20 năm, tăng gấp đôi tỷ lệ mắc bệnh hen phế quản
11:42' 30/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Theo điều tra của ĐH Y Hà Nội và Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai, tỷ lệ mắc hen ở Việt Nam đã tăng gấp đôi trong hơn 20 năm qua. Tần suất 2,5% hen phế quản vào năm 1981 nay đã tăng đến 5% dân số cả nước. Chưa có giải thích thỏa đáng, song đáng chú ý là nguyên nhân ô nhiễm môi trường do đô thị hóa.

Hen là một bệnh hô hấp mạn tính, phế quản rất nhạy cảm và phản ứng mãnh liệt đối với các yếu tố kích thích. Biểu hiện bệnh bằng các cơn khó thở, khi thở khò khè. Mức độ nặng nhẹ của cơn hen thay đổi tùy người, tùy mức độ kích thích các phế quản nhỏ.

Hen phế quản có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, thường gặp nhất là dị ứng. Các chất gây dị ứng có thể là bụi trong nhà, nấm mốc, các con bọ sống trong kẽ chiếu hay chăn đệm, bụi lông của vật nuôi.

TS Lê Văn Khang, trưởng Khoa Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai, cho biết: Số bệnh nhân điều trị hen tại đây đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 1990. Đặc biệt, tỷ lệ hen nặng đã lên đến 82%. BS Nguyễn Thành Công, giám đốc Sở Y tế Hải Dương, cũng cảnh báo: Rất nhiều người mắc hen nhập viện có các biến chứng do dùng thuốc không đúng (như loét dạ dày - tá tràng, hội chứng Cushing).

Còn theo BS Nguyễn Thị Phúc, giám đốc Sở Y tế Nghệ An, số trẻ bị bệnh hen tăng rõ rệt từng năm. Hen cũng xuất hiện ở trẻ dưới ba tuổi, trái với quan niệm trước đây về độ tuổi mắc bệnh. Khảo sát trên 1.500 học sinh ở Hà Nội cho thấy tỷ lệ mắc hen ở trẻ là 10,4%, đặc biệt là học sinh nội thành mắc hen cao hơn hẳn (13%, so với tỷ lệ này ở học sinh ngoại thành là 8%).

PGS TS Đinh Ngọc Sỹ, giám đốc BV Lao và Bệnh phổi TW, nhận xét: Dù chưa có một giải thích thỏa đáng nào về sự gia tăng của bệnh hen, song dễ thấy bệnh này có liên quan đến viêm dị ứng trong quá trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể với yếu tố môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Tại Đông Nam Á, đáng chú ý là các nguyên nhân ô nhiễm môi trường do quá trình đô thị hoá, cùng thói quen sử dụng bừa bãi thuốc, hoá chất,...

Theo BS Trương Văn Vĩnh, BV Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM),  bệnh hen phế quản ở TP.HCM vẫn tăng với nhiều nguyên nhân. Trong đó, tình hình đô thị hóa kéo theo ô nhiễm môi trường là một yếu tố nguy cơ cao.

Cùng với các chất kích phát thông thường như phấn hoa, bụi nấm mốc, lông thú, thức ăn..., những "sản phẩm" của đô thị hoá và ô nhiễm môi trường như khói bụi, hơi hóa chất, xăng dầu... làm tăng nguy cơ bị bệnh hen phế quản. Hiện nay, số người mắc bệnh hen tại TP.HCM vào khoảng 3,2% dân số, tỷ lệ này ở trẻ em còn cao hơn. Tại Phòng Khám Hen của BV Phạm Ngọc Thạch, trung bình mỗi ngày có khoảng 20-30 người đến khám.

Hiện người bệnh chủ yếu dùng ICS (Inhaled Cortico Steroid) hít. Đây là loại thuốc làm giảm triệu chứng hen, giảm tính phản ứng phế quản. Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm bệnh nhân Việt Nam dùng ICS thấp hơn nhiều so với dùng thuốc cắt cơn thông thường SABA. Hen bậc 1 có 12% dùng ICS so với 85% dùng thuốc cắt cơn; tỷ lệ này ở hen bậc 2  là 15% dùng ICS - 72% dùng thuốc cắt cơn; và bậc 3 là 6% - 49%.

PGS Đinh Ngọc Sỹ khẳng định: Hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh hen nếu chúng ta quan tâm đúng mức đến bệnh, đặc biệt là có những hiểu biết và áp dụng rộng rãi các tiến bộ trong điều trị và quản lý bệnh hen.

Theo GS Nguyễn Năng An, chủ tịch Hội Hen, Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, phí tổn do điều trị chiếm 6-15% thu nhập của gia đình bệnh nhân. Căn bệnh này ảnh hưởng rõ rệt tới đời sống xã hội, là nguyên nhân hàng đầu làm học sinh nghỉ học, người lao động nghỉ làm.

Mỗi năm, trung bình một bệnh nhân hen ở Việt Nam làm thiệt hại cho gia đình và xã hội 301 USD. Trên thế giới, con số này là 484 USD, nên hàng năm phải tốn khoảng 10-20 tỷ USD để chữa trị bệnh hen (trên 50% là chi phí điều trị trực tiếp tại BV và Khoa Cấp cứu). Theo Tổ chức Y tế thế giới, chi phí y tế và xã hội cho bệnh hen cao hơn tổn thất do lao và HIV/AIDS cộng lại.

Ước tính có 300 triệu người trên Trái đất mắc hen phế quản ở mọi lứa tuổi, trong đó 6-8% là người lớn và 10-12% trẻ dưới 15 tuổi. Dự báo năm 2025, con số này sẽ lên tới 400 triệu người do độ lưu hành hen tiếp tục gia tăng, cứ mười năm lại tăng 50%, có nơi tăng 100%, thậm chí 200% hay cao hơn.

  • Vân Điển - L.Hà   

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Máy tính ADN: Bác sĩ ở bên trong tế bào (29/04/2004)
108 hoạt chất thuộc danh mục khung giá bán lẻ (28/04/2004)
Đề phòng SARS, Việt Nam thắt chặt kiểm dịch (28/04/2004)
Thêm một ca nhiễm SARS ở Bắc Kinh (28/04/2004)
Tế bào gốc: Hy vọng cho bệnh nhân tim mạch (28/04/2004)
Phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS: Thực tế đáng ngại (27/04/2004)
Y học cổ truyền: Thiếu 2.400 bác sĩ, 10.000 y sĩ (27/04/2004)
Công điện khẩn của Bộ Y tế: Tăng cường giám sát SARS! (27/04/2004)
Cypher, giải pháp tốt để trị hẹp động mạch vành (27/04/2004)
Bộ Y tế tham gia đấu thầu mua thuốc của bệnh viện (26/04/2004)
Đà Nẵng: Tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết (26/04/2004)
PDP, phụ gia thực phẩm thay thế hàn the (25/04/2004)
Ghép mô buồng trứng của chị cho em (24/04/2004)
Một chết, hai nhiễm: SARS "made in Beijing" (24/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang