(VietNamNet) - "Ở thập kỷ 60, tỷ lệ người bị tăng huyết áp trong cộng đồng là 1,8%. Nay, theo Viện Tim mạch quốc gia, tỷ lệ này đã đến 14,8-16%. Tính tròn là 15% thì ở Việt Nam đã có 12 triệu người tăng huyết áp trên tổng số 80 triệu dân cư". GS Nguyễn Mạnh Phan, chủ tịch Hội Tim mạch TP.HCM, giám đốc BV Thống Nhất báo động.
Tại buổi ký kết phối hợp thực hiện chương trình "Truyền thông kiến thức phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch" tổ chức vào ngày 9/4 tại TP.HCM, GS Phan cũng cho biết: Song song với sự gia tăng của bệnh tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch khác cũng có tỷ lệ mắc ngày càng cao. Số người tử vong, mất khả năng lao động do di chứng của các bệnh tim mạch cũng gia tăng.
|
Ký kết phối hợp thực hiện chương trình "Truyền thông kiến thức phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch". |
Ở người lớn tuổi, bệnh tim mạch đứng hàng thứ hai sau ung thư. Ở lứa tuổi trung niên, đứng hàng thứ tư sau các bệnh nhiễm trùng, hô hấp, tiêu hóa. Bệnh tim mạch cũng là nguyên nhân của tàn phế, của những di chứng nặng nề sau tai biến mạch máu não, gây suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim và gây nhiều thương tổn đến các cơ quan khác.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: Bệnh tim mạch là "bệnh của lối sống và những thói quen ăn uống có hại". Trong khi sự hiểu biết về bệnh và tuân thủ điều trị của bệnh nhân còn hạn chế thì việc truyền tải thông tin về cách thức phòng ngừa các tác động xấu, các yếu tố gây nguy cơ, những khuyến cáo về các phương pháp chuẩn đoán và điều trị... là rất quan trọng trong việc ngăn chặn nguy cơ phát triển nhanh chóng bệnh tim mạch.
Bắt đầu từ tháng 4/2004, Hội Tim mạch học TP.HCM, Trung tâm Tim mạch người có tuổi (Bộ Y tế) phối hợp với Viện Nghiên cứu "Les Laboratoires Servier" và báo Gia đình & xã hội tổ chức chương trình "Truyền thông kiến thức phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch" đến đông đảo người dân. Chương trình sẽ được triển khai dưới hình thức các buổi sinh hoạt chuyên đề định kỳ hàng tháng giữa bác sĩ với mọi người, kết hợp phổ biến qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình... và tư vấn qua thư hoặc trực tiếp để mọi người có thể tiếp cận được những kiến thức cơ bản nhất về bệnh tim mạch. Từ đó, tự diều chỉnh hành vi, chế độ sinh hoạt, ăn uống... nhằm chủ động phòng ngừa bệnh tật và giúp việc điều trị có hiệu quả.
Từ nay đến tháng 9/2004, sẽ có sáu buổi sinh hoạt với các chủ đề về các yếu tố gây nguy cơ tim mạch, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, bệnh tiểu dường và tăng mỡ máu, đột quỵ, suy tim.
Tin, ảnh: Bảo Phùng - Vân Điển |