Thuốc trị suyễn ở Việt Nam: Phi-lý-đắng!
21:34' 05/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bệnh nhân hen suyễn các nước nghèo cũng phải được chăm sóc y tế theo phương pháp mới, được sử dụng các thuốc mới. Tuy vậy, ở Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản để thực hiện mong ước này. Trong đó, chuyện phi lý về thuốc suyễn là đáng ngại hơn hẳn, theo tác giả bài phân tích sau: PGS Lê Thị Tuyết Lan, ở Đại học Y Dược TP.HCM.

Sẽ không bao giờ chặn nổi bệnh suyễn?

Phác đồ quản lý suyễn, theo GINA

1. Việc chẩn đoán, phân độ nặng, theo dõi hen suyễn phải dựa trên phương pháp thăm dò chức năng hô hấp khách quan: hô hấp ký hoặc lưu lượng đỉnh kế.

2. Việc điều trị phải dựa trên độ nặng của bệnh để có liều lượng thuốc phù hợp và theo dõi định kỳ để giảm liều mỗi ba tháng.

3. Điều trị suyễn hiện nay là ngừa cơn, chủ yếu với Corticosteroid dạng phun, không đợi lên cơn mới cắt.

4. Tránh các yếu tố nguy cơ.

5. Lập kế hoạch để theo dõi dài hạn và xử lý cơn suyễn cấp cho từng cá nhân.

6. Giải thích để bệnh nhân cùng hợp tác trong việc điều trị.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 300 triệu người bị hen suyễn. Mức độ tử vong tuy không cao nhưng đã gây giới hạn nặng nề cho cuộc sống người bệnh. Vì vậy, bệnh này vẫn được xem là một gánh nặng của toàn cầu. Theo công bố kết quả nghiên cứu ARIAP về tình hình hen suyễn năm 2003 tại các nước châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, có đến 53% bệnh nhân suyễn bị hạn chế trong việc chơi thể thao, 51% có triệu chứng ban ngày, 44% phải cấp cứu hay nhập viện, 44% đêm ngủ không yên giấc vì suyễn, 37% phải nghỉ làm, 27% phải nghỉ học vì suyễn.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, không ít bệnh nhân suyễn không thể lao động được, có những bệnh nhân chỉ muốn tự tử vì những cơn suyễn thường xuyên gây nhiều  phiền toái cho bản thân và gia đình. Theo ý kiến của các chuyên gia, trong tương lai, các bệnh hô hấp do nhiễm trùng, bụi phổi có thể được khống chế nhưng bệnh suyễn sẽ không bao giờ ngăn chặn được. Thậm chí, tần suất bệnh suyễn sẽ gia tăng gấp đôi mỗi mười năm do môi trường xấu đi và do các hoá chất mới ngày sản xuất càng nhiều.

Theo Bộ Y tế Việt Nam, tần suất suyễn của người lớn là 5%, ở trẻ em là 10%, điều này cho thấy hiện nay bệnh suyễn ở học sinh là phổ biến.

Mặc dầu chưa thể chữa dứt được bệnh suyễn, nhưng với các phương pháp chẩn đoán, theo dõi và điều trị do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Viện Phổi, Tim và Huyết học Hoa Kỳ đưa ra từ năm 1995, cập nhật năm 2002 (GINA 2002) thì hiện nay, y học hoàn toàn có khả năng kiểm soát được bệnh suyễn để đưa bệnh nhân suyễn về với cuộc sống bình thường.

Tại TP.HCM, các đơn vị y tế như BV Đại học Y Dược TP.HCM, BV Lao và Bệnh Phổi Phạm Ngọc Thạch, BV Nguyễn Tri Phương, BV Nhi đồng 1... đang áp dụng phương pháp này và bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều rào cản. Chẳng hạn, hệ thống mạng lưới quản lý suyễn trong cộng đồng vừa thiếu lại vừa yếu. Do không có chế độ đào tạo liên tục, đào tạo lại nên còn nhiều BS chưa được phổ biến hướng dẫn của WHO về điều trị hen suyễn. Từ đó, dẫn đến việc chẩn đoán sót, phân bậc độ nặng của suyễn không chính xác, hoặc điều trị độ nặng, sử dụng thuốc suyễn không đứng cách...

Tuy nhiên, phức tạp hơn hẳn vẫn là chuyện... thuốc!

Thuốc: Đắng vì bảo hiểm y tế, vì... kiến thức bác sĩ!

Nhiều giải pháp được đưa ra tại Hội nghị Hen suyễn thế giới lần IV (Bangkok, tháng 2/2004): ● Đưa các loại thuốc suyễn, an toàn, hữu hiệu vào danh sách thuốc quốc gia để được trợ giá ● Đưa vào danh mục thuốc bảo hiểm để bệnh nhân có bảo hiểm được cấp phát ● Mua từ 20.000 hộp thuốc suyễn trở lên để được giá rẻ ● Sử dụng thuốc gốc (generic) - Hội Chống Lao và Bệnh Phổi thế giới (IUALTD) còn đề nghị thay đổi phác đồ của WHO bằng những loại thuốc corticosteroid đơn giản hơn, rẻ tiền hơn. Các loại thuốc này vẫn hiệu quả và an toàn nhiều lần so với các dạng thuốc uống mà bệnh nhân suyễn đang sử dụng ● Nên thành lập mạng lưới chống hen suyễn nói riêng và các bệnh phổi mạn tính không lây nói riêng. Bệnh nhân được quản lý tại địa phương, có nhân viên y tế được huấn luyện bài bản theo GINA 2002, có trang bị dụng cụ thăm dò chức năng hô hấp ● Có thuốc suyễn corticosteroid dạng phun, thuốc cắt cơn dạng phun an toàn và hữu hiệu cho bệnh nhân.

Các loại thuốc suyễn được WHO khuyên dùng là corticosteroid dạng phun xịt thẳng vào phổi, rất hữu hiệu, ít tác dụng phụ. Không dùng các dạng uống hoặc chích (trừ đợt cấp nặng).

Tuy nhiên, hiện nay nhiều bệnh nhân không mua nổi vì giá điều trị một ngày đối với bậc suyễn nặng nhất (bậc 4) chỉ có 9.000 đồng nhưng do thuốc đóng gói ở dạng bình xịt định liều, dùng suốt một tháng nên mua một hộp thuốc 270.000 đồng là cả một vấn đề đối với người bệnh.

Trong khi đó, bệnh nhân có mua bảo hiểm y tế thì cũng... bằng thừa vì bảo hiểm y tế hiện nay không đưa các loại thuốc suyễn corticosteroid dạng phun, thuốc cắt cơn dạng phun vào cho tất cả các tuyến, kể cả tại các bệnh viện (BV) lớn tại TP.HCM như Gia Định, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nguyễn Tri Phương... mà chỉ thanh toán duy nhất cho BV Lao và Bệnh Phổi Phạm Ngọc Thạch. Thế nhưng khi các BV khác chuyển bệnh nhân qua đây thì bị đơn vị bảo hiểm... trừ tiền! Bác sĩ muốn kê toa cho bệnh nhân nhưng sợ bệnh nhân "cự nự" vì sao đã mua bảo hiểm y tế còn phải mua thuốc thêm; còn cho lố tiền thuốc theo quy định thì bị Ban giám đốc BV... rầy, khiến phải làm đơn trình bày rất nhiêu khê.

Do đó, hiện vẫn còn các cơ sở có bảo hiểm y tế vẫn còn phải dùng thuốc dexamethasone hay corticosteroid dạng uống cho bệnh nhân, dù những thuốc này rất mạnh (chỉ sử dụng ngắn ngày với sự chỉ định của bác sĩ), dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng cho họ về sau như bị tiểu đường, mục xương, cao huyết áp, loét dạ dãy, teo cơ, mỏng da, xuất huyết... Hoặc vẫn cho dùng ephedrine - loại thuốc mà trên thế giới hiện giờ đã hầu như không còn sử dụng vì chứa những dược chất gây nhiều tác dụng phụ như làm tim đập nhanh, mạnh, gây cao huyết áp, run tay khiến bệnh nhân rất mệt. Dexamethasone, hay ephedrine, tại Việt Nam có giá rẻ, khoảng 8.000đ/100 viên, nên nhiều bác sĩ vẫn chỉ định dùng, chưa kể nhiều bệnh nhân nghèo vẫn mua tự do vì "tự làm bác sĩ", dẫn tới sự lạm dụng các loại thuốc này mà không lường được những hậu quả của chúng!

Quả thật, bệnh suyễn phải được xem là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng và phải có một mạng lưới quản lý suyễn trong cộng đồng, với các nhân viên y tế được đào tạo theo phương pháp điều trị tiên tiến, hữu hiệu và an toàn của WHO; được trang bị các dụng cụ thăm dò chức năng hô hấp khách quan và phải có các loại thuốc trị suyễn mới để không đưa đến những hậu quả tai hại cho bệnh nhân.

Vấn đề then chốt là bệnh nhân suyễn các nước nghèo cũng phải được chăm sóc y tế theo phương pháp mới, được sử dụng các thuốc mới!

PGS Lê Thị Tuyết Lan (Đại học Y Dược TP.HCM)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chuẩn bị ba tỷ đồng cho giai đoạn "hậu ZPV" (05/05/2004)
Nghiên cứu virus: Tuyệt đối đảm bảo an toàn sinh học (05/05/2004)
Đà Nẵng: Không để sốt xuất huyết bùng phát thành dịch (05/05/2004)
Đà Nẵng: Tăng cường phòng chống dịch SARS (05/05/2004)
477 tỷ đồng để chăm sóc sức khoẻ cho người Tây Nguyên (04/05/2004)
Thêm ba bệnh nhân SARS mới tại Trung Quốc (04/05/2004)
Hen suyễn, ô nhiễm môi trường và... nạn tham nhũng (03/05/2004)
Hà Nội sẽ có thêm một bệnh viện quốc tế (03/05/2004)
Ấn Độ: Cấm hút-hít-nhai thuốc lá nơi công cộng (02/05/2004)
Thêm một chuyên gia kiểm dịch Trung Quốc nhiễm SARS (02/05/2004)
Long An: "Bệnh lạ" không phải vì dị ứng với côn trùng (01/05/2004)
Trung Quốc: Thêm các ca nhiễm SARS (30/04/2004)
BV Bưu điện II dùng CT-Scanner sáu lớp cắt/vòng quay (30/04/2004)
Tháng 5, kiểm tra việc cung ứng thuốc trong bệnh viện (30/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang