Hiện nay, tỷ lệ thành công của việc thụ tinh trong ống nghiệm (TTON) rất thấp, chỉ khoảng 30% phụ nữ có thai sau một liệu trình điều trị. Tỷ lệ này có thể được cải thiện nhờ kỹ thuật đo chất đánh dấu gien xung quanh phôi...
|
Thụ tinh nhân tạo cho trứng. |
Mới đây, nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Mỹ đăng tải trên tạp chí Reproductive Biomedicine cho biết: Với một xét nghiệm đơn giản, có thể giúp tăng gấp đôi tỷ lệ thành công của việc TTON. Việc xét nghiệm này giúp nhận biết phôi phù hợp nhất để đưa vào cấy, nhờ đó có thể đẩy tỷ lệ thành công lên đến trên 70%.
Qua xét nghiệm mới này, có thể đo lường được sự tập trung của chất đánh dấu gien, sHLA-G (soluble human leukocyte antigen-G), ở xung quanh phôi một ngày trước khi chúng được chuyển tới tử cung người mẹ - TS Geoffrey Sher, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Công trình nghiên cứu này đã tìm ra mối liên kết giữa sHLA-G và khả năng làm tổ của phôi dẫn đến kết quả thành công. Theo đó, những phụ nữ có phôi với mức sHLA-G trên trung bình được điều trị bằng phương pháp TTON thì có đến 71% trường hợp thành công nếu tuổi đời của họ dưới 39, 52% ở phụ nữ 39-44 tuổi. Ở phôi có mức sHLA-G dưới trung bình, tỷ lệ thành công là 22%.
Việc thử phôi này cũng giúp giảm sự cần thiết cấy nhiều phôi vào tử cung. Để đạt được tỷ lệ thành công cao, hiện nay người ta vẫn thường cấy hơn một phôi vào tử cung của người mẹ. Đa thai - sinh đôi hay sinh ba rất nguy hiểm cho sức khỏe của cả người mẹ lẫn các bé.
Thu Thủy (Theo Telegraph) |