(VietNamNet) - Theo kết quả nghiên cứu của các bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), tỷ lệ thất bại trong điều trị lao có liên quan với tình trạng kháng thuốc và tình trạng hôn nhân.
Ngoài tình trạng đồng nhiễm HIV, thách thức lớn cho công tác chống lao chính là tình trạng lao kháng thuốc. Nghiên cứu thực hiện ở 2.196 bệnh nhân lao phổi AFB(+) đăng ký điều trị trong Chương trình quốc gia chống lao TP.HCM cho thấy: 37% bệnh nhân lao mới và 66% bệnh nhân lao tái trị mang dòng vi khuẩn lao kháng với bất kỳ thuốc kháng lao nào ở hàng thứ nhất. Tỷ lệ kháng nhiều thuốc cũng ở mức lo ngại. Tỷ lệ kháng thuốc lao tại TP.HCM xếp thứ ba về kháng thuốc ở bệnh lao mới, và thứ tư cho bệnh nhân có tiền căn điều trị lao, so với khảo sát tình trạng kháng thuốc lao ở 58 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (1996-1999).
|
Lao vẫn là bệnh đáng sợ trên thế giới. |
Ở bệnh nhân lao mới, tỷ lệ điều trị thất bại nơi bệnh nhân kháng nhiều thuốc là 13,8 lần và 50,4 lần ở bệnh nhân kháng đa thuốc. So sánh với người độc thân thì thì tỷ lệ điều trị thất bại nơi người ở goá cao gần chục lần hơn (tỷ lệ này không khác nhau giữa nam và nữ). Ở người ly dị và ly thân cũng có tỷ lệ thất bại cao. Điều này có thể giải thích: Bệnh nhân ở góa và ly thân, ly dị thiếu sự khuyến khích, hỗ trợ từ người nhà, đặc biệt là nam giới.
Một nghiên cứu của nước ngoài cho thấy tỷ lệ thất bại trung bình ở bệnh nhân lao mới bị nhiễm vi khuẩn lao kháng đa thuốc là 21%, ở bệnh nhân tái trị là 34%. Tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân này cũng rất cao, trung bình chung là 10%. Với tám triệu trường hợp bệnh mới và hai triệu người chết vì lao hàng năm, lao là bệnh có số người mắc và tử vong khá cao trên thế giới.
Vân Điển |