(VietNamNet) - Năm nay, Ngày Thế giới phòng, chống bệnh hen suyễn (4/5/2004) sẽ diễn ra với chủ đề "Gánh nặng của hen suyễn". Một gánh nặng thực sự, vì hàng năm toàn cầu phải tốn khoảng 20 tỷ USD để chữa trị bệnh này. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chi phí y tế và xã hội cho bệnh hen suyễn còn cao hơn tổn thất do lao và HIV/AIDS cộng lại!
Nước Anh: Quán quân bệnh "khò khè"!
Theo tổ chức Hành động toàn cầu chống Hen suyễn, nước Anh hiện dẫn đầu thế giới về tỷ lệ trẻ em ở ở độ tuổi 13-14 mắc phải căn bệnh khó chịu, dai dẳng này: 37% trẻ ở Scotland, 34% trẻ ở Wales và 30% ở Anh. Đặc biệt, số trẻ em bị hen suyễn ở Anh có thể cao gấp ba lần số trẻ em bị bệnh này ở các nước EU khác, như ở Pháp, Đức và Italia. Ước tính có khoảng 1,5 triệu trẻ em ở Anh đang bị hen suyễn, cao gấp sáu lần so với 25 năm trước.
|
Trẻ em Anh dẫn đầu về tỷ lệ mắc hen suyễn so với bạn bè cùng trang lứa ở các nước. Trong ảnh, một bé gái người Anh với ống xịt cắt cơn suyễn luôn cầm trên tay. |
Một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu cũng cho biết tỷ lệ người hen suyễn ở Anh cao gấp đôi mức trung bình 7,2% ở các nước khác thuộc Liên minh châu Âu (EU). Hiện có trên mười triệu người (khoảng 16% dân số) ở Anh và CH Ai-len bị hen suyễn. Tại Scotland, tỷ lệ người bị hen suyễn đã lên tới mức 18,4% - cao nhất nước Anh.
Nguyên nhân gây nên sự gia tăng số bệnh nhân hen suyễn vẫn chưa được khám phá đầy đủ, song nhiều nhà nghiên cứu đang tập trung chú ý vào các nhân tố môi trường, sự thay đổi chế độ ăn uống, cùng sự thay đổi về di truyền học. Theo các chuyên gia y tế, chế độ ăn bất hợp lý của nhiều gia đình là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên. Một nghiên cứu cho thấy trẻ em ở Anh rất ít ăn các thực phẩm chứa vitamin E (giúp phòng chống bệnh hen suyễn) có nhiều trong cá, đậu phọng (lạc) và một số loại rau. Một nghiên cứu khác cho rằng tỷ lệ hen suyễn cao ở trẻ em nước Anh có liên quan tới sự lạm dụng các thuốc kháng sinh.
Theo điều tra của ĐH Y Hà Nội và Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai, tỷ lệ mắc hen ở Việt Nam đã tăng gấp đôi trong hơn 20 năm qua. Tần suất 2,5% hen phế quản vào năm 1981 nay đã tăng đến 5% dân số cả nước. Chưa có giải thích thỏa đáng, song đáng chú ý là nguyên nhân ô nhiễm môi trường do đô thị hóa. |
Hiện nay, đáng nói là thiệt hại do bệnh hen suyễn gây ra ở Anh đang ở mức báo động: Mỗi năm, có khoảng 1.500 trường hợp tử vong vì bệnh này ở Anh và Ai-len. Mỗi năm, bệnh hen suyễn gây thiệt hại 2,5 tỷ bảng Anh - hậu quả của việc bị mất 28 triệu ngày lao động từ những người bị hen suyễn phải nghỉ ốm hoặc tử vong.
"Các kết quả nghiên cứu đã nhấn mạnh về tính nghiêm trọng của bệnh hen suyễn ở Anh, nhất là với trẻ em. Thế nhưng chính phủ Anh đã không đầu tư thích đáng cho quỹ nghiên cứu căn bệnh này, gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng kinh phí nghiên cứu." - GS Martyn Partridge, cố vấn trưởng về y khoa của Chiến dịch quốc gia chống hen suyễn, nói.
Nhiều chuyên gia hàng đầu khác về bệnh hen suyễn cũng lên tiếng phê phán chính phủ Anh đã không đối xử với bệnh hen suyễn như một vấn đề y tế lớn của cộng đồng. Báo Independent, số ra ngày chủ nhật 2/5 mới đây đã công bố: Số tiền đầu tư cho việc nghiên cứu bệnh hen suyễn ở Anh (khoảng năm triệu bảng Anh mỗi năm) luôn ít hơn nhiều so với ngân quỹ đầu tư nghiên cứu các bệnh khác. Gần đây, nhân một hội nghị của Hiệp hội Y khoa hoàng gia, các chuyên gia y tế Anh đã kêu gọi Bộ Y tế nước này dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho bệnh hen suyễn.
Bệnh suyễn, người nghèo và... nạn tham nhũng
Trong khi đó, ở phạm vi châu Âu, một dự báo đã được đưa ra và phải nói là rất dễ... gây sốc với một EU mới: Một nửa dân số châu Âu sẽ mắc bệnh hen suyễn, hoặc một dạng dị ứng nào đó, vào năm 2015!
Mặc dù bệnh hen suyễn từng được các thầy thuốc Trung Quốc và Hy Lạp mô tả và chữa trị cách nay hàng ngàn năm, và đến nay có thể kiểm soát được bệnh này nếu có kế hoạch quản lý, theo dõi bệnh lâu dài song sự gia tăng tỷ lệ người mắc hen suyễn vẫn đáng báo động. D ự báo trên toàn thế giới sẽ có tới 450 triệu người bị hen suyễn trong 20 năm tới, do chịu ảnh hưởng của tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Con số này hiện nay là khoảng 300 triệu người, trong đó có khoảng 8-13% là trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh hen suyễn (mạn tính) đang là nguyên nhân cực kỳ quan trọng của việc nghỉ học và nhập viện trong trẻ em và tuổi thanh niên ở nhiều nước.
Nếu không điều trị đúng, bệnh sẽ diễn tiến từ nhẹ đến nặng, từ ít cơn hen đến nhiều cơn hen trong một khoảng thời gian nhất định. Về lâu dài, sẽ gây tàn phế hô hấp và gây mất thời gian, tốn kém tiền bạc, ảnh hưởng đến công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày. Mỗi năm, trung bình một bệnh nhân hen trên thế giới làm thiệt hại cho gia đình và xã hội 484 USD, nên phải tốn khoảng 10-20 tỷ USD/năm để chữa trị bệnh này.
Năm 1998, Ngày Thế giới phòng, chống hen suyễn đầu tiên đã được tổ chức hôm 4/5 theo chủ đề "Hãy giúp con em của chúng ta thở", với sự hưởng ứng của trên 35 nước. Gần đây, với chủ đề hành động "Hãy để mỗi người thở", Ngày 4/5 năm 2002 đã kêu gọi các bậc cha mẹ, các thầy thuốc, chính quyền và các tổ chức quốc gia phối hợp để hạn chế có hiệu quả các trường hợp tử vong vì hen suyễn; làm giảm số ngày điều trị ở bệnh viện vì hen suyễn; và giảm số ngày nghỉ học, nghỉ lao động do nguyên nhân hen suyễn. Trên toàn cầu, các chuyên gia y tế và các tổ chức y tế, hiệp hội bệnh nhân,... cần nhấn mạnh nhu cầu điều trị định kỳ và đều đặn nơi bệnh nhân hen suyễn, đảm bảo cho bệnh nhân hen suyễn được nhận chế độ điều trị thích hợp, và phải học để làm chủ căn bệnh này của mình với sự hỗ trợ của chuyên viên y tế. Đặc biệt, cần hạn chế các tác nhân ô nhiễm môi trường để góp phần làm giảm nguyên nhân gây nên hen suyễn.
|
Khói bụi như sương mù trên đường phố của thành phố Mexico cũng khiến cho các cảnh sát giao thông dễ mắc hen suyễn như ai... |
Tuy vậy, nhiều rào cản vẫn chưa thể vượt qua để thực hiện lời kêu gọi trên. Chẳng hạn, tại thành phố Mexico (Mexico), mặc dù chính quyền đã triển khai kế hoạch mười năm, đầu tư nhiều triệu USD để cải tạo hệ thống giao thông đô thị nhằm cải thiện mạng lưới đường xá và làm giảm ô nhiễm giao thông (chủ yếu là ô nhiễm không khí từ khói xe), song kết quả vẫn còn khá hạn chế và là "đáng nghi ngờ" trong con mắt nhiều người dân và các nhà khoa học ở đây.
Nhìn từ một ngọn núi ở bên ngoài, thành phố Mexico như được "liệm" trong một màn sương khói dày đặc mà chỉ các tòa nhà chọc trời mới chọc thủng được lớp "mây mù" ấy để nhô lên cao. "Mắt của bạn sẽ nhức nhối, cổ họng bạn sẽ ngứa ngáy, và bạn sẽ cảm thấy khó thở dù chỉ đi vài bước vào trong ấy." - nhà hoạt động môi trường Tanya Mijares nói, khi bà đứng từ điểm cao này nhìn xuống thành phố - "Các nhiệm kỳ chính quyền nối nhau đều không biết đến vấn đề này, trong khi chúng ta cần sớm kết liễu nó".
|
Bé Elva, nước mắt chảy dài, trong cơn khó thở vì suyễn... |
Trong Bệnh viện Nhi ở thành phố Mexico, em bé một tuổi Elva ngồi trong lòng mẹ với mặt nạ dưỡng khí vừa phải đeo vào, còn nước mắt chảy dài trên gương mặt bé nhỏ của em. Elva là một trong hàng trăm ngàn trẻ em bị hen suyễn ở thành phố này. Mặc dù chính quyền thành phố đã đóng cửa hầu hết các nhà máy gây ô nhiễm trầm trọng trong nội thành (như nhà máy sản xuất nhựa rải đường, sản xuất hóa chất,...) và di dời một số khác ra bên ngoài thành phố, đồng thời đang triển khai cải tạo mạng lưới giao thông đô thị song nạn ô nhiễm không khí vẫn không giảm bớt, khiến cho bệnh hen suyễn và cả nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, nguy cơ bị ung thư phổi vẫn treo lơ lửng trên đầu mọi người.
Cũng do đó, bà Tanja Mijares vẫn hoài nghi về việc tiêu tốn hàng triệu USD cho những dự án như vậy. Bà nói: "Hàng tỷ đô-la cũng sẽ không giúp giải quyết được vấn đề, ngay cả khi được đầu tư vào việc kiểm soát các xe gây ô nhiễm, phát triển các mạng lưới giao thông cùng các loại xe điện, tàu điện,... Trên nguyên tắc, việc đầu tư như vậy là một ý tưởng tốt. Thế nhưng nạn tham nhũng tràn lan ở Mexico đã khiến cho người ta rất dễ hối lộ các viên thanh tra. Chẳng hạn, trên đường phố hiện vẫn đầy rẫy các xe gây ô nhiễm nặng nề, mặc dù cả chúng cũng đã phải qua các đợt kiểm tra!".
Theo Bộ Y tế Mexico, nước này hiện có trên 15 triệu người bị hen suyễn, trong đó chủ yếu vẫn là trẻ em. Giám đốc Bệnh viện Hen, thuộc Viện Nghiên cứu các bệnh về đường hô hấp quốc gia, bà Rosio Chapela nói: "Tại Mexico, cứ mười người thì có một trường hợp bị mắc chứng bệnh kinh niên và khó chữa này. Một trong các nguyên nhân làm gia tăng bệnh hen suyển ở Mexico là do thiếu nguồn ngân sách đầu tư cho công tác khám, chữa bệnh; trong khi năng lực chẩn đoán bệnh của các y, bác sĩ vẫn còn hạn chế!".
"Ngành y tế Mexico cần đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo và nâng cao nghiệp vụ đối với y, bác sĩ trong khâu chẩn đoán bệnh, đồng thời đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền, giáo dục trong dân chúng về tác hại của bệnh hen suyễn..." - BS Chapela kiến nghị.
Được biết từ ngày mai 4/5, nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh hen suyễn, Mexico sẽ tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân, nhất là với trẻ em và các đối tượng nghèo mắc căn bệnh này.
BS Trương Văn Vĩnh, BV Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch TP.HCM:
|
Ảnh 1 |
Hen suyễn là một tình trạng viêm, nghẽn tắc, gây ra rối loạn sự thông thương của việc hít vào và thở ra. Ở người lành mạnh, lòng các ống phế quản mở rộng, trơn láng. Các cơ vòng quấn chung quanh thư giãn, giúp cho việc hít thở dễ dàng. Còn ở người bị hen, lúc bình thường cũng đã sẵn có tình trạng viêm, lòng các phế quản hơi sưng. Các cơ vòng quấn chung quanh hơi dày hơn (xem ảnh 1).
|
Ảnh 2 |
Khi bị các chất kích phát xâm nhập tác động vào thì các phế quản sẽ rất dễ bị kích thích, có phản ứng dữ dội. Đó cũng chính là lúc bệnh nhân lên cơn hen suyễn. Lúc này, lòng các phế quản bị co thắt, hẹp lại. Trong lòng ống có nhiều chất tiết, vón cục bám đọng lại, càng làm cho lòng ống hẹp hơn (ảnh 2), khiến sự hít thở trở nên vô cùng khó khăn. |
Linh Chi |