Tiêu chuẩn HACCP: Doanh nghiệp thiếu thông tin!
03:42' 23/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn chưa biết nhiều về HACCP (viết tắt từ Hazard Analysis and Critical Control Point - Phân tích nguy cơ và thiết lập điểm kiểm soát) là một tiêu chuẩn được quốc tế thừa nhận rộng rãi về quản lý chất lượng trong an toàn thực phẩm.

HACCP: Tiêu chuẩn “quý tộc”?

“Chúng tôi đã thực hiện HACCP nhưng chưa thể chứng nhận. Một phần do giá chứng nhận quá cao, khoảng 25-30 ngàn USD. Thêm vào đó, người tiêu dùng còn chưa biết nhiều về HACCP. Nếu chấp nhận chứng nhận đạt tiêu chuẩn HACCP trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp chưa có lợi gì!”. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Bình, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Long Phụng khi trao đổi với phóng viên VietNamNet về việc thực hiện và chứng nhận đạt tiêu chuẩn HACCP.

Công ty Long Phụng mạnh dạn đầu tư để quản lý chất lượng VSATTP theo tiêu chuẩn HACCP.

Long Phụng là một công ty do Việt kiều Canada đầu tư, có nhà xưởng tại Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân với 50 công nhân. Công ty chuyên sản xuất giò, chả, jambon, xúc xích... để tiêu thụ ở thị trường nội địa. Theo ông Bình, Công ty Long Phụng chấp nhận đầu tư tốn kém, thực hiện quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP. Ông nêu cụ thể: Một máy cắt bì có bán trên thị trường với giá 2,7 triệu đồng nhưng được chế tạo cố định, không tháo lắp được. Song để đảm bảo yêu cầu phải tháo, lắp máy mỗi ngày để tẩy rửa, vệ sinh máy nhằm đảm bảo yêu cầu vệ sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm thì Công ty phải đặt chiếc máy cắt bì có thể tháo, lắp được với giá tới 17 triệu đồng. Vậy mà Long Phụng vẫn chấp nhận đầu tư...

Trong khi đó, một nhân viên của Công ty Tư vấn Quản lý Chất lượng BVQI thừa nhận: Vài năm gần đây, mức độ quan tâm của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm về HACCP có tăng, nhưng doanh nghiệp chưa có nhiều thông tin về HACCP. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện HACCP nhưng vẫn chưa biết rõ những nơi nào có thể cung cấp thông tin về HACCP, tư vấn hoặc chứng nhận về HACCP.

Vẫn theo nhân viên nói trên, giá tư vấn cho một doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện HACCP hiện nay vào khoảng trên, dưới 5.000 USD. Đó là chỉ tính chi phí cho dịch vụ tư vấn. Bởi vì trong quá trình thực hiện HACCP, để đáp ứng được nhu cầu khắt khe của việc đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn, tiêu chí của HACCP, doanh nghiệp sẽ phải tốn kém nhiều hơn do phải đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng cho phù hợp. Còn về giá cả chứng nhận, nhân viên này cho biết: Khó có thể nói được vì còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn doanh nghiệp có yêu cầu  việc chứng nhận được công nhận bởi các tổ chức quốc tế có uy tín hay không...

Trong khi đó ông Trần Thanh Quang, phụ trách Bộ phận Tư vấn của Công ty Apave VietNam cho biết rõ hơn: Giá tư vấn cho doanh nghiệp để thực hiện HACCP tối thiểu là 5.000 USD, còn giá chứng nhận doanh nghiệp thực hiện HACCP tối thiểu vào khoảng 3.000–5.000USD.

Cơ sở lạp xưởng, bánh bía, kẹo dừa... vẫn “làm được" HACCP

“Thật ra, các doanh nghiệp của ta đã thực hiện HACCP rất nhiều nhưng chỉ chưa hoàn chỉnh.” - bà Nguyễn Thị Phụng, Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Khu vực 3 (gọi tắt là Trung tâm 3) khẳng định.

Theo bà Phụng, hiện Trung tâm 3 đang có chủ trương đưa HACCP về với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cán bộ của Trung tâm vừa mới đi Sóc Trăng để huấn luyện cho một số cơ sở sản xuất lạp xưởng, bánh bía về HACCP. Sắp tới, Trung tâm còn cử cán bộ đi đào tạo về HACCP cho các cơ sở sản xuất kẹo dừa ở Bến Tre.

Bà Nguyễn Thị Phụng: Trung tâm TC-ĐL-CL khu vực 3 sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tiêu chuẩn HACCP. (Ảnh: Thu Thảo)

Về “giá cả”, bà Phụng nhấn mạnh: Trung tâm 3 xem đây là một nhiệm vụ của cơ quan nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chứ không xem đây là vấn đề kinh doanh như các công ty tư vấn, quản lý chất lượng. Do đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất muốn tìm hiểu để tự mình thực hiện HACCP, hoặc thực hiện HACCP với sự hỗ trợ của Trung tâm thì có thể liên hệ với Trung tâm TC-ĐL-CL KV3.

Thế nhưng liệu việc thực hiện HACCP, một tiêu chuẩn quốc tế trong việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có vượt năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ? Ông Trần Thanh Quang, Công ty APAVE, phân tích: “HACCP, hiểu đơn giản, chỉ là một phương pháp quản lý. Doanh nghiệp không cần thiết bị, máy móc tối tân “tối trời, tối đất”. Doanh nghiệp chỉ phải làm sao nhận ra được những sơ hở nào có thể khiến cho vi trùng xâm nhập vào sản phẩm thực phẩm mà mình sản xuất. Xong, phải nghĩ cách nào để ngăn chận, phòng ngừa những sơ hở đó. Có muôn ngàn “chiêu” để ngăn chận, phòng ngừa... nhưng doanh nghiệp muốn “xuất chiêu” được có thể phải cần đến sự hỗ trợ của các nhà tư vấn...".

Vẫn theo ông Quang, việc một doanh nghiệp được chứng nhận HACCP đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể tin cậy vào sự cam kết của doanh nghiệp đó trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.    

Nông Khắc Ý

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Quản lý vẫn lúng túng (23/05/2004)
Thử phôi, giúp thụ tinh trong ống nghiệm dễ thành công (22/05/2004)
Người nghèo có thêm cơ hội điều trị bệnh gan (22/05/2004)
Sản phụ khoa: Không vội vã áp dụng kỹ thuật mới (22/05/2004)
Nguy cơ từ thuốc lá: Đừng để giật mình vì quá muộn! (22/05/2004)
Sẽ có Viện Ghép Giác mạc và Ngân hàng Mắt? (21/05/2004)
Bệnh nhân viêm phổi phục hồi nhanh hơn nhờ kẽm (21/05/2004)
Giảm cholesterol? Thử ăn... vỏ cam quýt (21/05/2004)
Khai mạc hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp 2004 (20/05/2004)
51 sáng kiến phòng chống HIV/AIDS vào chung kết (20/05/2004)
Thanh tra bệnh viện đầu tiên ở Hà Nội (20/05/2004)
Ở góa, ly dị,... dễ thất bại trong điều trị lao (19/05/2004)
Kiểm tra "loạn sữa"? "Anh cả" chỉ tạm nằm im (19/05/2004)
Thiếu vi chất dinh dưỡng, làm giảm 0,6% GDP (19/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang