Gia tăng bệnh suy hô hấp cấp vì hút thuốc
22:19' 14/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Số lượng bệnh nhân bị suy hô hấp cấp do bệnh tắc nghẽn mạn tính (COPD) tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) tăng dần theo từng năm, có nguy cơ tử vong cao. Nguyên nhân: Hút thuốc lá!

Thuốc lá gây bệnh thế nào?

Khói thuốc gây bệnh bằng nhiều cách:

- Trực tiếp bằng sức nóng, gây phỏng mạn tính, làm mất vị giác và tán trợ ung thư.

- Tác dụng trực tiếp trên đường hô hấp: Do tiếp xúc trực tiếp của khói thuốc trên niêm mạc hô hấp, do lắng tụ các chất lơ lửng trong khói thuốc.

- Do các chất độc thấm vào máu: Qua màng phế nang mao mạch, đi tới khăp cơ quan.

► Tác hại của các thành phần chính trong hơn 3.000 chất đã phân lập được từ thuốc lá:

- Hắc ín: Có tính gây ung thư và kích thích phế quản.

- Nicotin: Thấm qua máu rất nhanh, tác dụng trên tim mạch và thần kinh.

- Khí CO (monoxyd carbon): Sinh ra trong quá trình cháy thiếu oxy, bám vào hồng cầu, khiến hồng cầu không thể lấy oxy được nữa.

- Ngoài ra, còn có aldehyd, acrolein, phenol đều là chất có tính kích thích.

Theo BS Nguyễn Hồng Đức, trưởng Khoa Khám và Điều trị của BV, năm 2002, bệnh nhân bị suy hô hấp cấp phải nằm điều trị tại phòng hồi sức cấp cứu chỉ trên dưới 100 trường hợp. Đến năm 2003, con số này đã tăng lên 300. Hiện nay, BV đang quản lý trên 3.000 hồ sơ bệnh nhân bị bệnh COPD. Số người đến khám hàng tuần: khoảng 250-300 bệnh nhân, đa số trong tình trạng bệnh đang diễn tiến từ vừa tới nặng.

Bệnh COPD, mà nguyên nhân chính là do hút thuốc lá, diễn ra khi các phế quản bị teo hẹp lại, không khí trong phổi không thoát ra bên ngoài được, các phế nang bị dãn và vỡ, mạch máu bị tắc nên không có sự trao đổi oxy, CO2 giữa máu và không khí. Đây là một bệnh nan y vì đến nay vẫn chưa có thuốc chữa, chỉ điều trị nhằm cải thiện "tình trạng khổ sở" của bệnh nhân.

Một người suy hô hấp do tắc nghẽn mạn tính như "cây đèn hết dầu" dễ dàng "tắt phụt" (tử vong) nếu có một "cơn gió" (các cơn nhiễm trùng) thổi qua. Vì sau nhiều năm hút thuốc, phế quản của người hút bắt đầu bị viêm và hỏng dần đi. Lúc đầu, chức năng thanh thải các chất dơ lẫn trong không khí bị mất, đàm nhớt thay vì được đưa lên cổ họng để khạc ra hoặc nuốt xuống thì cứ ứ đọng lại trong phổi.

Người hút thuốc thường khạc đàm vào buổi sáng. Đó là khi các phế quản lớn trong phổi đã bị hỏng. Sau đó, người bệnh thấy khó thở, hụt hơi khi làm những việc thường ngày. Đây là lúc bệnh đã ở giai đoạn suy hô hấp, không còn hồi phục nữa. Các phế quản nhỏ và phế nang đã bị tổn thương, phổi đã bị tắc nghẽn. Triệu chứng khó thở ngày càng tăng, ngay cả khi làm những việc nhẹ như đánh răng, thay quần áo và ngay cả khi ăn uống. Lúc này, bệnh nhân đã tàn phế hô hấp, những biến chứng dồn dập xảy ra, bệnh nhân thường xuyên bị những đợt viêm phế quản nặng, rơi vào suy hô hấp cấp và tử vong.

Một bệnh nhân lớn tuổi bị COPD.

Bệnh cũng có thể gây biến chứng làm suy tim và cũng sẽ mau chết. Hiện toàn thế giới có hơn 600 triệu người mắc COPD và mỗi năm có trên ba triệu người chết vì bệnh này.

Để nhận biết một người bị COPD trong cộng đồng, ngoài các dấu hiệu khạc đàm và mệt mỏi, cần chú ý đến hiện tượng ngực căng to do phế quản tắc, không khí bị ứ lại phình ra. Các bắp thịt ở cổ nổi lên.

BS Nguyễn Hồng Đức cho biết: Dù vậy, sẽ hạn chế được nguy cơ tử vong do COPD nếu phát hiện kịp thời, chẩn đoán đúng, điều trị và theo dõi đầy đủ. Tuy nhiên, quan trọng hơn hẳn là phải hiểu và phải sợ những tác hại của thuốc lá để từ bỏ chúng, cho dù  bệnh COPD tiến triển âm thầm và lâu dài.

Vân Điển

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thêm một cặp được chọn ghép thận (14/05/2004)
Huân chương Độc lập cho vị thầy châm cứu ở Việt Nam (14/05/2004)
Bệnh viện gây nhiễm HIV, phải bồi thường một nông dân (13/05/2004)
Trấn an về chất bảo quản hoa quả và nạn loạn sữa (13/05/2004)
Liên kết độc quyền giá thuốc: Phạt 20 triệu đồng (13/05/2004)
Kiểm tra "loạn sữa" ở Hà Nội: Nặng hình thức (12/05/2004)
BV Nhi Trung ương: Sẽ ghép thận cho trẻ em (10/05/2004)
AIDS sẽ bùng phát ở Ấn Độ? (10/05/2004)
Cẩn thận với khuẩn ăn thịt người! (10/05/2004)
Bệnh viện phải báo cáo hàng tuần về giá thuốc (10/05/2004)
Không gian châu Âu về y tế trên mạng (09/05/2004)
U não: Ung thư nguy hiểm, cần phát hiện sớm (09/05/2004)
Bác sĩ dùng tia X quá liều, con bệnh bỏng phóng xạ (09/05/2004)
Vượt không gian, khám chữa bệnh qua mạng (08/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang