Ngộ độc thực phẩm hoá chất từ dây chuyền "hồn nhiên"
13:32' 21/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Các loại thực phẩm có chứa hoặc nhiễm các hóa chất độc không chỉ gây tỷ lệ tử vong cao mà còn để lại di chứng cho con người. Vậy mà người ta vẫn hồn nhiên bán, hồn nhiên dùng. Một "dây chuyền" hồn nhiên? 

Không đủ trang thiết bị xét nghiệm...

Trung tâm Chống Độc (BV Bạch Mai, Hà Nội) nằm hút sâu trong khuôn viên BV này. Khác hẳn với những phòng bệnh của các Khoa khác, bước chân vào đây là có thể thấy cửa chằng chịt máy móc, các y bác sĩ luôn phải túc trực bên người bệnh. Xung quanh mỗi người bệnh toàn máy móc, bình tiếp nước, dây truyền... Bệnh nhân thở máy, truyền nước, thỉnh thoảng lại bị co giật, đau đớn vật vã.

Chưa rõ bệnh nhân trong ảnh ngộ độc loại hóa chất nào trong thực phẩm!

Nằm co trên giường, không người chăm sóc là bệnh nhân K. T. Mến, 32 tuổi, ở Ninh Bình. BS Nguyễn Thị Dụ, giám đốc Trung tâm cho hay: ''Hiện bệnh nhân không thể nói gì được vì đang bị sốc, lúc tỉnh, lúc mê. Rất may là nguy hiểm đã qua nhưng tình trạng này còn kéo dài''. ''Chị ấy bị ngộ độc gì mà nguy hiểm vậy?'' - chúng tôi sốt ruột hỏi. ''Đến giờ, chúng tôi cũng chưa xác định được bệnh nhân bị ngộ độc do loại hoá chất nào nhưng chắn chắn đây là ngộ độc thực phẩm có chứa hoá chất. Bệnh nhân được tuyến dưới chuyển lên ngày 18/4, nhiệm vụ cứu sống bệnh nhân là hàng đầu đối với chúng tôi. Thật đáng trách là những người có trách nhiệm đã không làm tròn nhiệm vụ, họ chỉ mang bệnh nhân đến rồi đi luôn khiến chúng tôi không có đủ thông tin về người bệnh. Chỉ biết, gia đình chị Mến đã có hai người tử vong là bố đẻ và cháu trai 15 tuổi. Cả nhà có biểu hiện ngộ độc sau bữa ăn. Có nhiều khả năng thức ăn có nhiễm độc...'' - BS Dụ bức xúc.

Sát giường chị Mến là giường của bác L. V. Y, ở Thanh Xuân (Hà Nội) bị ngộ độc dưa chuột. Được cấp cứu kịp thời, sức khoẻ bác Y đang dần ổn định. Bác Y kể: ''Cách đây ba ngày, bữa tối tôi có ăn rau sống và vài lát dưa chuột. Vài giờ sau, tôi đi ngoài liên tục nhưng lại không đau bụng. Đến hôm sau, sức khoẻ yếu dần, đi lại không vững, ăn vào là nôn ra...''. Bác Y được chẩn đoán là nhiễm độc thức ăn nhưng cũng chưa rõ là chất gì. ''Phải đợi kết quả làm xét nghiệm gửi về từ Viện Dinh dưỡng, vì Trung tâm chưa có đầy đủ trang thiết bị để làm xét nghiệm nhanh, tại chỗ được. Đây cũng là khó khăn đối với một Trung tâm Chống Độc lớn như ở đây.'' - BS Dụ cho biết.

Còn nhiều trường hợp khác đang được điều trị tại Trung tâm. Đáng nói là phần lớn rơi vào tình trạng ngộ độc thực phẩm do hoá chất. Tình hình này đang có xu hướng tăng. BS Dụ cho biết thêm: Mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận khoảng 1.800 ca ngộ độc các loại, trong đó 1/3 là do ngộ độc thực phẩm. Trong ngộ đôc thực phẩm, có ba loại: ngộ độc nhiễm trùng vi khuẩn do ăn uống mất vệ sinh, ngộ độc hoá chất lẫn trong thức ăn và hoá chất có sẵn trong thực phẩm.

Với ngộ độc nhiễm khuẩn, có thể chữa nhanh và ít để lại di chứng. Trong khi đó, ở ngộ độc thực phẩm hoá chất, người bệnh ít nhiều sẽ mang di chứng suốt đời. Theo BS Dụ, bệnh nhân bị ngộ độc hoá chất sau khi điều trị khỏi sẽ dễ bị trầm cảm, chán ăn, mất ngủ, rối loạn thần kinh, rối loạn tiêu hoá, mất trí nhớ... Nếu đó là hoá chất nặng, còn có thể bị viêm cơ, viêm dây thần kinh.

"Di chứng" của... thói quen?

TS Trần Đáng, phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra lời cảnh báo: Các vụ ngộ độc vì hoá chất trừ sâu đang có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ ngộ độc thuốc trừ sâu là trên 30% ở năm 2003, so với 22% ở năm 2002.

Ở TT Chống Độc, quanh mỗi người bệnh toàn là máy móc, bình tiếp nước, dây truyền dịch...

Theo ông, trong nhóm thuốc trừ sâu (thuốc bảo vệ thực vật), có nhiều nhóm nhỏ như nhóm lân hữu cơ (Paration, Malation, Diazion,...) dễ phân giải trên đất và cây trồng, gây ngộ độc rất mạnh, tỷ lệ tử vong cao. Khi đã vào cơ thể, các chất độc này tạo ra những chất độc hơn nhiều (như Paration vào cơ thể sẽ oxy hoá thành Paraxon có tính độc gấp 1.000 lần). Chúng gây ức chế các men trong cơ thể, gây ra ngộ độc cấp tính, buồn nôn, tiêu chảy, giảm thị lực, chóng mặt, vật vã, sợ hãi, nhức đầu... Nếu không đủ liều gây ra ngộ độc cấp tính, sẽ gây ngộ độc mạn tính với các triệu chứng choáng váng, nhức đầu, ăn kém mệt mỏi, ngủ không ngon...''.

Tình trạng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm hoá chất tăng lên nhưng tại các cửa hàng ăn uống, tình trạng mất vệ sinh vẫn đang ở mức báo động. Tình trạng này rất dễ nhận thấy khi dạo quanh những cửa hàng ăn uống có sử dụng rau sống ở Hà Nội. Dọc đường Đê La Thành, la liệt các cửa hàng ăn uống và hầu như món nào cũng cần dùng tới rau sống, hoặc dưa chuột. Ghé vào cửa hàng L.N, một cửa hàng được coi là sầm uất nhất phố. Bếp nấu ăn nằm sâu ở phía sau. Sân rửa và làm thịt gia súc được bố trí cùng một nơi. Chiếc sân rộng chừng 5m2, túi rau sống, dưa chuột vừa được mua về vứt toẹt xuống đất. Nhân viên cửa hàng nhặt vội túi rau cho vào chậu rửa qua loa rồi vớt lên rổ. Khi có khách vào ăn, họ chỉ việc nhúm một nắm cho vào rổ con để mời khách. Nhìn những ngọn rau xanh mướt, ai dám chắc rằng đó là màu xanh của tự nhiên hay phải dùng đến một loại hoá chất nào...

''Thời gian này, bệnh nhân chưa thật đông nhưng lại có rất nhiều ca ngộ độc nguy hiểm, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm do hoá chất. Nhìn hoa quả bày bán ở các cửa hàng, có dán tem đàng hoàng nhưng khi mua về thì bên ngoài vẫn cứng, bổ ra lại dễ gặp bên trong hỏng hết. Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp như thế. Nếu tiếc của, dù là ăn tạm những phần không hỏng thì hậu quả cũng dễ xảy ra.'' - BS Dụ nói.

Tạo nên việc ngộ độc hoá chất này có lẽ do một số nông dân vẫn tiếp tục vi phạm các quy tắc an toàn khi sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật, như phun thuốc đậm đặc, sử dụng hoá chất có độc tính cao đã bị cấm, thu hái trước thời hạn an toàn sau khi phun thuốc trừ sâu... Sau đó, họ cứ hồn nhiên thu hoạch và bán ra chợ. Người bán cứ hồn nhiên bán, người mua cứ hồn nhiên dùng, và hóa chất cứ "hồn nhiên" gây họa. Một "hồn nhiên" thuộc về trình độ dân trí, thuộc về thói quen, tập quán xem thường những cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm, xem thường những quy định cấm của Nhà nước đối với hóa chất độc hại.

Dự báo vào những ngày hè sắp tới, việc sử dụng chất hoá học trong bảo quản hoa quả, thuốc trừ sâu sẽ được sử dụng mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc thực phẩm không đảm bảo vệ sinh sẽ tăng và số ca ngộ độc sẽ không dừng lại?

  • Bài, ảnh: L.Hà

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
TP.HCM: Trẻ bị đau bụng vì... sợ học (19/04/2004)
Ba "đòn mạnh" đầu tiên để bình ổn giá thuốc (19/04/2004)
Hà Nội: Cần tiêu hủy hơn 3 tấn thuốc BVTV (18/04/2004)
Nuôi cấy tế bào da cho bệnh nhân bỏng (17/04/2004)
Thuốc nội: Sẽ "vắn số", nếu không giành thêm thị phần! (16/04/2004)
Thành lập Viện huyết học - Truyền máu TW (16/04/2004)
Liệu giá thuốc có bình ổn như Bộ Y tế hứa? (16/04/2004)
Bệnh viện Việt - Pháp: Chăm sóc sức khỏe trọn gói (16/04/2004)
Trung Quốc miễn phí xét nghiệm HIV/AIDS (15/04/2004)
Lời cảnh báo từ vỏ bao thuốc lá: Chuyện không nhỏ (15/04/2004)
Nhà thuốc BV đâu phải nơi nâng cao đời sống nhân viên (14/04/2004)
''P/S bảo vệ nụ cười VN'' về với Điện Biên (14/04/2004)
Miền Trung: Đẩy mạnh quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (14/04/2004)
Kiểm soát thuốc lá hiện còn lỏng lẻo (14/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang