(VietNamNet) - Khoa Tiêu hóa A8 của BV Nhi TƯ chỉ có 30 giường nằm nhưng những ngày đầu tháng 4, Khoa luôn có trên 60 bệnh nhi nằm điều trị, đặc biệt có nhiều ca bệnh tiêu chảy.
Bệnh nhi Phan Nhật Long, 15 tháng tuổi, vào viện từ ngày 5/4 với các biểu hiện sốt, nôn, không ăn uống, sau đó bị tiêu chảy khoảng 15 lần/ngày. Khi vào viện và được điều trị, nay bé đã đỡ và sẽ được xuất viện nay mai.
|
Mộ bệnh nhi bị tiêu chảy, điều trị tại BV Nhi trung ương. |
Nhưng không phải cha mẹ nào cũng bình tĩnh xử trí như vậy khi con có các triệu chứng bệnh như vậy. Mẹ bé N.A.T. (mới chín tháng tuổi, quê ở Hưng Yên) cho biết: Cách đây một tuần, bé T. có các biểu hiện sốt, không chịu ăn, ăn được chút nào lại nôn hết ra, kèm tiêu chảy. Gia đình mua thuốc cho bé uống nhưng không đỡ, đặc biệt bà mẹ chẳng rõ tên thuốc, chỉ nhớ thuốc đó "giá 500 đồng/liều". Mẹ bé T. phân trần: ''Tôi cứ nghĩ là tiêu chảy bình thường như mọi khi, uống thuốc là khỏi. Khi cháu bị tiêu chảy kèm theo máu, tôi mới đưa đi BV Yên Mỹ nhưng nặng quá, phải chuyển lên BV Nhi Trung ương''. Rất may, bé N.A.T. được các BS điều trị kịp thời, số lần tiêu chảy giảm hẳn. Bé bị sút 3kg, da xanh xao nhưng may mà qua cơn nguy hiểm.
BS Hồ Thị Hiền, Khoa Tiêu hóa cho hay: ''Một ngày có khoảng 15 bệnh nhi vào Khoa Tiêu hóa thì có đến một nửa là mắc tiêu chảy. Chủ yếu bệnh nhân rơi vào trẻ dưới một tuổi với biểu hiện sốt vừa, sốt cao và nôn nhiều. Các biểu hiện trên kéo dài sau nửa ngày, cùng lắm là một ngày, bệnh nhi bắt đầu bị tiêu chảy, uống thuốc nhưng không đỡ''.
BS Hiền nói thêm: Đây là bệnh xuất hiện quanh năm nhưng vào thời điểm chuyển mùa như hiện nay, số bệnh nhân tăng mạnh. Phần lớn bệnh nhi vào viện đã được điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Điều đáng nói là bố mẹ tự mua thuốc Oserol (dùng khi mất nước trong dịch truyền) nhưng không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, pha chế không đúng quy định khiến trẻ khi uống vào không kịp dung nạp, dẫn đến hiện tượng nôn mửa ngay sau khi uống, thậm chí gây co giật, sốt cao.
Khi trẻ có triệu chứng sốt, phải hạ sốt đúng cách. Bố mẹ trẻ không nên vội cho trẻ uống kháng sinh hay các loại thuốc cầm, mà nên theo dõi tình trạng của trẻ, bù lượng nước mất đi bằng dung dịch Oserol. Cũng theo BS Hiền, việc pha dung dịch Oserol phải được thực hiện theo đúng chỉ dẫn, đúng tỷ lệ (gói to pha với 1 lít nước, gói nhỏ hoặc viên nén pha với 200ml nước sôi để nguội). Việc uống dung dịch Oserol phải được thực hiện từ từ, từng thìa nhỏ một. Nếu bệnh không giảm, cần đưa trẻ đến khám tại BV. Đây là bệnh dễ lan rộng nên trẻ nhiễm bệnh cần được cách ly và chăm sóc cẩn thận, đặc biệt là giữ vệ sinh cho trẻ.
|