Nguy cơ từ thuốc lá: Đừng để giật mình vì quá muộn!
00:06' 22/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người thì ai cũng biết. Vậy mà chỉ đến khi sức khoẻ giảm sút, người ta mới giật mình nhìn lại thì mọi sự có khi đã quá muộn...

''Bỏ vợ, không bỏ thuốc''!

Chính sách quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá

Giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới từ 50% xuống dưới 35% vào năm 2005, và dưới 20% vào năm 2010.

Giảm tỷ lệ nữ hút thuốc lá từ 3,4% xuống dưới 2% vào năm 2010.

Giảm tỷ lệ thanh thiếu niên (15-24 tuổi) hút thuốc lá từ 26% xuống dưới 15% vào năm 2005, và dưới 7% vào năm 2010.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hàng năm có khoảng 4,9 triệu người chết do thuốc lá gây ra. Nếu không hành động kịp thời, ước tính đến năm 2020, gánh nặng tử vong do thuốc lá sẽ tăng gấp đôi. Khoảng 70% các trường hợp tử vong trong số đó sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển.

''Cách đây vài năm, tôi đã từng tuyên bố với vợ mình như vậy. Giờ nghĩ lại thấy...'' - bác Trần Quang Hiệp ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã tâm sự như vậy. Khuôn mặt người nông dân 62 tuổi này trông già hơn tuổi rất nhiều, đang nằm điều trị tại Viện Lao và Bệnh Phổi Trung ương. Tháng trước, bác Hiệp có biểu hiện ho ra lẫn máu. Gia đình đã đưa đến BV huyện, tỉnh điều trị nhưng không đỡ. BV phải chuyển bác lên đây điều trị. Các bác sĩ của Viện kết luận: Bác Hiệp bị viêm phổi nặng và hen phế quản.

''Bác bắt đầu hút thuốc lá từ khi nào?'' - tôi hỏi. ''Năm 1964, tôi là anh lính trẻ mới 22 tuổi. Hồi đó, đơn vị chúng tôi phải hành quân qua nhiều mặt trận, chống chọi với những đêm mưa rét thấu xương thịt. Điếu thuốc lá làm bạn đã làm chúng tôi quên đi cái rét cắt thịt và nỗi nhớ nhà... Mỗi đêm, tôi đốt trung bình hết mười điếu thuốc, chủ yếu là thuốc tự cuốn chứ làm gì có đầu lọc như bây giờ...''.

Khi đó, bác có biết hút thuốc có hại cho sức khỏe không? Bác Hiệp đáp: ''Có chứ, nhưng nhiều nguyên nhân khiến tôi không thể bỏ được thuốc. Sau này, hút nhiều, cứ thấy nghiện như "thuốc phiện" ấy, không cưỡng nổi. Mỗi ngày, bình quân tôi hút hết gần bao thuốc Du Lịch. Có lần vợ tôi ném bao thuốc đi, tôi đã nói: ''Anh có thể bỏ em chứ không thể bỏ thuốc được''. Vậy mà bây giờ tôi phải chịu đầu hàng đấy...''.

Sau đợt này, bác có dám hút thuốc nữa không? ''Thôi, sợ lắm rồi! Tôi cũng đã khuyên con trai tôi nên bỏ thuốc. Tuy mới từ bỏ thuốc được hơn một tháng nhưng tôi thấy sức khỏe tốt hơn. Mỗi bữa ăn ba lưng bát cơm, chứ trước kia chỉ ăn miệng bát đã thôi'' - bác nói.

Còn đây là tâm sự của một nhà khoa học: ''Công việc của tôi là nghiên cứu, hay phải thức khuya nên đã nhiều lần tôi tính bỏ thuốc lá nhưng không làm nổi. Những lúc suy nghĩ căng thẳng, cách giúp tôi "thư giãn" tốt nhất là rít liền mấy hơi thuốc, thật sâu. Cách đây hai năm, tôi bị tràn dịch màng phổi, phải nằm viện hai tuần. Quãng thời gian đó không được hút thuốc, lúc đầu tôi thấy bứt rứt cả người nhưng khoảng một tuần sau thì đỡ. Ra viện, BS dặn không được hút thuốc lại, tôi cũng nghĩ chắc mình bỏ được. Không ngờ, khi thức khuya lại để làm việc, tôi bỗng cảm thấy thèm thuốc lá kinh khủng. Thế là phải trốn vợ để hút. Rồi thì tôi chẳng trốn tránh gì nữa, cứ hút bừa ra đấy. "Cơn nghiện" lên thì mọi hậu quả mình lờ đi hết…".

Và hậu quả là đây: Ông đang phải nằm điều trị tại BV K (Hà Nội) vì căn bệnh ung thư phổi. Nghe BS bảo khối u của ông phát triển nhanh quá, hai năm trước, khi ông bị tràn dịch màng phổi, chụp X-quang còn chưa thấy gì… "Giờ thì nhìn thấy thuốc lá, tự nhiên tôi thấy sợ… Nhưng có lẽ muộn rồi!" - ông nói.

Tiếp xúc với chúng tôi, BS Đào Bích Vân, Viện Lao và Bệnh Phổi cũng cho biết: ''Chồng chị hứa bao lần rồi cũng không bỏ được. Vợ làm bác sĩ của Viện Lao - Phổi mà cũng không sợ. Ông ấy làm phóng viên, chẳng biết còn tuyên truyền cho ai...''.

Hút thuốc liên quan đến nhiều bệnh

Ngay từ cổng vào BV K, đập vào mắt mọi người dòng chữ "Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh ung thư". Thế nhưng bao nhiêu người ý thức được điều này? Không ai kiểm chứng được. Chỉ có một sự thật là những căn bệnh liên quan đến thuốc lá đã cướp đi sinh mạng 4,9 triệu người/năm trên thế giới và 30.000-40.000 người mỗi năm tại Việt Nam.

 Bên cạnh bệnh tật, thuốc lá còn làm tăng tỷ lệ đói nghèo.

Mỗi năm, số tiền chi cho thuốc lá ở Việt Nam có thể đủ mua lương thực cho khoảng 10,6 triệu người ăn trong một năm.

Số tiền dành cho thuốc lá ở Việt Nam gấp khoảng 1,5 lần so với chi tiêu cho giáo dục, và gấp khoảng 5 lần so với các chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ bình quân theo đầu người hàng năm.

Trên thực tế, thuốc lá không chỉ gây ra bệnh phổi mà còn rất nhiều bệnh khác như ung thư miệng, họng và thanh quản; ung thư thực quản; ung thư phổi; ung thư tuỵ; ung thư bàng quang; ung thư cổ tử cung và nhiều loại ung thư khác... Ngoài những tác hại bệnh tật giống như nam giới khi hút thuốc, phụ nữ khi mang thai dù hút thuốc chủ động hay bị động đều gây ảnh hưởng đến thai nhi như: dễ sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non... Tuy nhiên, bệnh nhân mắc các bệnh khác do hút thuốc lá chưa nhiều và chưa biểu hiện rõ, mà chủ yếu còn tập trung vào hệ hô hấp.

PSG TS Đinh Ngọc Sỹ, viện trưởng Viện Lao và Bệnh Phổi trung ương, cho biết: "Hút thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp cho người hút thuốc mà còn làm ảnh hưởng đến sức khoẻ những người phải “hút thuốc thụ động”. Đối với những người hút thuốc, căn bệnh liên quan nhiều nhất là hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ưng thư phổi... Theo số liệu điều tra của chúng tôi, 15-50% người hút thuốc bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; tử vong nơi người hút cao gấp mười lần người không hút thuốc".

Liệu có thể giảm tỷ lệ thanh thiếu niên (15-24 tuổi) hút thuốc lá từ 26% xuống dưới 15% vào năm 2005?

Mặc dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh nhưng số người hút thuốc vẫn không giảm, thậm chí còn tăng mạnh ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Theo nghiên cứu của tổ chức PATH Canada, tỷ lệ thanh niên hút thuốc tăng lên nhưng số điếu hút bình quân một ngày của đối tượng này lại thấp hơn người lớn. Trung bình một ngày ở nhóm tuổi 25 là 9,5 điếu, trong khi con số này ở nhóm người 25-34 tuổi lên đến 12,2. Thanh niên hút thuốc đắt tiền hơn so với người lớn. Điều này có thể giải thích thanh niên lại hút ít hơn.

Thật đáng buồn là dù biết rất rõ về tác hại của thuốc lá nhưng nhiều người vẫn không đủ can đảm để rời xa nó. Và càng sai lầm khi ai đó cho rằng hút thuốc lá có thể giúp kiểm soát tâm trạng, giải tỏa stress, làm người ta trở nên “sành điệu”, hay "người lớn" hơn… Một bác sĩ trong BV K nói: "Nếu ai muốn biết thuốc lá gây hại kinh khủng như thế nào, xin mời đến BV K để được tận mắt chứng kiến nỗi đau của những người bị ung thư mà nguyên nhân có liên quan mật thiết đến thuốc lá. Có lẽ trăm nghe không bằng một thấy…".

  • Lệ Hà

Tin, bài liên quan:

1. Cảnh báo từ vỏ bao thuốc lá? Chưa thuyết phục!

http://www.vnn.vn/suckhoe/tintuc/2004/03/56850/

2. Gia tăng bệnh suy hô hấp cấp vì hút thuốc

http://www.vnn.vn/suckhoe/tintuc/2004/05/134922/ 

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sẽ có Viện Ghép Giác mạc và Ngân hàng Mắt? (21/05/2004)
Bệnh nhân viêm phổi phục hồi nhanh hơn nhờ kẽm (21/05/2004)
Giảm cholesterol? Thử ăn... vỏ cam quýt (21/05/2004)
Khai mạc hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp 2004 (20/05/2004)
51 sáng kiến phòng chống HIV/AIDS vào chung kết (20/05/2004)
Thanh tra bệnh viện đầu tiên ở Hà Nội (20/05/2004)
Ở góa, ly dị,... dễ thất bại trong điều trị lao (19/05/2004)
Kiểm tra "loạn sữa"? "Anh cả" chỉ tạm nằm im (19/05/2004)
Thiếu vi chất dinh dưỡng, làm giảm 0,6% GDP (19/05/2004)
ĐBSCL: Dựa vào cộng đồng, ngừa sốt xuất huyết (18/05/2004)
Cung ứng thuốc tại BV: Sẽ kiểm tra "bất ngờ" (17/05/2004)
Trẻ em TP.HCM: Giảm suy dinh dưỡng, tăng béo phì (17/05/2004)
Đâu phải bác sĩ thích mặc áo trắng (15/05/2004)
GOAL: Có thể kiểm soát bệnh hen triệt để (15/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang