Đừng bắt tay nữa, nhiễm SARS bây giờ!
14:26' 07/05/2004 (GMT+7)

Virus SARS đã xuất hiện trong tuyến mồ hôi và đường tiêu hóa! Như vậy, về mặt lý thuyết, căn bệnh SARS hoàn toàn có thể lây lan qua chất thải nhiễm khuẩn, thực phẩm và thậm chí qua... bắt tay chứ không phải chỉ qua không khí như trước đây chúng ta vẫn nghĩ!

Đeo khẩu trang cũng chưa chắc đã bảo vệ cho bạn tránh được SARS.

Các nhà bệnh học thuộc ĐH Quân y I tại Quảng Châu (Trung Quốc) vừa lên tiếng cảnh báo: Nếu những cuộc nghiên cứu trong tương lai có thể chứng minh được rằng SARS có thể lây truyền qua những con đường trên, chắc chắn sức khỏe của chúng ta sẽ bị đe dọa rất nhiều.

Cảnh báo này rút ra từ một cuộc nghiên cứu được họ tiến hành bằng cách sử dụng hai phương pháp mới (dùng kháng thể chuyên bám vào virus corona, và khuếch đại các mảnh ADN cung cấp thông tin về virus) để xét nghiệm mô của bốn người chết vì bệnh SARS, đối chiếu với mô của bốn người chết vì những nguyên nhân khác. Đúng như dự kiến, phổi của người chết vì SARS bị virus làm cho thủng lỗ chỗ: khoảng 49% tế bào mô bị nhiễm virus. Đây là phát hiện gây ngạc nhiên, bởi trước đây khoa học đã xác định là virus gây SARS có thể bám vào các giọt nước li ti bắn ra lúc chúng ta ho hoặc hắt hơi, vùng mục tiêu cơ bản của nó là không khí, còn triệu chứng của SARS thì giống như chứng viêm phổi.

Các tác giả cho biết: "Thật ngạc nhiên là virus corona lại xuất hiện trong các cơ quan và mô khác, bao gồm dạ dày, ruột non, ống thận xoắn, tuyến mồ hôi, tuyến cận giáp, tuyến yên, tuyến tuỵ, tuyến thượng thận, gan và cả não nữa. Trong ruột non và thận, virus corona lây nhiễm cho khoảng 25%-49% tế bào, tương đương với mức lây nhiễm ở da. Trong gan, tuyến tuỵ và não, có tới khoảng 24% tế bào bị nhiễm...".

Theo TS Đinh Giang Thanh, trưởng nhóm nghiên cứu, cũng giống như hệ hô hấp, hệ tiêu hóa có thể là một trong những mục tiêu đầu tiên của virus corona. Nếu như virus SARS hiện diện trong thực phẩm và nước, hệ tiêu hóa hoàn toàn có thể sẽ là cửa ngõ cho chúng thâm nhập vào cơ thể. "Mặc dù đến nay chưa có trường hợp lây nhiễm nào được ghi nhận song mọi người cần thận trọng trong mùa lây nhiễm SARS. Phân thải ra môi trường có thể đóng vai trò tác nhân lây nhiễm rất thuận lợi cho virus corona." - TS Đinh nói.

Rò rỉ chất thải đã được xác định là nguyên nhân gây nên đợt dịch SARS lớn nhất ở Hong Kong. Vào tháng 3 và tháng 4 năm ngoái, tổng cộng 321 người sống trong 15 khu nhà tại Amoy Gardens thuộc thành phố Cửu Long đã bị nhiễm SARS. TS Đinh còn lưu ý: Đây là lần đầu tiên virus corona được tìm thấy trong tế bào tuyến mồ hôi trên da. Ông nói: "Đây là một đường lây truyền khác của virus SARS, bởi vì virus có thể tiết theo đường mồ hôi và lây nhiễm cho những người tiếp xúc trực tiếp với... da của người bệnh. Nếu vậy, tác động của SARS lên sức khỏe cộng đồng có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với chúng ta tưởng."

Chẳng hạn, nếu các nhà khoa học kết luận được rằng tiếp xúc trực tiếp là một trong những đường lây nhiễm SARS, bệnh nhân SARS sẽ phải... đeo găng tay, mặc áo choàng dùng một lần rồi vứt bỏ, đeo kính mắt, đeo mặt nạ che kín mặt, tránh hôn hay chạm vào người khác!

Năm ngoái, trong số 8.000 ca nhiễm SARS trên thế giới đã có gần 800 người bị tử vong, phần lớn là ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Cho đến nay, giới y học vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị và vắc-xin phòng ngừa. Do vậy, nếu đường lây nhiễm SARS trở nên rộng hơn, chúng ta sẽ phải đối mặt với một trận dịch lớn đến mức không thể lường trước được.

Khánh Hà (Theo ABC)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thuốc trị suyễn ở Việt Nam: Phi-lý-đắng! (05/05/2004)
Chuẩn bị ba tỷ đồng cho giai đoạn "hậu ZPV" (05/05/2004)
Nghiên cứu virus: Tuyệt đối đảm bảo an toàn sinh học (05/05/2004)
Đà Nẵng: Không để sốt xuất huyết bùng phát thành dịch (05/05/2004)
Đà Nẵng: Tăng cường phòng chống dịch SARS (05/05/2004)
477 tỷ đồng để chăm sóc sức khoẻ cho người Tây Nguyên (04/05/2004)
Thêm ba bệnh nhân SARS mới tại Trung Quốc (04/05/2004)
Hen suyễn, ô nhiễm môi trường và... nạn tham nhũng (03/05/2004)
Hà Nội sẽ có thêm một bệnh viện quốc tế (03/05/2004)
Ấn Độ: Cấm hút-hít-nhai thuốc lá nơi công cộng (02/05/2004)
Thêm một chuyên gia kiểm dịch Trung Quốc nhiễm SARS (02/05/2004)
Long An: "Bệnh lạ" không phải vì dị ứng với côn trùng (01/05/2004)
Trung Quốc: Thêm các ca nhiễm SARS (30/04/2004)
BV Bưu điện II dùng CT-Scanner sáu lớp cắt/vòng quay (30/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang