỉ số muỗi, côn trùng và tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về việc phòng, chống dịch SXH, khống chế không để bọ gậy và muỗi có điều kiện phát sinh, phát triển.
Với sự chuẩn bị chu đáo, ngành y tế Đà Nẵng phấn đấu năm 2004 sẽ giảm 10% tỷ lệ mắc SXH/1.000 dân so với tỷ lệ trung bình năm năm và giảm 10% tỷ lệ tử vong vì SXH trong giai đoạn 1996–2000.
Hải Châu |