ĐBSCL: Dựa vào cộng đồng, ngừa sốt xuất huyết
02:19' 18/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Làm giảm ảnh hưởng và tỷ lệ mắc bệnh, tử vong do sốt xuất huyết (SXH) ở miền Nam là mục tiêu dài hạn của Dự án phòng chống SXH dựa vào cộng đồng tại hai tỉnh Long An, Hậu Giang thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Mesocyclops
Mesocyclops là động vật giáp xác (crustacae), sống trong các thuỷ vực khác nhau và phân bố khắp toàn cầu. Đã có nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và sử dụng Mesocyclops để phòng chống bọ gậy muỗi Aedes aegypti như Úc, Honduras, Brazil, Mexico,  Lào...

Ở Việt Nam,  Mesocyclops được thu thập từ 26 tỉnh. thành, trong đó đã xác định có chín loài có khả năng ăn thịt bọ gậy Aedes aegypti. Đó là các loài: M. woutersi, M. aspericornis, M. affinis, M. ogunnus, M. ruttneri, M. yenae, M. thermocyclopoides, M. disimilis M. cfpehpeiensis.

Từ tháng 2/1993, Mesocyclops được phóng thả vào các dụng cụ chứa nước của thôn Phan Bội, xã Dị Sử, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Mesocyclops phát triển tốt , sau 17 tháng, quần thể muỗi Aedes aegypti giảm xuống tới 0 và vẫn được duy trì cho tới nay.

Phương pháp này tiếp tục được áp dụng thành công tại một số tỉnh thành trong cả nước.

(Nguồn: Tài liệu tập huấn giám sát và phòng chống véc-tơ SXH tại cộng đồng)

Dự án này kéo dài trong ba năm, từ tháng 4/2004 đến tháng 3/2007, với tổng kinh phí trên 600 ngàn USD, do một tổ chức nhân đạo của Vương quốc Anh viện trợ. Sáng 17/5, tại Viện Pasteur TP.HCM đã diễn ra hội nghị triển khai  dự án và khai giảng lớp tập huấn cho cán bộ thực hiện dự án.

Hướng dẫn người dân quan sát và phóng thả Mesocyclops để diệt bọ gậy muỗi SXH ở phía Bắc.

Thực địa thử nghiệm mô hình của dự án gồm hai xã: xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An và xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Các hoạt động: Nâng cao năng lực lãnh đạo và triển khai thực hiện của cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã. Tăng cường khả năng của cộng đồng trong phòng chống bệnh SXH. Sử dụng tác nhân sinh học Mesocyclops vào việc giám sát và phòng chống véc-tơ truyền bệnh SXH. Phối hợp liên ngành trong bảo vệ sức khoẻ và các hoạt động cung cấp nước...

Các hoạt động của Dự án sẽ được quản lý, thực hiện bởi Quỹ vì các dân tộc châu Á và Thái Bình Dương, Australia (AFAP), Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM và Viện Nghiên cứu Y học Queensland (Australia).

Được biết trên thế giới hàng năm có hơn 100 quốc gia có thông báo về bệnh SXH, với hơn 2,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ cao. Mỗi năm, có khoảng 51 triệu người mắc sốt Dengue và từ 250-500 ngàn người mắc SXH Dengue. Ở Việt Nam, bệnh SXH xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1958, sau đó đã lan rộng và trở thành bệnh lưu hành trong hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Vụ dịch lớn vào năm 1998 có 234.920 người mắc, trong đó 377 người chết. Bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh, cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Diệt muỗi, và lăng quăng (bọ gậy) là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng chống bệnh này

Khảo sát thực địa tình hình lăng quăng trong các vật chứa nước ở nhà nông dân miệt ĐBSCL.

Năm 1999, phòng chống bệnh SXH đã được Chính phủ phê duyệt thành một dự án quốc gia. Trước đó, từ năm 1998, Vụ Y tế dự phòng (nay là Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Tổ chức AFAP đã triển khai dự án hợp tác về phòng chống SXH dựa trên sự tham gia của cộng đồng, và sử dụng tác nhân sinh học Mesocyclops tại sáu xã thực địa ở sáu tỉnh của miền Bắc và miền Trung. Kết quả của dự án đã làm giảm 99,7-100% quần thể muỗi véc-tơ truyền bệnh, không có bệnh nhân mắc SXH tại các thực địa, vì vậy được các chuyên gia và Bộ trưởng Ngoại giao Úc đánh giá cao. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng ở một số địa phương miền Bắc và miền Trung.

Đây cũng là nền tảng cho Dự án tại ĐBSCL,  nơi có sự lưu hành bệnh SXH cao nhất trong cả nước: năm 2003, có 38.566 ca mắc và 69 ca tử vong trong tổng số 47.731 ca mắc và 72 ca tử vong của cả nước.

Vân Điển

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cung ứng thuốc tại BV: Sẽ kiểm tra "bất ngờ" (17/05/2004)
Trẻ em TP.HCM: Giảm suy dinh dưỡng, tăng béo phì (17/05/2004)
Đâu phải bác sĩ thích mặc áo trắng (15/05/2004)
GOAL: Có thể kiểm soát bệnh hen triệt để (15/05/2004)
Gia tăng bệnh suy hô hấp cấp vì hút thuốc (14/05/2004)
Thêm một cặp được chọn ghép thận (14/05/2004)
Huân chương Độc lập cho vị thầy châm cứu ở Việt Nam (14/05/2004)
Kiểm tra lại kết quả phân tích chất bảo quản hoa quả (13/05/2004)
Bệnh viện gây nhiễm HIV, phải bồi thường một nông dân (13/05/2004)
Trấn an về chất bảo quản hoa quả và nạn loạn sữa (13/05/2004)
Liên kết độc quyền giá thuốc: Phạt 20 triệu đồng (13/05/2004)
Kiểm tra "loạn sữa" ở Hà Nội: Nặng hình thức (12/05/2004)
BV Nhi Trung ương: Sẽ ghép thận cho trẻ em (10/05/2004)
AIDS sẽ bùng phát ở Ấn Độ? (10/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang