(VietNamNet) - Chưa xuất hiện sữa giả trên thị trường như ở An Huy (Trung Quốc). Chất bảo quản hoa quả chỉ chứa một hàm lượng thấp thuốc diệt cỏ, "không ảnh hưởng đến chất lượng bên trong sản phẩm"! Phó cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) ông Hoàng Thủy Tiến nói vậy.
Tại cuộc họp báo ngày 12/5, ông Tiến cho biết thêm: Về tình hình ''loạn sữa'' hiện nay, Thanh tra Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra chặt chẽ việc nhập khẩu, lưu thông, kinh doanh các loại sữa trên thị trường. Trường hợp không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là sữa giả cần xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Một mặt hàng, nhiều cơ quan quản lý song vẫn... hở, khiến người tiêu dùng không an tâm khi chất diệt cỏ được sử dụng để bảo quản hoa quả. |
Cũng về lĩnh vực an toàn thực phẩm, trả lời câu hỏi của các nhà báo về việc tại sao đã cấm dùng chất diệt cỏ để bảo quản hoa quả nhưng đến nay vẫn còn, nhất là có dấu hiệu của việc "tẩm hoa quả bằng chất độc da cam" (2,4-D và 2,4,5-T), ông Hoàng Thủy Tiến nói: "Bộ Y tế nghiêm cấm việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật để bảo quản hoa quả. Tuy nhiên, từ... nhiều năm trước, chất bảo quản hoa quả đã có chứa một hàm lượng thấp chất diệt cỏ nhưng không ảnh hưởng đến... chất lượng bên trong sản phẩm. Mặc dù vậy, dư lượng hóa chất độc hại có trong hoa quả (kể cả cam) đang lưu hành trên thị trường Việt Nam là không gây nguy hiểm đến sức khỏe con người".
Ông cũng dẫn chứng: Mục 2 trong Quy định số 867/1998-BYT của bộ trưởng Bộ Y tế, ban hành ngày 4/4/1998, có nêu rõ: Dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm là những chế phẩm có nguồn gốc từ hóa chất, thực vật, động vật, vi sinh vật dùng để phòng trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật khi được sử dụng (như phun thuốc, tồn tại trong môi trường) không được phép lớn hơn giới hạn tồn dư tối đa tính trên (mg/kg) tương ứng với thực phẩm như loại hóa chất bảo vệ thực vật. "Đối với hóa chất 2,4-D và 2,4,5-T trong các quả táo, mơ, các loại quả mọng khác,... với giới hạn tồn dư tối đa không quá 0,05mg/kg hoa quả cho thấy lượng hóa chất độc hại tồn dư trong kết quả nghiên cứu của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng vẫn ở dưới ngưỡng cho phép." - ông Tiến bảo - "Vì vậy, người tiêu dùng không nên quá hoang mang do nguy cơ ngộ độc chỉ xảy ra ở liều lượng cao gấp trăm lần và số lượng sử dụng thường xuyên hàng ngày".
Đặc biệt, ông Tiến cũng cảnh báo: Không phải vì thế mà các nhà sản xuất, chế biến và bảo quản hoa quả được phép lạm dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật. Nếu không cẩn thận về liều lượng và thời gian sử dụng, các hóa chất này sẽ gây tác hại đến sức khỏe cho chính bản thân họ, gia đình họ và cả đối với người tiêu dùng.
Trước các ý kiến cho rằng có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng về việc quản lý chất bảo quản hoa quả, ông Hoàng Thủy Tiến phân bua: "Mỗi cơ quan có một chức năng riêng trong quản lý. Chẳng hạn: Cũng là hoa quả nhập khẩu qua Hải quan nhưng đến khi vào đến thị trường lưu thông lại thuộc về trách nhiệm của Cục Quản lý Thị trường. Nếu số hoa quả đó không đảm bảo chất lượng, khi ấy sẽ chuyển tay sang... Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm. Tức là một mặt hàng khi vào thị trường sẽ do nhiều cơ quan chức năng quản lý".
Do đó, ông đề xuất: Để đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm và rau quả an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Hải quan và Bộ Y tế cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các loại thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường; khuyến cáo người dân và nhà sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm không lạm dụng các hóa chất bảo quản thực vật mà cần sử dụng các biện pháp bảo quản bằng nhiệt độ, ozone và các phương pháp dân gian... Đặc biệt, các cơ quan liên ngành cần tăng cường kiểm tra, kiểm dịch các loại thực phẩm và hoa quả nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu cụ thể.
|