(VietNamNet) - Kết quả phân tích cho thấy có dioxin trong hóa chất bảo quản hoa quả chỉ mới dừng lại ở vài mẫu. Vì vậy, việc đưa ra số liệu phải thận trọng và so sánh với tỷ lệ cho phép sử dụng trong danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm.
Sau khi báo chí đưa ra những thông tin về vấn đề hóa chất bảo quản hoa quả có sử dụng "chất độc màu da cam" (dioxin), Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTTP) thuộc Bộ Y tế đã lấy mẫu hoa quả tại các chợ ở Hà Nội và một số tỉnh biên giới làm xét nghiệm, phân tích. Công tác phân tích vẫn đang tiếp tục được làm, trong khi Cục đã có cuộc họp với các ban ngành liên quan vào chiều nay 13/5 về vấn đề này.
Phó cục trưởng Cục ATVSTTP Hoàng Thuỷ Tiến nói: "Cho đến thời điểm này, kết quả mà Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 đưa ra là một kết quả đúng: cam được bảo quản bằng thuốc diệt cỏ 2,4-D và 2,4,5-T, với hàm lượng 0,4mg/kg trên vỏ quả và 0,04 mg/kg trong ruột quả. Tuy vậy, đây chưa phải là kết quả đánh giá chung cho tất cả các loại hoa quả. Một số mẫu mà Cục kiểm nghiệm cho thấy chất bảo quản ở hoa quả không vượt ngưỡng cho phép. Một số mẫu kiểm nghiệm có tồn dư hàm lượng chất diệt cỏ 2,4- D, nhưng chỉ tồn dư trong... vỏ".
|
Không phải loại hoa quả nào cũng được ngâm tẩm hoá chất độc hại, song với người dùng thì biện pháp tự phòng ngừa vẫn là quan trọng. |
GS TS Bùi Minh Đức, nguyên trưởng Khoa Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Viện Dinh dưỡng nhận xét: "Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 về hóa chất bảo quản hoa quả có thể chưa chính xác, do việc kiểm tra mới dừng lại ở vài mẫu, chưa làm rộng. Trên thực tế, các mẫu đại diện lấy xét nghiệm phải chia ra làm ba phòng thí nghiệm phân tích độc lập và so sánh kết quả sau cùng. Vì vậy, việc đưa ra số liệu phải thận trọng và so sánh kết quả với tỷ lệ cho phép sử dụng trong danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm".
GS Đức nói thêm: ''Trên thực tế, Viện Dinh dưỡng đã tiến hành xét nghiệm và phát hiện mẫu hoa quả có hàm lượng hóa chất 2,4-D. Tuy nhiên, các mẫu trên vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Trong danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm do Bộ Y tế ban hành năm 1998 cũng cho thấy giới hạn đối với hóa chất 2,4-D và 2,4,5-T trong các hoa quả (cam, táo, mơ...) với giới hạn tồn dư tối đa không quá 0,1mg/kg và 0,05mg/kg hoa quả. Do đó, người tiêu dùng không nên quá lo lắng".
PGS TS Nguyễn Kim Vũ, phó viện trưởng Viện Cơ Điện Nông nghiệp và Sau Thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng nói: "Tôi khẳng định 2,4-D không phải là dioxin. Tỷ lệ dioxin trong 2,4-D thấp. Nó chỉ là chất tạp. Người ta sử dụng 2,4-D trong diệt cỏ, làm chậm quá trình chín của hoa quả, diệt khuẩn... 2,4-D đã được cấm sử dụng tại Việt Nam song nhiều nước trên thế giới vẫn sử dụng, trong đó có Mỹ. Nếu nhập hoa quả từ nước ngoài vào, sẽ không tránh khỏi việc này song nếu hàm lượng chất này ở dưới ngưỡng cho phép thì không hại".
Theo PGS Kim Vũ, từ năm 1999, Viện này đã giới thiệu với bà con cách bảo quản hoa quả với nhiều kỹ thuật như dùng nhiệt và phương pháp sinh học để giúp bề mặt hoa quả được làm sạch và thời gian bảo quản có thế tăng gấp đôi. "Tuy nhiên, nếu người dân lại muốn có thời gian bảo quản lâu hơn nữa và họ tự tìm đến hóa chất thì cần phải kiểm tra mới phát hiện được.'' - PGS Kim Vũ nói.
Còn theo ông Hoàng Thủy Tiến, không phải loại hoa quả nào trên thị trường cũng được ngâm tẩm hoá chất độc hại; đồng thời chất bảo quản hoa quả chỉ gây hại cho sức khoẻ khi vượt quá ngưỡng cho phép. Dĩ nhiên, đối với người dùng thì biện pháp tự phòng ngừa vẫn là quan trọng.
|