Một dự án y học đa quốc gia vừa triển khai nhằm nghiên cứu gien gây trầm cảm, từ đó bào chế thuốc cho căn bệnh quái ác này. Liệu dự án có khả thi hay không?
|
120 triệu người trên thế giới mắc trầm cảm. |
Tuần qua, dự án nghiên cứu gien gây chứng trầm cảm đã được triển khai tại Hội nghị Gien người, tổ chức ở Berlin (Đức). Đây là một dự án có quy mô lớn, với sự tham gia của 13 phòng thí nghiệm thuộc muời quốc gia trên toàn thế giới. Bill Deakin, chủ nhiệm dự án thuộc ĐH Manchester (Anh), cho biết: "Trong suốt 30 năm qua, thuốc chống trầm cảm chẳng thay đổi chút nào cả. Vì thế, nhiệm vụ của chúng tôi là phải tìm ra những phân tử mới liên quan đến chứng trầm cảm, từ đấy xây dựng phương pháp điều trị mới hữu hiệu hơn."
Hiện nay, hầu hết các loại thuốc chữa trầm cảm đều làm tăng mức serotonin trong não lên, giúp cho tế bào não tác động đến tình cảm hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, phương pháp này phải mất đến hàng tuần mới phát huy được tác dụng, hơn nữa tỷ lệ thành công cũng chỉ ở khoảng 50% mà thôi. Chính vì vậy, dự án nghiên cứu tại Đức - được gọi là NEWMOOD (Tâm trạng mới) - được đề ra và triển khai với mục đích tìm ra phương thức chữa trị mới, hỗ trợ công tác phát hiện bệnh và nâng cao mức hiểu biết về các nguyên nhân gây trầm cảm. Nếu thành công, lợi ích mà dự án mang lại sẽ không nhỏ, bởi vì trên thế giới hiện đang có khoảng 120 triệu người đang mắc chứng trầm cảm.
Dự án nghiên cứu sẽ bắt tay vào tìm kiếm các gien gây nên chứng trầm cảm ở cả chuột lẫn người. Deakin cho biết, chuột cũng có thể bị trầm cảm nếu như phải chịu quá nhiều căng thẳng, và triệu chứng của chúng cũng giống như ở người. Chuột trầm cảm sẽ mất đi cảm giác vui vẻ, vì thế không phân biệt được đường với nước lã. Ngoài ra, chúng trở nên dễ dàng chấp nhận số phận hơn, chẳng hạn như khi bị buộc vào đuôi và treo lên, chuột chỉ giãy dụa vài cái "lấy lệ" chứ không "đấu tranh" quyết liệt như bình thường.
Các nhà nghiên cứu tham gia dự án sẽ chế tạo một con vi chip mang 800 gien liên quan đến trầm cảm, trong đó có cả những gien tác động đến quá trình đồng hóa, tăng trưởng và giao tiếp tế bào. Con chip này sẽ phát hiện ra tất cả mọi gien hoạt động trong cơ thể người và vật, cả mạnh khỏe lẫn bị trầm cảm. Deakin nói: "Hiện nay chúng tôi chưa biết được những phân tử này là gì, nhưng hy vọng rằng chúng tôi sẽ tìm ra toàn bộ các gien cần thiết. Chúng tôi sẽ thử nghiệm tác động của các gien liên quan đến trầm cảm tìm được bằng cách thay đổi hoạt động của chúng trên cơ thể chuột biến đổi gien."
Trầm cảm là căn bệnh gây ra do các nhân tố môi trường và di truyền. Căng thẳng mạn tính, chẳng hạn như đau ốm lâu dài hoặc mất người thân, có thể gây trầm cảm cho những người vốn không bị trầm cảm di truyền. Để chữa trị chứng bệnh quái ác này, khoa học thường chữa trị bằng thuốc song song với các liệu pháp tâm lý, khuyên nhủ. Tổng số vốn mà Liên minh châu Âu rót cho dự án lên tới 7,3 triệu USD, được thực hiện trong thời gian năm năm.
Khánh Hà (Theo Nature) |